TPHCM triển khai NQ54 của Quốc hội: Quyết liệt, đồng bộ và sáng tạo

Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM được xem là yếu tố thuận lợi, tạo thế và lực cho TPHCM phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. 
Tuy nhiên, bên cạnh những kỳ vọng lớn lao, thực tiễn cũng đặt ra nhiều thách thức trong bối cảnh mới. Nhân dịp Xuân Mậu Tuất 2018, ĐTTC đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN THÀNH PHONG, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, là người đứng đầu chính quyền TP, ông cảm nhận như thế nào khi Quốc hội thông qua Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đối với TPHCM? 
Chủ tịch NGUYỄN THÀNH PHONG: - Rất phấn khởi, cảm xúc này không chỉ của riêng tôi mà là của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TPHCM. Đây là Nghị quyết mang tính lịch sử đối với TP với độ mở chưa từng có; đồng thời còn là mong mỏi, gửi gắm và kỳ vọng của Trung ương đối với TPHCM - đầu tàu kinh tế của cả nước.
TPHCM triển khai NQ54 của Quốc hội: Quyết liệt, đồng bộ và sáng tạo ảnh 1Ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM 

Với 18 nội dung thuộc 5 lĩnh vực (quản lý đất đai, quản lý đầu tư, quản lý tài chính - ngân sách, cơ chế phân cấp ủy quyền và chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức), Nghị quyết 54 sẽ tạo động lực mới để TPHCM giải phóng mọi tiềm năng, tháo gỡ các điểm nghẽn, giải quyết các thách thức trong bối cảnh sự vượt trội của TP so với cả nước ở một số mặt đã chậm lại.
Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân TP sẽ làm hết sức mình để xứng đáng với niềm tin Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân cả nước đã dành cho TPHCM.  
TPHCM triển khai NQ54 của Quốc hội: Quyết liệt, đồng bộ và sáng tạo ảnh 2Chủ tịch UBND TPHCM ông Nguyễn Thành Phong (thứ 3 từ phải qua), tham quan dự án "xanh" của Phuc Khang Corporation xây dựng theo tiêu chuẩn Leed của Hoa Kỳ 
 - Chủ tịch có thể khái quát những thuận lợi và thách thức của TPHCM  sau khi có Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù? 
- Thuận lợi lớn nhất là ý chí quyết tâm thực hiện. Lãnh đạo TP xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của TPHCM giai đoạn 2017-2022. Hiện nay, định kỳ tuần/lần, tôi trực tiếp chủ trì làm việc với 2 tổ nghiên cứu để đôn đốc tiến độ thực hiện.
Chúng tôi đặt ra mục tiêu bất di bất dịch đến tháng 3-2018 phải trình HĐND TP các đề án triển khai ngay, và đến tháng 6 trình HĐND TP toàn bộ đề án còn lại. Thuận lợi thứ hai là dư địa tăng trưởng của TP còn rất lớn. TPHCM là đô thị đặc biệt có vị trí quan trọng, nơi quy tụ tinh hoa các vùng miền, hơn bao giờ hết, TP là nơi lý tưởng để thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù.
Thuận lợi thứ ba là sự quan tâm của toàn xã hội, luôn theo dõi từng bước đi và sẵn sàng tham gia, góp ý, hiến kế, phản biện các cơ chế, chính sách đặc thù của TP. Ngoài ra, một điểm hết sức thuận lợi là TP luôn có tinh thần sáng tạo, có rất nhiều kinh nghiệm trong việc thực hiện các cơ chế, chính sách thí điểm. 
Bên cạnh những thuận lợi cũng có không ít thách thức. Đó là tất cả thẩm quyền và cơ chế, chính sách đặc thù đòi hỏi phải được chuyển hóa thành những chính sách, quy định và quy trình cụ thể, phải được thiết kế sao cho thật sự tạo ra được môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân và cả các cấp chính quyền.
Đặc biệt phải lượng hóa đầy đủ những tác động xã hội trong ngắn hạn cũng như dài dạn khi thực hiện Nghị quyết. Ngoài ra, thời gian triển khai thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù ngắn chỉ 5 năm. Theo đó, đến năm 2020 phải sơ kết 3 năm báo cáo Chính phủ, năm 2022 phải tổng kết, đánh giá báo cáo Quốc hội. Do đó, một số chính sách vĩ mô có độ trễ nhất định, chưa thể phát huy trong ngắn hạn, là thách thức lớn đối với TP khi thực hiện Nghị quyết. 
- Với cơ chế đặc thù này liệu có tạo sự bất bình đẳng giữa TPHCM với những nơi khác? TP sẽ làm gì để hỗ trợ các địa phương với tư cách là đầu tàu, thưa Chủ tịch?
- Nghị quyết 54 không làm thay đổi tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP, cơ bản không ảnh hưởng lớn đến cân đối vĩ mô và tỷ lệ điều tiết ngân sách cho các địa phương giai đoạn 2015-2020. Do đó, không làm giảm bất cứ nguồn lực nào của các địa phương khác.
