Tội phạm ma túy ngày càng phức tạp

Từ đầu năm 2019 tới nay, liên tiếp nhiều đường dây mua bán, vận chuyển ma túy rất lớn tại một số tỉnh thành miền Trung và miền Nam bị triệt phá. 
Đường dây ma túy ước trị giá 500 tỷ đồng của người Trung Quốc vừa bị triệt phá
Đường dây ma túy ước trị giá 500 tỷ đồng của người Trung Quốc vừa bị triệt phá

Thành công của các chuyên án ma túy cho thấy sự nỗ lực quyết liệt của các lực lượng chức năng trong cuộc chiến với ma túy nhưng đồng thời cũng phản ánh tình hình tội phạm buôn bán, vận chuyển, tàng trữ “cái chết trắng” ngày càng phức tạp.

Điểm trung chuyển mới

Theo thống kê của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C04), Bộ Công an, chỉ trong 1 tháng gần đây, qua các chuyên án ma túy ở Hà Tĩnh, Nghệ An và TPHCM bị lực lượng chức năng phát hiện và triệt phá, số lượng ma túy thu giữ được đã lên tới hơn 2,5 tấn, chủ yếu là ma túy tổng hợp, ma túy đá. Số lượng ma túy khủng bị phát hiện, thu giữ tại một số địa phương đều có nguồn gốc nước ngoài và nằm trong những đường dây tội phạm ma túy xuyên quốc gia do các tên trùm quốc tế câu kết với một số đối tượng trong nước thực hiện. Theo Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng C04, dù nhiều chuyên án ma túy rất lớn được phá thành công nhưng thực tế chúng ta mới chỉ chặt đứt được một vài mắt xích trong các đường dây ma túy quốc tế, xuyên quốc gia qua Việt Nam.

Lý giải về việc ngày càng có nhiều vụ tàng trữ, vận chuyển, buôn bán ma túy với khối lượng rất lớn từ vài chục, vài trăm kg cho tới cả tấn bị phát hiện, Đại tá Vũ Văn Hậu cho biết, Việt Nam rất gần với trung tâm ma túy lớn của thế giới, đó là khu Tam giác vàng, khu Lưỡi liềm vàng. Trong đó, khoảng cách từ Việt Nam đến thủ phủ ma túy Tam giác vàng chỉ 500km. Chính điều kiện tự nhiên này mà các đối tượng đã coi Việt Nam như một địa bàn tập kết ma túy, rồi tiếp tục đưa đi nước thứ ba tiêu thụ. 

Theo ước tính, riêng khu Tam giác vàng có 85.000ha trồng thuốc phiện và nhập lại từ Trung Quốc hơn 3.000 tấn hóa chất mỗi năm để điều chế ma túy tổng hợp.

Nhiều cám dỗ vì siêu lợi nhuận

Đại diện C04 cũng cho biết, ma túy đưa lậu vào nước ta qua nhiều con đường khác nhau, từ đường biển, đường thủy nội địa, hàng không cho tới đường bưu điện, đường chính ngạch và tiểu ngạch. Các tuyến biên giới đường bộ Việt - Trung, Việt - Lào và Việt Nam - Campuchia đã tạo ra nhiều điểm nóng. Những tên trùm thường không trực tiếp vận chuyển mà chỉ đạo từ xa, thuê đội ngũ cửu vạn xách mang, giao dịch, trao đổi thông tin qua điện thoại, qua mạng internet. Nguy hiểm hơn là tình trạng các tổ chức tội phạm ma túy quốc tế núp bóng hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa thông thường để sản xuất ma túy với số lượng lớn và hình thành các đường dây vận chuyển vào Việt Nam tiêu thụ hoặc trung chuyển đi nước thứ ba.

Đề cập về lợi nhuận siêu khủng của hoạt động buôn bán ma túy, Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống ma túy và tội phạm, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, cho biết, qua khai thác đối tượng buôn bán ma túy cho thấy, 1 bánh heroin ở Lào mua có giá khoảng 4.500 USD, khi đưa trót lọt qua biên giới về Việt Nam giá nâng lên từ 8.000-12.000 USD tùy chất lượng mặt hàng và khi được chuyển qua biên giới sang Trung Quốc giá lại tăng lên từ 18.000 - 20.000 USD.

Vì siêu lợi nhuận như vậy nên các đối tượng bất chấp mọi thủ đoạn, mọi quy định pháp luật và hậu quả để lao vào buôn bán ma túy. Đại tá Đỗ Ngọc Cảnh cho biết thêm, tại khu vực Mộc Châu, Sơn La đã xuất hiện những nhóm vũ trang người nước ngoài vận chuyển ma túy vào Việt Nam và luôn chống trả rất quyết liệt khi bị vây bắt. Bộ đội biên phòng đã đấu tranh hiệu quả, giảm được 70% lượng người này nhưng những kẻ bị bắt chủ yếu là dân địa phương ở 2 bên biên giới bị dụ dỗ, lợi dụng, còn kẻ cầm đầu, tên trùm không xuất hiện. Hơn nữa, do từ giữa năm 2018, lực lượng chức năng đánh mạnh vào các địa bàn nóng về ma túy ở khu vực phía Bắc, nhất là việc đánh sập “sào huyệt” ma túy ở Loóng Luông (Sơn La) nên các đối tượng tìm cách thay đổi địa bàn hoạt động với xu hướng vận chuyển ma túy sang khu vực phía Nam và miền Trung.

Tin cùng chuyên mục