TP Hồ Chí Minh: Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh

Là một trong những địa phương có dân số đông nhất nước, ngành y tế TPHCM không chỉ gánh vác trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho riêng người dân TP mà cả ở nhiều địa phương khác. Trong tổng số lượt khám và điều trị năm 2015, chiếm hơn 40% là người bệnh từ các tỉnh. Tuy nhiên, bằng các nỗ lực, ngành y tế TPHCM đã đưa ra nhiều giải pháp vừa nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, vừa giảm tải cho các cơ sở y tế. Điều này đã được ghi nhận tại hội nghị tổng kết ngành y tế TPHCM năm 2015 diễn ra sáng 19-2.

Là một trong những địa phương có dân số đông nhất nước, ngành y tế TPHCM không chỉ gánh vác trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cho riêng người dân TP mà cả ở nhiều địa phương khác. Trong tổng số lượt khám và điều trị năm 2015, chiếm hơn 40% là người bệnh từ các tỉnh. Tuy nhiên, bằng các nỗ lực, ngành y tế TPHCM đã đưa ra nhiều giải pháp vừa nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, vừa giảm tải cho các cơ sở y tế. Điều này đã được ghi nhận tại hội nghị tổng kết ngành y tế TPHCM năm 2015 diễn ra sáng 19-2.

Đầu tư cho bệnh viện quận/huyện

Theo Sở Y tế TPHCM, tổng số lượt khám và điều trị năm 2015 gần 40 triệu lượt, trong đó số lượt bệnh nhân điều trị nội trú là 1.495.360 triệu lượt, tương đương cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, thực hiện giảm quá tải bệnh nhân của các bệnh viện (BV) tuyến thành phố và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho BV tuyến cơ sở, Sở Y tế đã tích cực triển khai thực hiện đề án giảm tải như thành lập khoa sản nhi tại các BV quận/huyện. Hiện nay, các BV quận/huyện đang tập trung cải tạo cơ sở vật chất, lên kế hoạch đào tạo và bổ sung bác sĩ chuyên khoa sản. Năm qua, tổng số giường bệnh sản nhi là 1.312 giường, trong đó có 582 giường sản, 730 giường nhi. Cùng với đó là thành lập phòng khám vệ tinh tại các BV tuyến quận/huyện. Các BV tuyến thành phố cử bác sĩ luân phiên đến làm việc tại 12 BV tuyến quận/huyện với thời gian công tác từ 1 năm trở lên. Tổ chức các lớp tập huấn, và chuyển giao các kỹ thuật chuyên sâu cho BV quận/huyện. Đồng thời khám, chữa bệnh trực tiếp bệnh nhân tại BV quận/huyện, trong đó phẫu thuật tại chỗ cho các bệnh nhân, không cần phải chuyển lên tuyến trên.

Trước đó, BV Chấn thương chỉnh hình triển khai khoa vệ tinh tại BV quận Tân Phú với 50 giường để điều trị vật lý trị liệu và phục hồi chức năng cho các bệnh nhân được chuyển từ BV Chấn thương chỉnh hình. BV Nhi đồng 1 triển khai khoa vệ tinh tại BV quận Tân Phú, BV quận Bình Tân; BV Ung bướu xây dựng khoa vệ tinh tại BV quận 2 với quy mô 150 giường cho Khoa Nội ung bướu; BV Nhi đồng 2 đã triển khai khoa vệ tinh tại BV quận 2 với quy mô 50 giường, số lượng bệnh đến khám, điều trị tăng hơn 30%...

Tiếp tục luân phiên bác sĩ

Thực hiện đề án luân phiên cán bộ y tế, Sở Y tế TPHCM chủ trương tăng cường cán bộ y tế đến các BV quận/huyện nhằm năng cao chất lượng y tế cơ sở và thực hiện giảm tải cho các BV tuyến thành phố. Ngoài ra, triển khai đề án 1816 (chuyển giao kỹ thuật xuống cơ sở), đến nay, đã cử 258 bác sĩ của 18 BV thành phố ký hợp đồng hỗ trợ, chuyển giao 226 kỹ thuật chuyên môn cho 49 đơn vị (trong đó 42 BV, 7 trung tâm) trên 23 tỉnh/thành.

Ngành y tế TPHCM cũng đã triển khai thực hiện Đề án Xây dựng và phát triển phòng khám bác sĩ gia đình (BSGĐ). Đến nay, 20/23 BV quận/huyện đã thành lập phòng khám BSGĐ thuộc Khoa Khám bệnh với cơ cấu từ 1 đến 4 bàn khám, do các bác sĩ đã được đào tạo chuyên môn về y học gia đình phụ trách. Mô hình phòng khám BSGĐ tại các BV có khu vực riêng biệt, quy trình khép kín từ khám chữa bệnh - thực hiện xét nghiệm cận lâm sàng - chẩn đoán hình ảnh và thu phí hoặc lồng ghép trong khoa khám bệnh của BV, bao gồm các hình thức khám dịch vụ BHYT hoặc thu phí hoàn toàn. Mặt khác, hiện tại có 136/319 Trạm Y tế phường/xã thành lập 1 phòng khám BSGĐ với cơ cấu từ 1 bàn khám, do bác sĩ có chuyên môn về y học gia đình phụ trách. Như vậy, đến nay đã có hơn 43% số trạm y tế phường/xã đủ điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đặc biệt là nhân sự để thành lập phòng khám BSGĐ.

Tuy nhiên, mô hình BSGĐ tại TPHCM đang trong giai đoạn thí điểm, còn nhiều vấn đề cần phải đánh giá, rút kinh nghiệm. Trong đó, chủ yếu tập trung tại phòng khám BSGĐ của các trạm y tế phường/xã, vì năng lực khám, chữa bệnh của nơi này chưa phù hợp với yêu cầu của mô hình phòng khám BSGĐ, nhân sự không đủ để phục vụ cho công tác khám chữa bệnh tại phòng khám BSGĐ, do bác sĩ của trạm y tế phải thực hiện nhiều công tác chuyên môn khác…

GIA PHÚ

Tin cùng chuyên mục