Như vậy, Nghị quyết 54 sẽ là động lực để TPHCM tạo ra nhiều nguồn lực hơn, đóng góp nhiều hơn cho cả nước, và từ đây Trung ương phân bổ trở lại nhiều hơn cho các địa phương còn khó khăn. Điều này giúp việc phân bổ và sử dụng hiệu quả hơn các nguồn lực phát triển của quốc gia mà TPHCM có trách nhiệm thực thi cơ chế để cả nước cùng có lợi. 
Trong suốt quá trình phát triển, TPHCM là nơi lý tưởng để người dân các địa phương khác đến sinh sống, học tập, làm việc, kinh doanh. Bình quân mỗi năm dân số TP tăng thêm 140.000 người, đa số là người dân từ các nơi khác chuyển đến. Mỗi năm TP cần xây thêm hơn 2.000 phòng học, nhiều bệnh viện, mở rộng hệ thống hạ tầng giao thông…
Nhưng TP luôn xem đó là điều tất yếu trong mối quan hệ tương hỗ, máu thịt giữa TP với các địa phương, khi mỗi người dân về sinh sống đều có đóng góp cho TP và TP có trách nhiệm phải chăm lo. Hiện nay, TPHCM đã ký kết hợp tác với 36 địa phương và sẽ tiếp tục mở rộng hợp tác trong thời gian tới nhằm chia sẻ nguồn lực, phát huy các tiềm năng, thế mạnh, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng chung của cả nước. 
Và tinh thần Nghị quyết 54 cũng như vậy, nguồn lực tăng thêm từ thí điểm cơ chế chính sách đặc thù là cơ sở để TPHCM vun đắp cho cuộc sống của người dân TP và các địa phương còn khó khăn trong cả nước.
Với phương châm “quyết liệt, đồng bộ và sáng tạo”, TPHCM quyết tâm triển khai thực hiện thành công Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, xứng đáng với niềm tin Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ và Nhân dân cả nước đã dành cho, để TPHCM có điều kiện phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đóng góp nhiều hơn cho cả nước.
- Chủ tịch đánh giá vai trò của kinh tế tư nhân nói chung và cộng đồng doanh nhân nói riêng như thế nào khi TPHCM vận hành cơ chế đặc thù trong thời gian tới?
- Hội nghị Trung ương 5 đã xác định phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh, hiệu quả, bền vững, thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Riêng đối với TPHCM, kinh tế tư nhân từ nhiều năm qua đã trở thành một động lực trực tiếp (chiếm 53,6% nền kinh tế và 67,08% tổng vốn đầu tư toàn xã hội). Do đó, khi vận hành cơ chế đặc thù, khu vực kinh tế tư nhân được hưởng lợi nhiều nhất, đồng thời cũng là nhóm dễ bị tổn thương nhất vì phần lớn doanh nghiệp của TP thuộc loại vừa và nhỏ. 
TPHCM cam kết xây dựng môi trường thuận lợi nhất đối với cộng đồng doanh nghiệp theo tinh thần Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, nói đi đôi với làm. Các cơ chế, chính sách đặc thù đang nghiên cứu và triển khai sẽ góp phần làm cho doanh nghiệp lớn mạnh, phát triển bền vững, tuyệt đối không cản trở lưu thông hàng hóa, cũng như không tạo nên gánh nặng cho doanh nghiệp.
Hiện nay cùng với cơ chế đặc thù, TPHCM đã thành lập Tổ công tác liên ngành về đầu tư, hỗ trợ xử lý toàn bộ thủ tục cho doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn (kể cả liên hệ bộ ngành Trung ương) cho đến khi dự án đi vào hoạt động. Tôi tin tưởng rằng với các tác động kép nêu trên sẽ tạo nên cơ hội và sức ép để doanh nghiệp lớn mạnh, phát triển bền vững, vươn tầm thế giới. 
- Xin cảm ơn Chủ tịch.
Chúng ta tin tưởng vững chắc rằng với sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, sự đồng tâm nhất trí, đồng thuận, đoàn kết của cả hệ thống chính trị, của các ngành, các cấp, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, nhất là sự cộng đồng trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân thành phố, nhất định chúng ta sẽ tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn, tranh thủ thời cơ thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn thách thức, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 đề ra. Nhân dịp đón năm mới 2018 và Tết cổ truyền Mậu Tuất, thay mặt chính quyền thành phố, tôi gửi lời chúc đến toàn thể đồng bào thành phố, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, các ngành các cấp, các lực lượng võ trang và kiều bào thành phố ở nước ngoài một năm mới nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
                                            Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM

Tin cùng chuyên mục