Tội phạm môi trường vì sao khó xử lý?

Lãi nhờ xâm hại môi trường
Tội phạm môi trường vì sao khó xử lý?

Đến tháng 3 này, sau 1 năm thành lập Cục Cảnh sát môi trường (C36) được thành lập hơn 1 năm, nhưng chưa một tội phạm môi trường nào phải đứng trước vành móng ngựa. Có phải do C36 chưa có chức năng điều tra nên loại tội phạm mới nổi, gây thiệt hại hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm này vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật?

Lãi nhờ xâm hại môi trường

Tội phạm môi trường vì sao khó xử lý? ảnh 1

Buôn bán động vật trái phép - một trong rất ít các vụ vi phạm pháp luật về môi trường bị xử lý hình sự.

Trong 1 năm hoạt động, C36 đã phát hiện hàng loạt vi phạm pháp luật của các doanh nghiệp (DN) về môi trường. Điển hình là vụ tuồn rác thải y tế ra bán cho tư nhân để chế biến đồ nhựa gia dụng ở Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức... Thủ tướng đã yêu cầu phải tiến hành thanh tra, chấn chỉnh việc này tại tất cả các bệnh viện trong cả nước.

Hàng loạt vụ buôn bán, kinh doanh động vật hoang dã quý hiếm ở Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa... cũng đã bị phát hiện.

Đặc biệt, theo đại tá Lương Minh Thảo, Phó Cục trưởng C36, cơ quan này đã phối hợp với thanh tra môi trường phát hiện rất nhiều DN, nhất là ở ngành giấy, vô tư vi phạm pháp luật, kiếm lợi hàng trăm tỷ đồng từ việc đổ chất thải ra môi trường mà không bị xử lý như quy định. Hậu quả là sông Thị Vải và không ít các dòng sông khác biến thành “sông đen”.

Còn nhớ khi ra mắt C36, ông Phạm Khôi Nguyên, khi ấy là Thứ trưởng Bộ TN-MT, đã đưa ra con số rất đáng báo động: trong mấy năm gần đây, Bộ TN-MT phát hiện các DN trong nước đã nhập hơn 3.000 container ắc-quy chì từ Nhật Bản, thu lãi 4 triệu USD.

Trong khi đó, ở Nhật Bản, để xử lý chất thải này, đơn vị thải ra phải chi số tiền gấp 20 lần! Nhiều thứ mà DN VN nhập khẩu về với danh nghĩa là lấy nguyên liệu, thực chất 2/3 trong số đó là rác thải. Riêng một tàu chở rác thải phát hiện cách đây không lâu, người nhập khẩu đã được thưởng 2 triệu USD.

“Hiện cả nước có khoảng 4.000 DN gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Những DN này, nếu ở Trung Quốc sẽ phải đóng cửa”, ông Phạm Khôi Nguyên nói. Những xâm hại mang lại lợi nhuận cho một nhóm người nói trên sẽ khiến cả dân tộc phải trả giá, chi ra các khoản tiền khổng lồ để khắc phục (mỗi năm Trung Quốc phải chi 200 tỷ USD để khắc phục các sai lầm, tổn hại về môi trường). Đại tá Lương Minh Thảo cũng khẳng định “rất nhiều DN VN lãi nhờ xâm hại môi trường”.

Thủ đoạn tinh vi

Dù đã có cảnh sát chuyên trách nhưng theo Cục trưởng C36 Nguyễn Xuân Lý, hiện vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường diễn ra ở hầu khắp mọi địa bàn, mọi lĩnh vực kinh tế.

Trong khi đó, việc xử lý lại tỷ lệ nghịch với số vụ vi phạm và thiệt hại do loại tội phạm này gây ra. Nếu như trước khi có C36, chỉ có 1,1% số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường bị xử lý hình sự thì đến nay, tỷ lệ này cũng gần như... giẫm chân tại chỗ. Hiện mới chỉ có Công an Quảng Trị khởi tố vụ án làm lây lan dịch ở bò; Công an Hà Nội khởi tố vụ buôn bán động vật hoang dã và Công an Quảng Nam khởi tố vụ phá rừng ở Quế Sơn.

Để khắc phục những tồn tại trên, mới đây C36 chính thức kiến nghị cho tăng cường lực lượng. Trong giai đoạn 2008-2010, C36 đề nghị bố trí 250 – 300 cán bộ (trong đó có 15%-20% cán bộ khoa học kỹ thuật).

Ở địa phương, C36 đề nghị bố trí tại Hà Nội và TPHCM 70-100 cán bộ; riêng ở các tỉnh lớn có tình hình môi trường phức tạp, cục đề nghị bố trí thêm 40-50 cán bộ chiến sĩ! Đồng thời, đề nghị giao cho C36 có chức năng điều tra để kịp thời khởi tố, đưa các đối tượng vi phạm ra xử lý hình sự.

Trước thực trạng trên, đầu tháng 3 này, Cục trưởng C36 Nguyễn Xuân Lý đã có văn bản báo cáo, kiến nghị lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát và Bộ Công an về những bất cập liên quan đến các quy định về pháp lý... và các biện pháp khắc phục. Một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong công tác điều tra, xử lý là lực lượng của C36 mỏng, trình độ chuyên môn, kỹ thuật còn thiếu và yếu và chưa có chức năng điều tra.

Trong khi đó, phương thức, thủ đoạn của tội phạm môi trường lại tinh vi gần giống với tội phạm kinh tế, tham nhũng. Các đối tượng vi phạm thường dùng thủ đoạn mua chuộc, câu kết với một số cán bộ thuộc cơ quan chức năng về bảo vệ môi trường để chủ động đối phó và nhờ sự “can thiệp” của các cán bộ có thẩm quyền.

Có lần, khi Bộ TN-MT chuẩn bị cử đoàn công tác về xử lý một DN vi phạm môi trường thì Bí thư, Chủ tịch tỉnh có DN ấy đã gọi điện cho lãnh đạo bộ để “xin”, nhằm không ảnh hưởng đến tình hình thu hút vốn đầu tư của địa phương!?

Bên cạnh là “anh em” với tham nhũng, tội phạm môi trường còn có “họ hàng” với các loại tội phạm khác như buôn lậu, buôn bán hàng cấm... Đồng thời, tội phạm môi trường còn có mức độ hội nhập, quốc tế hóa khá cao nên thực trạng khó khăn trong phối hợp giữa C36 với các lực lượng khác và với chính quyền trong phát hiện, xử lý.

Lăng Tiêu – Đinh Thu

Tin cùng chuyên mục