TPHCM liên kết với 20 tỉnh, thành phát triển hạ tầng thương mại

Kết thúc giai đoạn đầu 2011-2015 triển khai Chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và 20 tỉnh, thành Đông - Tây Nam bộ, TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp đột phá, tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp (DN) phát triển mạnh hệ thống phân phối, mở rộng thị trường bán lẻ, đặc biệt là mô hình bán lẻ hiện đại. Đây cũng là một trong bốn nội dung chính của chương trình hợp tác thương mại.

Ngay sau khi TPHCM ký kết hợp tác thương mại, các DN của TPHCM đã vào cuộc mạnh mẽ, triển khai nhiều cách làm như tự đầu tư, liên kết đầu tư để hình thành mạng lưới phân phối tại các tỉnh, thành. Tính đến nay, sau 5 năm thực hiện, các DN như Saigon Co.op, Citimart, Fahasa, BigC, Nguyễn Kim, Thế Giới Di Động… đã đầu tư 13 trung tâm thương mại (TTTM), 269 siêu thị tổng hợp, chuyên ngành và hơn 500 cửa hàng giới thiệu sản phẩm, đại lý, tổng đại lý tại các tỉnh, thành.

Có thể kể đến Saigon Co.op đã đầu tư 16.101 tỷ đồng để phát triển 2 TTTM, 2 đại siêu thị Co.opExtra, 81 siêu thị Co.opmart; 96 cửa hàng Co.opFood… Công ty cổ phần Thương mại Nguyễn Kim đầu tư 21 siêu thị điện máy trên phạm vi cả nước. Công ty TNHH Thời trang dệt may Việt Nam (Vinatex) đầu tư 3 siêu thị với tổng vốn 78 tỷ đồng. Công ty Fahasa đầu tư 80 siêu thị, nhà sách…

Bên cạnh đó, các DN bình ổn thị trường (BOTT) trên địa bàn TPHCM đã đẩy nhanh công tác phát triển điểm bán để đưa hàng hóa cung ứng kịp thời cho nhu cầu người dân. Hiện đã có 10.140 điểm bán, phủ kín các quận, huyện, đặc biệt tại các vùng ven, KCN-KCX hàng bình ổn cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều. Ngoài ra, các DN trong chương trình như Vinamilk, Nutifood, Vissan, Cầu Tre, Vĩnh Tiến, Minh Tiến, Vĩnh Thành Đạt… đã thiết lập mạng lưới phân phối đến nhiều tỉnh thành. Theo đó, một số DN trong lĩnh vực cung ứng thực phẩm tươi sống như Ba Huân, San Hà, Phạm Tôn, Hương Mi… không chỉ phát triển bền vững ở khu vực Đông và Tây Nam bộ, mà còn vươn rộng ra đã vươn ra các tỉnh phía Bắc, thông qua việc phát triển mạng lưới phân phối cũng như đầu tư xây dựng nhà xưởng.

Việc phát triển mạng lưới phân phối tại các tỉnh, thành trong thời gian đã giúp gắn kết và tạo điều kiện nâng cao hiệu quả hợp tác ngày càng thiết thực giữa DN TPHCM và DN các tỉnh, thành. Việc liên kết đầu tư, phát triển hiện mạng lưới không chỉ hỗ trợ DN TP mở rộng thị trường tiêu thụ mà còn góp phần thu mua, tiêu thụ sản phẩm, giải quyết lao động và thực hiện nhiệm vụ bình ổn thị trường tại địa phương.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc liên kết phát triển hệ thống phân phối còn gặp một số trở ngại, khó khăn. Cụ thể, tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương chưa được khai thác tốt do thiếu sự gắn kết đồng bộ trong công tác quy hoạch vùng, phân vùng. Công tác kết nối, hình thành chuỗi liên kết sản xuất - phân phối đến nay còn nhiều khó khăn, thách thức khi nhiều sản phẩm có thế mạnh và tiềm năng của các địa phương do DN nhỏ và vừa, hộ gia đình sản xuất thủ công, chưa đảm bảo tiêu chí, quy chuẩn mẫu mã, bao bì sản phẩm và chứng nhận chất lượng, an toàn thực phẩm…

Để công tác phát triển hạ tầng thương mại giữa TPHCM và các tỉnh, thành đạt hiệu quả, Sở Công thương TPHCM kiến nghị, UBND các tỉnh, thành Đông và Tây Nam bộ cần có chính sách ưu đãi cho DN trong nước phát triển hệ thống phân phối trên địa bàn. Trên cơ sở đó, các DN có đủ điều kiện góp phần tiêu thụ hàng hóa tại chỗ cho địa phương. Tham gia phối hợp cùng địa phương thực hiện các chương trình BOTT, kết nối cung - cầu, bán hàng lưu động, tổ chức dự trữ, phân phối hàng hóa. Tiếp tục rà soát, tìm kiếm mặt bằng, địa điểm đầu tư hệ thống phân phối, giới thiệu cho DN TPHCM đầu tư TTTM, siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi. Sở Công thương TP cũng mong muốn có sự phối hợp kịp thời với các tỉnh, thành tháo gỡ khó khăn, giúp DN phát triển mạng lưới phân phối.

KIM CHUNG

Tin cùng chuyên mục