Tổng rà soát các công ty có biểu hiện giống Mumuso Việt Nam

Sau khi có kết luận Mumuso Việt Nam bán 2.273 loại hàng hóa mà công ty này kinh doanh (phổ biến là mỹ phẩm) thì có tới 2.257 (chiếm 99,3%) loại hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng lại mập mờ, mạo danh là hàng Hàn Quốc. Bộ trưởng Bộ Công thương đã có chỉ đạo rà soát toàn bộ các doanh nghiệp có biểu hiện tương tự Mumuso Việt Nam.

Trong chiều nay 3-8, thông tin từ Bộ Công thương cho biết, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã có chỉ đạo rà soát toàn bộ các doanh nghiệp có biểu hiện tương tự Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam (Mumuso Việt Nam).

Trước đó, công ty này đã bị phanh phui vì bán nhiều loại hàng hóa được sản xuất tại Trung Quốc nhưng lại mập mờ quảng cáo là hàng Hàn Quốc, khiến dư luận rất bức xúc. Bộ Công thương cũng có kết luận và công nhận sự thật này.
Tổng rà soát các công ty có biểu hiện giống Mumuso Việt Nam ảnh 1 Mumuso Việt Nam bị cho là đã đánh lừa người tiêu dùng nhiều năm qua về nguồn gốc thật của hàng hóa, đang bị Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu tổng rà soát

Theo thông báo của Văn phòng Bộ Công thương, căn cứ vào Kết luận kiểm tra số 5520 ngày 1-7-2018 của Bộ Công thương về việc chấp hành pháp luật về thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm, cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng tại Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam; xét báo cáo của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng về việc rà soát, kiểm tra tại các doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tương tự Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh phân công nhiệm vụ cho Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu rà soát, đánh giá các bất cập của chính sách pháp luật quản lý hiện hành đối với mô hình kinh doanh theo chuỗi.

Nghiên cứu, đề xuất với Bộ Công thương và các cấp có thẩm quyền các chính sách pháp luật nhằm tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước đối với hoạt động của mô hình kinh doanh theo chuỗi tương tự như Mumuso Việt Nam.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khẩn trương điều tra và xử lý hành vi vi phạm Luật cạnh tranh tại Mumuso Việt Nam theo quy định. Phối hợp với các đơn vị liên quan theo dõi, giám sát và đánh giá hoạt động tuân thủ pháp luật cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của một số doanh nghiệp có mô hình kinh doanh tương tự Mumuso Việt Nam. Tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo, nâng cao nhận thức tiêu dùng của người dân

Cục Quản lý thị trường khẩn trương tiến hành thủ tục xử lý hành vi vi phạm hành chính đối với Mumuso Việt Nam, công khai kết quả xử lý. Chỉ đạo các Chi cục Quản lý thị trường rà soát, kiểm tra hoạt động các chuỗi cửa hàng kinh doanh theo mô hình tương tự Mumuso Việt Nam trên phạm vi cả nước. Kịp thời báo cáo lãnh đạo Bộ phương án xử lý khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trong hoạt động của các doanh nghiệp có mô hình tương tự Mumuso Việt Nam.

Trước đó, vào ngày 13-7, Bộ Công thương đã công bố kết luận kiểm tra đối với Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Mumuso Việt Nam - một chuỗi cửa hàng bán lẻ rất quen thuộc tại thị trường Việt Nam dành cho khách hàng trẻ tuổi với các sản phẩm như thời trang, mỹ phẩm - trong giai đoạn từ năm 2016 tới ngày 31-5-2018. 

Hành vi của công ty này là mập mờ về nguồn gốc sản phẩm, có dấu hiệu vi phạm quy định về cạnh tranh, quảng cáo gây nhầm lẫn về nơi sản xuất hàng hóa nhằm cạnh tranh không lành mạnh. 

Theo kết luận, việc hãng này sử dụng chữ Korea (Hàn Quốc) trên các túi đựng sản phẩm là không chính xác, có thể khiến khách hàng hiểu rằng cửa hàng, người sản xuất, nơi sản xuất, xuất xứ, sản phẩm của công ty này liên quan đến Korea (Hàn Quốc).

Trong khi trên thực tế, dù lâu nay nhiều người tiêu dùng vẫn nghĩ các sản phẩm bán tại Mumuso là hàng nhập từ Hàn Quốc nhưng theo kết luận của Đoàn kiểm tra thuộc Bộ Công thương, trong số 2.273 loại hàng hóa mà công ty này kinh doanh thì có tới 2.257 (chiếm 99,3%) loại hàng hóa được nhập khẩu từ Trung Quốc.

Phần còn lại được mua tại các đơn vị cung cấp hàng hóa, sản phẩm khác ở Việt Nam.

Công ty này có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác cho người tiêu dùng.

Mặc dù sử dụng nhiều nội dung thể hiện sự liên quan tới nguồn gốc từ Hàn Quốc nhưng công ty này lại không cung cấp được các căn cứ, tài liệu để xác minh tính chính xác của các thông tin cung cấp, đặc biệt là thông tin về nguồn gốc, công nghệ sản xuất sản phẩm.

Tin cùng chuyên mục