TPHCM ưu tiên phát triển giáo dục mũi nhọn

Ngày 18-10, trong khuôn khổ Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TPHCM năm 2018 đang diễn ra ở TPHCM, hơn 200 cán bộ quản lý, giáo viên đến từ các trường trung học, cao đẳng và đại học trên địa bàn thành phố đã được nghe các chuyên gia đến từ Phần Lan chia sẻ nhiều mô hình, giải pháp nhằm phát triển giáo dục Việt Nam trong những năm sắp tới.

Theo bà Kristina Kaihari, Tham tán giáo dục của Cơ quan Phát triển giáo dục quốc gia Phần Lan, đặc điểm của hệ thống giáo dục Phần Lan là mọi trẻ em đều được tiếp cận một chương trình giáo dục như nhau.

Trong đó, chương trình giảng dạy tập trung nhiều hoạt động vui chơi, học thông qua các trò chơi sáng tạo. Điểm khác biệt của quốc gia này so với nhiều nước khác trên thế giới là không tạo áp lực thi cử cho học sinh, không có bài kiểm tra cuối học kỳ hoặc cuối năm học, không xếp hạng học sinh và chương trình dạy không theo môn học.

Thay vào đó, học sinh được tạo môi trường phát triển tối đa năng lực của bản thân. Các trường học được giao quyền chủ động thiết kế chương trình giảng dạy trên cơ sở chương trình chung của quốc gia sao cho phù hợp với từng đối tượng học sinh.

Đặc biệt, tất cả học sinh 6 tuổi đều được tham gia các lớp “tiền tiểu học” để được chuẩn bị một số kỹ năng, kiến thức nền tảng trước khi vào lớp 1. Hiện nay, Phần Lan duy trì chương trình giáo dục phổ thông 9 khối lớp dành cho học sinh trong độ tuổi 7 - 15.

Từ năm lớp 10, các em sẽ được lựa chọn giữa 2 hướng: tiếp tục học giáo dục phổ thông hệ hàn lâm hoặc rẽ hướng học tại các trường trung học nghề. Đội ngũ giáo viên của Phần Lan đều được đào tạo bài bản, có chuyên môn cao, đa phần có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết giáo dục Việt Nam hiện rất khác so với Phần Lan. Trước đây, cả nước áp dụng một chương trình giáo dục phổ thông duy nhất do Bộ GD-ĐT ban hành, tức cùng khung giờ đó, ở khối lớp đó, tất cả học sinh Việt Nam học cùng một nội dung của môn học.

Chỉ trong khoảng vài năm trở lại đây, Bộ GD-ĐT mới bắt đầu giao quyền chủ động cho các trường trong tổ chức và thực hiện chương trình. Tuy nhiên, mỗi học sinh đều phải kiểm tra thường xuyên và liên tục. Trình độ giáo viên hiện cũng có khoảng cách rất chênh lệch, có người trình độ thạc sĩ, song cũng có giáo viên chỉ tốt nghiệp hệ đào tạo trung cấp.

Đáng nói hơn là với đặc điểm sĩ số lớp học đông, có nơi lên đến 60 học sinh/lớp, giáo viên Việt Nam không thể triển khai các phương pháp dạy học theo hình thức cá biệt, khó tổ chức không gian dạy học mở với nhiều ưu điểm nổi bật như các nước tiên tiến.TPHCM hiện có hơn một triệu học sinh phổ thông, nhưng chỉ có khoảng 15.000 học sinh được tiếp cận các chương trình giáo dục tiên tiến tại các trường quốc tế. Trước thực tế đó, TPHCM chọn giải pháp quan tâm đến giáo dục mũi nhọn, tăng cường đầu tư hợp tác quốc tế thông qua một số chương trình dạy tiếng Anh, dạy môn Toán và các môn khoa học bằng tiếng Anh nhằm giúp học sinh có thêm cơ hội tiếp cận các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Tin cùng chuyên mục