TPHCM - Gia Lai: Đẩy mạnh khai thác tiềm năng phố núi

(SGGP).- Sáng 18-4, phát biểu tại hội nghị tổng kết chương trình hợp tác kinh tế - xã hội với tỉnh Gia Lai, đồng chí Đinh La Thăng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, đánh giá: Gia Lai là vùng cao nguyên có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh, nhưng chương trình hợp tác giữa TPHCM và tỉnh Gia Lai chưa khai thác hiệu quả tiềm năng và thế mạnh này.

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng phát biểu tại hội nghị

“Hơn 10 năm TPHCM đầu tư lên Gia Lai chỉ 1.800 tỷ đồng, trong khi tỉnh đầu tư ngược lại gấp 10 lần. Chúng ta phải suy nghĩ về con số này. Hợp tác phải thiết thực chứ không phải cho vui vẻ, có phong trào. Mấy năm sau gặp nhau thì lại nói “tiềm năng thế mạnh nhiều nhưng vẫn chưa khai thác được””, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng thẳng thắn chỉ rõ, đồng thời đề nghị hai bên cần tìm nguyên nhân, do môi trường đầu tư của Gia Lai chưa tốt hay TPHCM hỗ trợ cho doanh nghiệp chưa nhiều, để doanh nghiệp tự bươn chải… Đi vào cụ thể, đồng chí Đinh La Thăng đề nghị hai bên tổ chức ngay hội nghị xúc tiến đầu tư, không gói gọn 2 địa phương mà mở rộng với các tỉnh Tây Nguyên. Từng sở ngành của TPHCM và tỉnh Gia Lai phải đề ra chương trình hợp tác cụ thể, trong đó đặc biệt đẩy mạnh khai thác phát triển du lịch.

Đồng tình với ý kiến trên, Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang đề nghị TPHCM đầu tư vào ngành du lịch của tỉnh - cả du lịch sinh thái, văn hóa và lịch sử. “Gia Lai có nhiều thác nước rất đẹp, còn hoang sơ, chỉ một xã mà có đến 12 thác; có 34 dân tộc anh em; có quần thể di tích Tây Sơn thượng đạo...”, đồng chí Dương Văn Trang nói và khẳng định tiềm năng du lịch ở đây “không thua Đà Lạt”. Ngoài ra, nông nghiệp Gia Lai chưa có công nghệ cao, hầu hết đang phải xuất thô, lợi nhuận thấp nên rất cần TPHCM đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản.

Về kế hoạch hợp tác giai đoạn 2017 - 2020, lãnh đạo hai địa phương thống nhất: Tỉnh Gia Lai sẽ hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với TPHCM trong đầu tư kết cấu hạ tầng, triển khai các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), lập và quản lý các quy hoạch phát triển đô thị cho TP Pleiku, thị xã An Khê và thị xã Ayun Pa, quy hoạch và quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp và cụm công nghiệp tại Gia Lai. Về thương mại, hai địa phương sẽ đẩy mạnh việc trao đổi, mua bán hàng hóa giữa hai địa phương, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khai thác và tiêu thụ các sản phẩm truyền thống và có ưu thế của hai địa phương như cà phê, chè, sắn, tiêu, cao su và các sản phẩm nông nghiệp khác.

TPHCM cũng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp của TP đầu tư, phát triển các dự án siêu thị, trung tâm thương mại tại Gia Lai. Doanh nghiệp TPHCM sẽ liên kết với doanh nghiệp Gia Lai đầu tư khai thác các điểm du lịch có sức hấp dẫn mạnh như Lâm viên Biển Hồ, Công viên văn hóa các dân tộc Gia Lai, du lịch tâm linh, du lịch văn hóa đồng bào dân tộc thiểu số, du lịch sinh thái… TPHCM sẽ hỗ trợ Gia Lai tham dự các hội nghị xúc tiến đầu tư, tạo điều kiện cho Gia Lai tiếp cận các nhà đầu tư du lịch có tiềm năng lớn. TPHCM còn tạo điều kiện hỗ trợ Gia Lai về chuyên môn, chuyển giao công nghệ trong việc lập và tổ chức các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành trong giai đoạn những năm tới… nhằm giúp Gia Lai có định hướng và tầm nhìn xa trong việc lập các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thoát ra khỏi tỉnh nghèo và có thu nhập bình quân đầu người khá hơn những năm trước đây.

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục