TPHCM: Hình thành trung tâm cung ứng giống các loại

Bên cạnh việc xác định cây - con phù hợp nông nghiệp đô thị như hoa, cây kiểng, cá cảnh, rau an toàn… nhờ có giá trị kinh tế cao, giống cây - con cũng là một hướng phát triển mà TPHCM đã xác định. Chương trình mục tiêu phát triển giống chất lượng cao được triển khai thời gian qua với mục tiêu, TPHCM là trung tâm sản xuất giống và cung ứng giống cho khu vực.
Cây giống hoa trồng tại Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Cây giống hoa trồng tại Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Cung ứng hơn 45.000 tấn hạt giống 

Theo Sở NN-PTNT TPHCM, việc nghiên cứu, sưu tập, chọn lọc các loại giống là nhiệm vụ được giao cho Trung tâm Công nghệ sinh học TP, Khu Nông nghiệp công nghệ cao và Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi thủy sản. Đối tượng nghiên cứu tập trung là hoa lan, kiểng các loại, rau màu và cây dược liệu, với các hướng nghiên cứu chủ yếu: sưu tập bảo tồn nguồn gen, chọn tạo các giống có năng suất, phẩm chất tốt, ứng dụng nuôi cấy mô tế bào thực vật để nhân giống cây trồng, ứng dụng quy trình công nghệ cao trong canh tác.

Hiện nay đã sưu tập, nhập nội được 375 giống lan, 110 giống hoa nền, 140 giống kiểng lá, 20 giống rau, 143 giống dược liệu. Theo TS Dương Hoa Xô, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP, Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học, đây được xem là nguồn vật liệu có giá trị trong việc sản xuất và lai tạo giống mới. Trung tâm đã được cấp bằng bảo hộ 6 giống lan Dnedrobium mới (năm 2018), năm nay tiếp tục đăng ký bảo hộ 6 dòng lan lai mới. 

Phòng Khoa học công nghệ (Sở NN-PTNT) cho biết, các đơn vị trong ngành nông nghiệp đã nghiên cứu thành công hơn 20 quy trình nhân giống invitro các loại lan, hoa kiểng, cây dược liệu. Cung cấp 40.000 - 50.000 cây giống invitro hoa chuông và thành phẩm mỗi năm. Khảo sát tính thích nghi các giống hoa Lily phù hợp điều kiện thời tiết TPHCM. Phục tráng các giống rau địa phương như bầu sao (An Giang); khổ qua, dưa leo, cà chua (Hóc Môn, TPHCM); cải bẹ xanh mỡ, hoa huệ trắng (Bình Chánh, TPHCM). Ứng dụng kỹ thuật sinh học chọn tạo thuần 10 dòng dưa lưới bố mẹ, hiện đăng ký 5 giống dưa lưới có chất lượng và năng suất tương đương giống nhập khẩu.

Đồng thời, nhập và trồng thử nghiệm bằng phương pháp thủy canh giống cải ngọt ăn bông từ New Zealand, Nhật Bản và bản địa với năng suất 60 - 110 tấn/năm (10 đợt). Thử nghiệm 7 giống xà lách từ Hà Lan, Nhật Bản... trong hệ thống Plant factory, năng suất từ 112 - 544 tấn/năm (15 đợt). Thông qua các mô hình thử nghiệm, trình diễn trong chương trình khuyến nông, nông thôn mới các giống mới này được trồng để bà con nông dân, hợp tác xã tham quan, đánh giá trước khi sản xuất mở rộng. 

Năm 2018, TPHCM cung cấp cho khoảng 1,1 triệu ha gieo trồng các tỉnh khu vực (chiếm 96,7%) và vùng sản xuất nông nghiệp ngoại thành. 20 tổ chức nuôi cấy mô thực vật, cung cấp khoảng 16 triệu cây giống cấy mô/năm, chủ yếu là lan nhiệt đới như Mokara, Dendrobium... giúp mở rộng vùng sản xuất hoa kiểng ở các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh. Nếu tính từ năm 2016-2018, các đơn vị TP sản xuất và cung ứng ra thị trường cả nước hơn 45.000 tấn hạt giống các loại, tăng bình quân 6%/năm.

