TPHCM kiến nghị nhiều cơ chế mới trong đầu tư phát triển hệ thống giao thông

Ngày 23-1-2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc trực tuyến với TPHCM về các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.
TPHCM kiến nghị nhiều cơ chế mới trong đầu tư phát triển hệ thống giao thông

Ngày 23-1-2017, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc trực tuyến với TPHCM về các giải pháp chống ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.

Tham dự cuộc họp về phía Chính phủ còn có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, đại diện các bộ Giao thông Vận tải, Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Công an, Quốc phòng… Về phía TPHCM có Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong… Tại cuộc họp, TPHCM đã kiến nghị nhiều cơ chế mới trong đầu tư phát triển hệ thống giao thông. Tuy còn vài cân nhắc, song hầu hết các ý kiến từ Chính phủ đều ủng hộ cho TPHCM một cơ chế chủ động hơn.

Hơn 40 công trình, dự án đề xuất được thực hiện khẩn cấp

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo phiên họp. Ảnh: TTXVN

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa báo cáo 8 lý do căn bản gây ra tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.

Thứ nhất: thành phố thiếu chương trình phát triển đô thị nhằm đảm bảo kết nối thống nhất, đồng bộ các định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị; làm cơ sở pháp lý để quản lý, phát triển đô thị.

Thứ hai: năng lực khai thác của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu chưa cao.

Thứ ba: việc phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chưa đồng bộ theo quy hoạch.

Thứ tư: dịch vụ vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa có vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn.

Thứ năm: hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về trật tự an toàn giao thông còn hạn chế.

Thứ sáu: ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa cao.

Thứ bảy: dân số cơ học tăng nhanh qua từng năm nhưng chưa có giải pháp kiểm soát.

Thứ tám: lượng phương tiện giao thông cá nhân tăng mạnh và thành phố cũng chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu. “Định bệnh” như vậy, TPHCM đã lập danh sách cụ thể khoảng 40 công trình, dự án cần triển khai gấp.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa, những công trình này hoàn thành và đưa vào sử dụng sớm ngày nào sẽ góp phần quan trọng trong việc xử lý vấn nạn ùn tắc giao thông ở thành phố sớm ngày đó. Do vậy, TPHCM rất cần Chính phủ tạo điều kiện cho thực hiện thủ tục đầu tư nhanh chóng cũng như tạo thêm cơ chế thu hút thêm các nguồn vốn đầu tư.

Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng phát biểu rõ thêm, TPHCM đang cần triển khai gấp rất nhiều dự án xây dựng công trình để chống ùn tắc giao thông, nhất là các công trình giao thông ở khu vực cửa ngõ ra vào thành phố. Trong khi đó, việc thực hiện thủ tục đầu tư quá lâu, đặc biệt là các dự án BOT. Vì vậy, TPHCM kiến nghị Chính phủ xem xét tạo cơ chế cho TPHCM được chủ động triển khai các dự án đầu tư công trình giao thông của thành phố.

Các bộ ngành hỗ trợ, gỡ cơ chế cho thành phố

Mặc dù còn một số băn khoăn nhưng hầu hết lãnh đạo Chính phủ và các bộ đều thống nhất tạo điều kiện thuận lợi nhất, tốt nhất cho TPHCM nhanh chóng triển khai các công trình, dự án chống ùn tắc giao thông.

Trước một số băn khoăn cụ thể của các bộ ngành, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra ngay cách xử lý. Về việc TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho thành phố quyết định một số lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ, một số bộ lo rằng không phù hợp với Luật Đấu thầu và đề nghị cân nhắc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói ngay “Nếu chưa thể ủy quyền theo Luật Đấu thầu thì giao Bộ Xây dựng, Kế hoạch - Đầu tư, Giao thông Vận tải... trong vòng 21 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ trình của UBND TPHCM, phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định”. Mặc dù lo lắng về nợ công tăng cao, nhưng Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính phối hợp với TPHCM tìm nguồn vốn đối ứng, hỗ trợ cho TPHCM thực hiện các dự án BOT, BT, PPP. Để thu hút thêm nguồn vốn xã hội hóa đầu tư cho giao thông, Thủ tướng còn giao Bộ Tài chính và UBND TPHCM nghiên cứu xây dựng cơ chế thu hút đầu tư thông thoáng, hiệu quả hơn nữa.

