TPHCM liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười phát triển kinh tế

Chiều 21-10, tại TP Cao Lãnh, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức chương trình gặp mặt giữa 3 tỉnh nằm trong tiểu vùng Đồng Tháp Mười hợp tác phát triển kinh tế với TPHCM, gồm: Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang. 
TPHCM và các tỉnh trong tiểu vùng Đồng Tháp Mười ký hợp tác về du lịch
TPHCM và các tỉnh trong tiểu vùng Đồng Tháp Mười ký hợp tác về du lịch
Đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đến dự.
Cùng tham dự có đồng chí Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM và lãnh đạo 3 tỉnh thuộc tiểu vùng Đồng Tháp Mười.
Theo UBND tỉnh Đồng Tháp, đề án liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý. Mục tiêu của đề án nhằm phát huy các giá trị bản địa và hệ sinh thái ngập nước, để tạo nền tảng, điều kiện gắn kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười với TPHCM. Đề án được hình thành dựa trên liên kết không gian 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang với 22 huyện có cùng hệ sinh thái đất ngập nước. Đồng thời, 3 tỉnh sẽ liên kết ở các nội dung như: tái cơ cấu nông nghiệp để xây dựng thương hiệu nông sản chung của Đồng Tháp Mười bên cạnh những thương hiệu nông sản riêng của từng tỉnh; liên kết để quản lý tài nguyên nước; liên kết về kết cấu hạ tầng; liên kết phát triển du lịch…
Sau 30 năm khai phá, Đồng Tháp Mười trở thành tiểu vùng sản xuất lương thực lớn ở ĐBSCL với diện tích trồng lúa 350.000ha, sản lượng hơn 3 triệu tấn/năm, tăng gấp 5 - 6 lần so với trước. Tuy nhiên, đời sống vật chất và tinh thần của người dân còn khó khăn. Vấn đề quản lý tài nguyên đất ngập nước và đa dạng sinh học chưa mang tính bền vững, việc cạnh tranh hàng hóa nông nghiệp kém hiệu quả; điều kiện hạ tầng thiếu đồng bộ… 
Tại hội nghị, các đại biểu đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp thực hiện đề án và ý tưởng hình thành tour du lịch “Một hành trình, 3 điểm đến”, kết nối TPHCM với vùng Đồng Tháp Mười. Đồng chí Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho rằng: “Cần hình thành các hiệp hội ngành hàng của 3 tỉnh, có không gian tái cơ cấu kinh tế, nông nghiệp của vùng; liên kết tạo giá trị riêng biệt, chú trọng những đặc trưng sản phẩm vùng Đồng Tháp Mười nhằm nâng giá trị cao hơn”. 
Đồng chí Tất Thành Cang nêu những lĩnh vực chủ yếu cần tập trung nhằm thực hiện tốt việc gắn kết. Theo đó, cần phát triển các sản phẩm từ nông nghiệp. TPHCM với khoảng 10 triệu dân và là thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp rất lớn. Vùng Đồng Tháp Mười có nguồn nguyên liệu hàng hóa nông sản dồi dào, nhưng còn trở ngại khi đưa về TPHCM tiêu thụ, chi phí cao, tỷ lệ hao hụt lớn… Do đó, đồng chí Tất Thành Cang đề nghị các doanh nghiệp TPHCM tăng cường kết nối với các tỉnh Đồng Tháp Mười; nghiên cứu đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm nông nghiệp, nhằm tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Tham gia vào mối liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười, TPHCM sẽ tiếp tục nghiên cứu phát triển cơ khí phục vụ nông nghiệp, chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao... 
Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho rằng, vùng Đồng Tháp Mười cần phát huy lợi thế sẵn có, tạo ra đội ngũ con người, sản phẩm du lịch thật tốt để thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến nhiều hơn. Trong việc thực hiện đề án, Phó Thủ tướng đề xuất, vùng Đồng Tháp Mười ngoài phát triển du lịch, cần chú trọng liên kết trong tái cơ cấu nông nghiệp, phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi; quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa nông sản, thương mại dịch vụ, công nghiệp; bảo vệ quản lý khai thác tài nguyên nước, liên kết kêu gọi đầu tư… “Liên kết hỗ trợ, tạo điều kiện cùng nhau phát triển, xây dựng chuỗi ngành hàng thương hiệu, lúa gạo, trái cây, thủy sản. Liên kết phải đồng lòng, kỷ luật kỷ cương, đảm bảo thực hiện có hiệu quả chương trình đề án. Xây dựng dự án ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, bảo vệ hệ sinh thái và không gây ô nhiễm môi trường”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý. 
Phó Thủ tướng đề nghị TPHCM phải thể hiện rõ vai trò đi đầu, tạo nguồn lực lớn để gắn kết cho tiểu vùng Đồng Tháp Mười phát triển. Đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển cơ sở hạ tầng... Các tỉnh trong tiểu vùng Đồng Tháp Mười cần phải có sự nỗ lực vươn lên, tạo động lực liên kết thúc đẩy cùng nhau phát triển. 
Hưởng ứng lời kêu gọi “Nhịp cầu nghĩa tình” của Thành ủy TPHCM, dịp này, các doanh nghiệp TPHCM đã tài trợ tổng số tiền khoảng 57 tỷ đồng để các tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang xây dựng cầu nông thôn ở các vùng căn cứ kháng chiến truyền thống.  

Tin cùng chuyên mục