Từ năm 2018 đến nay, các doanh nghiệp đã nghiên cứu, chọn lọc, thử nghiệm tính thích nghi 136 giống cây trồng mới và đưa vào sản xuất 55 giống mới; trong đó có 46 giống rau, 1 giống lúa, 8 giống hoa. Nhờ áp dụng nhiều giống mới vào sản xuất cùng với việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật canh tác phù hợp góp phần nâng cao năng suất và chất lượng rau, năng suất tăng bình quân 5%-10%/năm, chất lượng ngày càng ổn định và an toàn. 

Doanh nghiệp đặt hàng

Bên cạnh những điều tích cực, mặt hạn chế của 38 doanh nghiệp giống TP là nhập khẩu giống về kinh doanh là chính; việc phối hợp giữa cơ quan nghiên cứu với các doanh nghiệp chưa chặt chẽ. Trong khi đó, quy trình nhân giống, quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng giống chưa được ban hành cụ thể cho từng đối tượng nên chất lượng giống chưa cao, nhất là giống cấy mô. Ngay cả người sản xuất cũng chưa tập trung đầu tư đồng bộ những yếu tố khác (ngoài giống) như nhà lưới, nhà kính, quy trình canh tác, kỹ thuật chăm sóc... nên chưa phát huy hết tiềm năng giống mới. Hơn nữa vướng mắc về đất đai vùng sản xuất tập trung giống khiến doanh nghiệp, hợp tác xã còn e dè, việc áp dụng công nghệ cao còn hạn chế về nguồn nhân lực, vật lực. 

Ông Nguyễn Thanh Hải, Chi hội Hoa lan TP, với kinh nghiệm trồng lan lâu năm và có phòng nuôi cấy mô, nhận xét phải nắm rõ nhu cầu của thị trường, đề nghị các viện trường nghiên cứu giống lan có thể trồng ngoài nắng, thay vì trong nhà lưới; chú ý sưu tập, chọn lọc và lai tạo giống lan rừng Ngọc Điểm (Nghinh Xuân) có mùi hương đặc trưng, nhằm bảo tồn giống bị cạn kiệt ở thiên nhiên.

Giá lan Ngọc Điểm năm 2016 là 100.000 đồng/kg, có thể mua cả thiên (ngàn ký), cả tạ (trăm ký). Sau đó tăng lên 150.000 đồng rồi 500.000 đồng/kg mà không có hàng, phải nhập khẩu từ Lào, Campuchia. Tương tự, giống lan rừng Giả Hạc (Phi Điệp) đang được nhiều người tìm kiếm nhất. Năm 2013, giá chỉ có 100.000/kg, còn hiện nay lên 15 triệu đồng/kg. TP nên tạo điều kiện để hình thành chuỗi liên kết giữa người lai tạo, người sản xuất và người bán. Hiện nay “một người” ôm đồm hầu hết các khâu nên bị phân tán nguồn vốn và mất nhiều thời gian, công sức. 

Trong khi đó, bà Phùng Cẩm Thạch, Giám đốc Công ty TNHH Rica, đề nghị Trung tâm Công nghệ sinh học TP chú ý hơn đến những dòng cây như hoắc hương, cây sả, tràm trà để chiết xuất lấy tinh dầu phục vụ cho nhu cầu thực phẩm, mỹ phẩm và y tế. “Tôi đã đi đặt hàng viện nghiên cứu để tìm tạo ra những dòng thuần có thể chiết xuất tinh dầu phù hợp với yêu cầu thị trường nhưng bị từ chối, với lý do loại cây này đang nằm “lơ lửng giữa sự quản lý của lâm nghiệp, y tế (dược liệu) và nông nghiệp”, bà Cẩm Thạch cho hay.

Tin cùng chuyên mục