TPHCM sẽ làm gì để đảm bảo Tết Kỷ Hợi 2019 yên vui, an lành?

TPHCM có nhiều giải pháp chuẩn bị hàng hóa thiết yếu, chăm lo tết, tổ chức các chương trình văn hóa văn nghệ, giữ gìn trật tự an toàn xã hội để đảm bảo “Tết yên vui, an lành, tiết kiệm”.  Nội dung này được các đại biểu đưa ra trong chương trình Lắng nghe và trao đổi, do HĐND TPHCM và Đài Truyền hình TPHCM tổ chức sáng 6-1.
Chợ hoa xuân trên bến Bình Đông, quận 8, TPHCM. Ảnh: MAI NGUYỄN - NAM HUÊ
Chợ hoa xuân trên bến Bình Đông, quận 8, TPHCM. Ảnh: MAI NGUYỄN - NAM HUÊ

Sản phẩm thiết yếu giảm giá vào dịp tết

Chuẩn bị nguồn hàng hóa thiết yếu phục vụ tết, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Huỳnh Trang cho biết, năm nay, lượng hàng hóa các doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM chuẩn bị cung ứng cho thị trường tăng từ 23-36% so với dịp tết 2018. Tổng giá trị hàng hóa là 18.400 tỷ đồng.

Sở phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra nguồn gốc, giá cả hàng hóa, đảm bảo giá cả không tăng so với tết 2018 như doanh nghiệp đã cam kết.

Đồng thời, tổ chức 344 chuyến hàng hóa lưu động tới các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu dân cư vùng ven, ngoại thành.

Hệ thống phân phối trên địa bàn TPHCM cũng mở rộng khung giờ bán hàng, phục vụ tiện lợi cho người dân có thể mua sắm ngoài giờ làm việc.

TPHCM sẽ làm gì để đảm bảo Tết Kỷ Hợi 2019 yên vui, an lành? ảnh 1 Người dân TPHCM mua hoa tết. Ảnh: THI HỒNG
Về hoa tết, lượng hoa về TPHCM năm nay dự kiến bằng tết 2018, với khoảng 150 triệu bông hoa cắt cành (ly, lan, cúc…) và 800.000 chậu hoa các loại.

“Mạng lưới phân phối ở TPHCM rất rộng và dày với 44 trung tâm thương mại, 207 siêu thị tổng hợp, 1.100 cửa hàng tiện lợi, 239 chợ truyền thống, 4.200 điểm bán hàng bình ổn và hàng trăm chuyến hàng lưu động. Rất mong người dân TP nên chọn điểm mua là điểm được cấp phép, được kiểm soát chặt chặt chẽ về chất lượng, không nên mua hàng hóa bày bán lề đường. Người dân TP cũng nên chọn mua hoa trưng tết sớm để chọn được bông đẹp; qua đó giúp người nông dân bán xong sớm, kịp trở về quê đón tết, cũng như giúp cho công nhân vệ sinh ở TPHCM sớm thu dọn địa bàn, trả lại vỉa hè, lề đường thông thoáng đón tết”, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM mong mỏi.

Phó Tổng Giám đốc Thường trực Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TPHCM (Saigon Co.op) Nguyễn Anh Đức, cho hay, Saigon Co.op chuẩn bị “5 điều không lo lắng” giúp người dân mua sắm tết. Trong đó, có nhiều sản vật nổi tiếng trong cả nước được bày bán, giúp người dân ở ngay tại TPHCM có thể thưởng thức đặc sản các vùng miền.

Ông Nguyễn Anh Đức cam kết, từ nay đến Tết Nguyên đán 2019, Saigon Co.op không những không tăng giá mà còn giảm từ 5-10% với 9 nhóm hàng bình ổn giá phục vụ tết.

TPHCM sẽ làm gì để đảm bảo Tết Kỷ Hợi 2019 yên vui, an lành? ảnh 2 Bánh kẹo, mứt tết bày bán tại các chợ ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG
Tương tự, ông Nguyễn Phúc Khoa, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thương mại Sài Gòn – TNHH Một thành viên (SATRA), cũng cam kết có nhiều chương trình khuyến mại với mức giảm từ 10-49%.

Qua khảo sát về việc chuẩn bị tết, ông Cao Thanh Bình, Phó Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách, HĐND TPHCM, lưu ý các đơn vị cần hiệp đồng quản lý chặt chẽ nguồn hàng về các chợ đầu mối, chợ truyền thống. Đặc biệt, phải xử lý kịp thời các trường hợp bán hàng gian, hàng giả và thông báo rộng rãi để người dân biết, tránh. Riêng các chợ tự phát, cử tri phản ánh thường xảy ra tình trạng bán hàng kém chất lượng, không đảm bảo chất lượng, nên ông Cao Thanh Bình đề nghị, những nơi này rất cần được kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hơn.

Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Trương Thị Ánh yêu cầu các đơn vị khuyến mại vẫn phải đảm bảo chất lượng hàng hóa, không đem hàng hóa gần hết hạn sử dụng mang ra bán kèm vô.

Trước tin vui về khâu chuẩn bị hàng hóa những ngày cận tết, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhấn mạnh thêm, hàng hóa mang về vùng ven TP phải đảm bảo chất lượng với giá cả hợp lý.

TPHCM sẽ làm gì để đảm bảo Tết Kỷ Hợi 2019 yên vui, an lành? ảnh 3 Phối cảnh đường hoa Nguyễn Huệ Tết nguyên đán Kỷ Hợi 2019

Đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh đường phố

Về việc đảm bảo vệ sinh trên đường phố, và vận động người dân không xả rác, ông Lê Trung Tuấn Anh, Trưởng Phòng chất thải rắn, Sở Tài nguyên – Môi trường TPHCM cho hay, lượng rác dịp tết dự kiến tăng đột biến khoảng 20%. Đặc biệt, ngày giao thừa tăng 100%, với khối lượng rác lên tới 18.000 tấn rác/ngày.

Để đảm bảo đường phố thông thoáng, trong dịp tết, ngành vệ sinh huy động toàn ngành làm việc cả ngày lẫn đêm, với trên 4.000 công nhân vệ sinh, 800 phương tiện chuyên dùng để điều phối, phân bổ rác về các khu xử lý.

“Ngành vệ sinh sẽ kết thúc công việc vào 6 giờ sáng mùng 1 tết Nguyên đán 2019 và bãi xử lý rác chấm dứt xử lý vào lúc 9 giờ sáng cùng ngày. Điều đó có nghĩa là 9 giờ sáng mùng 1 Tết, nhân viên vệ sinh mới được về nhà đón tết. Tuy nhiên, 30% nhân sự vẫn được duy trì trực tết để đảm bảo lau dọn, quét dọn sạch sẽ TP”, ông Lê Trung Tuấn Anh chia sẻ.

Ông Lê Trung Tuấn Anh cho biết, công nhân vệ sinh được thưởng 1-2 tháng lương, có hỗ trợ quà, lì xì và đảm bảo suất ăn vào dịp tết.

Ông Lê Trung Tuấn Anh cũng mong muốn trong ngày mùng 1 và mùng 2 tết, người dân nên giữ rác trong nhà, không mang rác ra ngoài đường làm nhếch nhác đường phố. Đồng thời, khi tham gia lễ hội, hội hoa xuân, các buổi bắn pháo hoa, người dân không nên xả rác bừa bãi.

Đảm bảo người dân đón tết bình yên, Thượng tá Nguyễn Thế Lâm, Phó trưởng Phòng Tham mưu Công an TPHCM cho hay, 100% các đơn vị lực lượng chiến đấu, công an quận, huyện đảm bảo ứng trực. Các đơn vị khác cũng trong tư thế sẵn sàng phục vụ với tinh thần đảm bảo TP tuyệt đối an toàn, không để tình huống bị động bất ngờ xảy ra.

Công an TPHCM cũng vừa ra mắt lực lượng tuần tra hỗn hợp 363 (gồm Cảnh sát giao thông, cảnh sát hình sự, cơ động) nhằm tăng cường sự hiện diện các lực lượng trên mặt đường, tăng cường năng lực đấu tranh phòng chống tội phạm.

Trong cao điểm cuối năm, Công an TPHCM tập trung phòng ngừa, trấn áp các loại tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp; các tệ nạn mại dâm, ma túy, nhất là cờ bạc trong khu dân cư; xử lý triệt để xe dù bến cóc, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông mà nguyên nhân trực tiếp có thể dẫn tới tai nạn giao thông như phóng nhanh vượt ẩu, đi không đúng làn đường, sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông…

Thượng tá Nguyễn Thế Lâm khuyến cáo người dân cảnh giác với cướp giật, móc túi ở các điểm vui chơi; khi vắng nhà thì khóa cửa cẩn thận, nhờ người trông coi để bảo đảm tài sản ở nhà; đi đường không nên mang quá nhiều tài sản; cẩn trọng trong đun nấu, thắp nhang, sử dụng thiết bị điện vào dịp tết để đảm bảo an toàn PCCC; uống rượu bia thì không lái xe; không tụ tập bài bạc…

TPHCM sẽ làm gì để đảm bảo Tết Kỷ Hợi 2019 yên vui, an lành? ảnh 4 Lực lượng tuần tra hỗn hợp 363 Công an TPHCM ra quân làm nhiệm vụ .  Ảnh  CHÍ THẠCH

Phát biểu trong chương trình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm yêu cầu ngành LĐ-TB-XH phối hợp các đơn vị liên quan đảm bảo chính sách phúc lợi tới người dân, nhất là diện chính sách có công, người nghèo, công nhân, sinh viên không có điều kiện về quê đón tết.

