TPHCM cần đột phá để kéo cả đoàn tàu chuyển động

Xung quanh việc Chính phủ trình Quốc hội Nghị quyết của Quốc hội thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, phóng viên Báo SGPP đã ghi nhận ý kiến các ĐBQH. Hầu hết ĐBQH tán thành phải có cơ chế để TPHCM đột phá.
Một góc TPHCM. Ảnh: Cao Thăng
Một góc TPHCM. Ảnh: Cao Thăng
ĐB Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình), Trưởng ban Dân nguyện của UBTVQH:
Không phải thành phố nào cũng dám đương đầu với thách thức này

Quan điểm của tôi và các ĐBQH đều ủng hộ phải có một cơ chế đột phá cho TPHCM, vì đó là đầu tàu về kinh tế, cần có một đột phá để có thể kéo cả đoàn tàu chuyển động. Tôi đồng tình rất cao với chủ trương ban hành một nghị quyết riêng để TPHCM có cơ chế đặc thù đột phá, có thể vươn mình phát triển, vì TPHCM còn phải có trách nhiệm rất lớn với các địa phương khác, với quốc gia.
TPHCM cần đột phá để kéo cả đoàn tàu chuyển động ảnh 1 ĐB Nguyễn Thanh Hải
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng băn khoăn cơ chế đặc thù này có thể ảnh hưởng đến việc cân đối ngân sách Trung ương; rồi liên quan đến việc phân quyền, giao quyền cho TP thì cũng còn tranh luận. Ví dụ, dự thảo nghị quyết giao TPHCM được chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên, trước đây thẩm quyền đó thuộc Thủ tướng Chính phủ, nay giao cho TPHCM thì ĐBQH cho rằng cũng phải có những khuôn khổ, cần có những giới hạn trần: dưới 100ha thì TPHCM được chủ động, nhưng trên 100ha thì phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Bởi chúng ta lo nếu không có trần thì sẽ ảnh hưởng tới quỹ đất chung, mặt khác tạo ra tâm lý không công bằng với các địa phương khác. 
Với riêng tôi, rất chia sẻ với TPHCM, dù được phân cấp phân quyền rất mạnh, nhưng như chúng ta hay nói vinh dự đi liền trách nhiệm, TPHCM sẽ thêm gánh nặng. Khi có cơ chế đặc thù, 62 tỉnh, thành còn lại sẽ rất kỳ vọng vào sự bứt phá của TPHCM, nên đây là cơ hội nhưng cũng sẽ là thách thức lớn của TPHCM khi phải chịu áp lực hơn. Tôi rất chia sẻ với lãnh đạo và nhân dân TPHCM, bởi không phải TP nào cũng dám đương đầu với thách thức này.
ĐB Nguyễn Văn Pha (Nam Định), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội:
Cơ chế cho TPHCM đột phá lẽ ra phải có lâu rồi

Tôi hoàn toàn ủng hộ cơ chế để TPHCM đột phá, và lẽ ra cơ chế đó phải có từ lâu rồi mới phải. Qua thảo luận tại tổ, một số ĐBQH ở địa phương cũng có tâm tư cho rằng, TPHCM nhờ yếu tố địa chính trị thuận lợi mới phát triển trở thành đầu tàu, nay có thêm cơ chế ưu đãi thì thiếu công bằng với địa phương khác. Nhưng tôi không cho là vậy, mà nên ủng hộ sớm có cơ chế để TPHCM đột phá, vì cả nước.
TPHCM cần đột phá để kéo cả đoàn tàu chuyển động ảnh 2 ĐB Nguyễn Văn Pha
Nhưng tôi cũng cho rằng, thí điểm cơ chế này sẽ liên quan đến tất cả người dân của TPHCM, nên phải lấy ý kiến của nhân dân TP. Chẳng hạn, cơ chế đặc thù tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc quản lý của TP, tỷ lệ này chiếm rất nhỏ so với toàn bộ dân TPHCM, vậy thì những người dân còn lại không được tăng thu nhập trong khi họ phải chịu tăng thuế, phí. Vì vậy, nên lấy ý kiến  người dân về thực hiện thí điểm đối với Luật Thuế tài sản; tăng thuế suất đối với các sắc thuế khác; tăng mức phí, lệ phí; ban hành chính sách thu phí, lệ phí mới. 
Mặt khác, trong dự thảo cơ chế chỉ mới thấy tăng thuế, phí, chưa thấy giảm. Điều này sẽ tác động thế nào đến doanh nghiệp, người dân TPHCM, cũng như những nhà đầu tư sắp vào TPHCM? Có ý kiến lo ngại nhà đầu tư sẽ chạy sang những tỉnh, thành lân cận để mua tài sản, bất động sản chẳng hạn. Đừng nghĩ rằng giảm là giảm thu, mà đôi khi giảm là tăng, giảm thu nhưng tăng kích thích đầu tư. Vì thế, tôi cho rằng cơ chế đặc thù còn phải nghĩ đến việc giảm thuế, phí để hút đầu tư.

Tin cùng chuyên mục