Giống như tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu TPHCM hạn chế phát triển nhà cao tầng trong nội đô khi chưa có hệ thống giao thông tương thích. Việc phát triển các cao ốc phải có đánh giá tác động đến giao thông. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình khẳng định dứt khoát: Không cho xây nhà cao tầng trong nội thành. Tập trung phát triển đô thị vệ tinh. Không cho phát triển các khu công nghiệp gần các tuyến quốc lộ và các tuyến đường huyết mạch. Chỉ định thầu phải công khai minh bạch và HĐND TPHCM phải giám sát.

Về giải quyết 2 điểm nóng ùn tắc giao thông nhất thành phố là khu vực Cát Lái và khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa đề nghị, TPHCM nên có kế hoạch đưa bớt nguồn hàng từ cảng biển TPHCM ra khu cảng Cái Mép - Thị Vải (Bà Rịa - Vũng Tàu). Đây là khu cảng đã được Bộ Giao thông Vận tải đầu tư khá đồng bộ và hiện mới khai thác khoảng 30% công suất.

Đại diện Bộ Quốc phòng khẳng định sẽ giao 24ha đất để mở rộng bãi đỗ cho sân bay Tân Sơn Nhất. Riêng về sân golf trong sân bay, đại diện Bộ Quốc phòng cho biết, đang xin ý kiến về việc này. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà lưu ý TPHCM trong quá trình chỉnh trang đô thị phải tận dụng quỹ đất để tạo vốn đầu tư lại cho hạ tầng.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đề nghị, xây dựng trung tâm chỉ huy, điều độ cứu hộ cứu nạn giao thông kết nối với các quận, huyện để giải quyết ùn tắc giao thông nhanh hơn. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông đề nghị nên xem xét triển khai thực hiện đề án lệch ca, lệch giờ. Đại diện Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia Khuất Việt Hùng đề nghị trả vỉa hè cho người đi bộ, khai thác hiệu quả hơn hệ thống giao thông hiện hữu.

Trước mắt, để người dân vui Tết Đinh Dậu, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu TPHCM xử lý ngay vấn nạn bến cóc, xe dù; bố trí lực lượng trực nhằm giải quyết ùn tắc giao thông kịp thời

Một số kiến nghị cụ thể của TPHCM

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bổ sung nguồn lực cho công tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong việc thực hiện các giải pháp giảm ùn tắc giao thông:

- Cho phép nghiên cứu cơ chế phụ thu đối với một số ngành, lĩnh vực kinh doanh trên địa bàn thành phố phù hợp với tình hình thực tế. Nguồn thu này không phải điều tiết về Trung ương và không đưa vào tính cân đối ngân sách vào đầu thời kỳ ổn định.

- Cho phép TPHCM nghiên cứu phương án xây dựng, quản lý thu một số loại phí đối với hoạt động dịch vụ ở một đô thị lớn mà hiện nay chưa được pháp luật ban hành. Nguồn thu này không phải điều tiết về Trung ương và không đưa vào tính cân đối ngân sách vào đầu thời kỳ ổn định.

- Cho phép TPHCM được trích lại 100% tiền thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông và nguồn thu do cơ quan thuế, hải quan thực hiện để có điều kiện đầu tư mới phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhằm kéo giảm tai nạn giao thông, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.

Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ủy quyền TPHCM quyết định một số lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ:

- Được quyết định bổ sung, điều chỉnh cục bộ quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM trên cơ sở các quy hoạch đã được duyệt.

- Đối với các dự án (cầu thay thế phà Cát Lái, cầu thay thế phà Bình Khánh, đường song song quốc lộ 50), Thủ tướng Chính phủ đã có công văn số 2230/TTg-KTN ngày 12-12-2016 đồng ý nguyên tắc điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, hiện Bộ Giao thông Vận tải đang chủ trì điều chỉnh quy hoạch; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép TPHCM triển khai ngay các thủ tục đầu tư tiếp theo.

- Chỉ đạo đẩy nhanh các thủ tục nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đồng bộ tiến độ xây dựng hoàn thành sân bay Long Thành.

- Chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc đưa đoạn tuyến đường sắt Bình Triệu - Hòa Hưng lên cao để xóa bỏ các giao cắt giữa đường sắt và đường bộ trong nội đô. Đối với cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trong quá trình thực hiện điều chỉnh quy hoạch cần phối hợp chặt chẽ với TPHCM để triển khai đồng bộ các giải pháp kết nối với hệ thống giao thông thành phố.

- Cho phép TPHCM được quyết định khống chế số lượng ô tô dưới 9 chỗ tham gia kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng sử dụng công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách (ví dụ như Grab, Uber) thông qua việc cấp phù hiệu xe chạy hợp đồng.

Nguyễn Khoa

Tin cùng chuyên mục