Ngành công an và giao thông vận tải phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân đi lại vào dịp tết.

Phó Chủ tịch Lê Thanh Liêm cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt nam chỉ đạo các ngân hàng chuẩn bị đầy đủ tiền mặt và đảm bảo hệ thống ATM hoạt động thông suốt, liên tục, kịp thời để đáp ứng nhu cầu người dân.

Trước và sau tết, các cơ quan, đơn vị phải thực hiện nghiêm kỷ cương kỷ luật hành chính, tập trung giải quyết các vụ việc, không để người dân, doanh nghiệp chờ đợi.

Phó Giám đốc Sở VH -TT TPHCM Vũ Trọng Nam: 

Nhiều đoàn cải lương đến phục vụ người dân ngoại thành

Trong chương trình, cử tri Nguyễn Hữu Cẩn (huyện Bình Chánh, TPHCM) nêu mong muốn TP tổ chức các chương trình cải lương phục vụ người dân vùng ven, ngoại thành thưởng lãm trong dịp tết đến xuân về. Đáp lại mong muốn cử tri, trong những ngày tết, Sở VH-TT TPHCM sẽ tổ chức các đoàn của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đi về các huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi… phục vụ người dân.

Để phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của người dân, Sở đề xuất 7 điểm bắn pháo hoa trên địa bàn TP, toàn bộ kinh phí là doanh nghiệp đóng góp, không chi tiền ngân sách.

Đường hoa Nguyễn Huệ năm nay bố trí linh vật là gia đình heo và dọc tuyến đường có thêm 6 heo đất đẹp mắt, với ý nghĩa tiết kiệm. Toàn bộ tiền thu được trong 6 heo đất sẽ dùng để chăm lo cho học sinh nghèo.

6 tuyến đường chính cũng được trang trí đèn nghệ thuật, trong đó, đường Lê Duẩn được trang trí bằng hoa bàng vuông.

Quyền Cục trường Cục Quản lý thị trường TPHCM Nguyễn Văn Bách:  

Tập trung chống hàng gian, hàng giả bán online

Để lành mạnh thị trường trong dịp tết, lực lượng quản lý thị trường tập trung kịp thời phát hiện các hành vi nhập lậu, hàng gian, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, xâm phạm sở hữu trí tuệ… Các mặt hàng được kiểm tra nhiều là thực phẩm chế biến, dược phẩm, may mặc…

Trong hoạt động vận chuyển, TPHCM có các cửa ngõ, chúng tôi phối hợp các lực lượng chức năng tăng cường tần suất kiểm tra, chặn dừng phương tiện có nghi vấn nhằm xử lý kịp thời nếu có hàng lậu, hàng giả, nhất là mặt hàng về gia cầm, gia súc không rõ nguồn gốc.

Trong các đối tượng kinh doanh, chúng tôi đặc biệt lưu ý đến đối tượng lợi dụng hình thức kinh doanh qua mạng internet, thương mại điện tử để bán hàng giả, hàng nhái. Khi kiểm tra, lực lượng quản lý thị trường tập trung việc thực hiện ghi nhãn hàng hóa, công bố chất lượng sản phẩm.

Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TPHCM Phạm Khánh Phong Lan: 

Nguy cơ mất an toàn lớn nhất trong dịp tết là thịt gia súc

Trong dịp tết, Ban Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm làm xuyên suốt, truyền thông nâng cao ý thức người dân trong việc sử dụng sản phẩm an toàn, nói không với sản phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc…

Từ nay tới tết, chúng tôi kiểm tra nhiều ở các chợ, siêu thị, tập trung vào chất lượng và nguồn gốc sản phẩm. Năm 2018, chúng tôi đã kiểm tra 41.000 lượt cơ sở, phát hiện 12.000 lượt cơ sở vi phạm và xử phạt 17 tỷ đồng. TPHCM là địa phương xử phạt nghiêm khắc nhất trong lĩnh vực này của cả nước và năm 2019, ngay trong dịp tết, việc xử phạt tiếp tục được thực hiện nghiêm.

Đặc biệt, chúng tôi tăng cường thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm ở các chợ đầu mối. Các mặt hàng được kiểm tra nhiều là sản phẩm chế biến từ thịt (giò, chả, xúc xích…), bánh, mứt, kẹo…

Tôi nhấn mạnh, trong dịp tết, nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm lớn nhất là thịt gia súc. Vì thế, hàng đêm, Ban Quản lý An toàn vệ sinh thực phẩm trực gác ở chợ đầu mối, phối hợp với ban quản lý chợ tăng cường lấy mẫu kiểm tra, xử lý kịp thời bằng cách tiêu hủy, nếu phát hiện thịt gia súc không an toàn, nhất là heo bệnh.

Tin cùng chuyên mục