TPHCM: Bến thủy nội địa chưa có tiêu chuẩn cụ thể

Hiện tuyến buýt đường thủy chưa có tiêu chí riêng cho quản lý hoạt động của loại hình vận tải này. Các doanh nghiệp vận tải thủy đa số còn nhỏ lẻ, phần lớn là phương tiện cá nhân nên đã hạn chế đến sức cạnh tranh cũng như việc tham gia vào vận tải đường thủy.
Tuyến buýt đường sông tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Tuyến buýt đường sông tại TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Chiều 3-6, Văn phòng UBND TPHCM cho biết, UBND TP kiến nghị Cục Đường thủy nội địa Việt Nam nghiên cứu, đề xuất tiêu chí xây dựng, tiêu chuẩn về diện tích tối thiểu, kết cấu… đối với từng loại bến thủy nội địa (bến du lịch, bến hành khách, bến hàng hóa …).

Ban hành các quy định riêng, đặc thù đối với bến thủy nội địa hoạt động thể thao, vui chơi giải trí, bến đò, bến hộ gia đình, không mục đích kinh doanh; các bến có phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng đường thủy; phương tiện vào, ra cảng, bến nhiều lần trong ngày; phương tiện chạy đối lưu tại các cảng, bến trong cùng địa bàn quản lý.

Theo UBND TP tính đến thời điểm năm 2018, trên địa bàn thành phố có 92 tuyến đường thủy nội địa địa phương với tổng chiều dài 598,7km. Như vậy, so với quy hoạch tại Quyết định số 66/2009/QĐ-UBND đã tăng thêm 5 tuyến, (do chuyển đổi từ tuyến quốc gia sang tuyến địa phương; từ tuyến địa phương sang tuyến hàng hải).

Trong 92 tuyến đường thủy nội địa địa phương, chỉ có 8 tuyến (với chiều dài 39,3km, đạt 8,7%) đạt cấp quy hoạch.

Cụ thể, tuyến kênh Thanh Đa, rạch Tôm (nhánh Phú Xuân - Mương Chuối); rạch Giồng - sông Kinh Lộ; sông Đồng Tranh 2; sông Đồng Đình - Bãi Tiên; sông Dinh Bà 2; rạch Năm Mươi; sông ông Tiên - Cá Gau.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều tuyến đường thủy đã xuống cấp do bồi lắng và cạn. Một số tuyến có các cầu bắc qua với tĩnh không thấp hoặc chướng ngại vật đã làm cản trở phương tiện thủy lưu thông như cầu Bình Lợi trên sông Sài Gòn, cầu rạch Dơi trên tuyến rạch Dơi - sông Kinh, tuyến Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tuyến Giồng ông Tố (vướng đập Nam Lý)…

Về cảng, bến thủy nội địa, năm 2009 có 158 cảng, bến thủy nội địa được cấp phép hoạt động. Tính đến thời điểm hiện nay, thành phố có 385 cảng, bến thủy nội địa được cấp phép hoạt động, gồm 203 bến vật liệu xây dựng (157 bến kinh doanh vật liệu xây dựng; 46 bến tập kết vật tư thi công công trình); 81 bến vận chuyển hành khách; 29 bến khách ngang sông; 48 bến hàng hóa; 24 bến có mục đích sử dụng khác như neo đậu, sửa chữa phương tiện, huấn luyện, tập kết rác.

Từ năm 2009 đến nay, Sở GTVT TPHCM phối hợp với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương cải tạo, bố trí lại khu bến Bạch Đằng; xây dựng bến tàu khách quốc tế 50.000 GRT tại khu vực công viên Phú Thuận (mũi Đèn Đỏ); triển khai xây dựng mạng lưới các bến khách tại các trục kênh Tàu Hủ, kênh Tẻ - kênh Đôi và sông Sài Gòn như tuyến buýt đường thủy số 1, bến tàu cao tốc từ bến Bạch Đằng đi bến Tắc Suất, huyện Cần Giờ và bến Khu du lịch Hồ Mây, thành phố Vũng Tàu… Tuy nhiên, đa số kết cấu tạm, năng lực xếp dỡ thấp, sử dụng công nghệ thiết bị bốc xếp còn lạc hậu.

Bên cạnh đó, do dự án quy hoạch đang tạm ngưng nên hoạt động của các bến thủy nội địa hiện nay chỉ mang tính chất tạm thời. Vì vậy, các chủ bến, chủ khai thác bến chưa mạnh dạn đầu tư để nâng cấp cơ sở hạ tầng, thiết bị xếp dỡ dẫn đến hiệu quả khai thác thấp.

Về tuyến buýt đường thủy chưa có tiêu chí riêng cho quản lý hoạt động của loại hình vận tải này. Các doanh nghiệp vận tải thủy đa số còn nhỏ lẻ, phần lớn là phương tiện cá nhân nên đã hạn chế đến sức cạnh tranh cũng như việc tham gia vào vận tải đường thủy.

Ngoài ra, việc tham gia tổ chức vận chuyển đa phương thức, logistics còn nhiều hạn chế; chưa hình thành các cảng cạn cỡ lớn gắn với phương thức vận tải chủ đạo bằng đường thủy nội địa. Thói quen tập trung vào hàng rời đã hạ thấp tiềm năng loại hình vận chuyển container bằng đường thủy nội địa.

Tin cùng chuyên mục