TPHCM xây dựng nông thôn mới. Bài 3: Về đích trước

“Có thể khẳng định, những nhân tố nông thôn mới (NTM) ở các xã ven đô thị đã hình thành, bắt đầu phát huy tác dụng, làm cơ sở cho việc tiếp tục nhân rộng mô hình tất cả các xã còn lại”. Đó là phát biểu của đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM tại hội nghị tổng kết xây dựng thí điểm NTM giai đoạn 2010 - 2012 tổ chức đầu tháng 3-2013. Mục tiêu của TPHCM đến năm 2015 tất cả các xã cơ bản hoàn thành xây dựng NTM. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng, trong phát triển kinh tế, TPHCM có điều kiện đi trước và có khả năng về đích sớm trong xây dựng NTM.
TPHCM xây dựng nông thôn mới. Bài 3: Về đích trước

“Có thể khẳng định, những nhân tố nông thôn mới (NTM) ở các xã ven đô thị đã hình thành, bắt đầu phát huy tác dụng, làm cơ sở cho việc tiếp tục nhân rộng mô hình tất cả các xã còn lại”. Đó là phát biểu của đồng chí Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM tại hội nghị tổng kết xây dựng thí điểm NTM giai đoạn 2010 - 2012 tổ chức đầu tháng 3-2013. Mục tiêu của TPHCM đến năm 2015 tất cả các xã cơ bản hoàn thành xây dựng NTM. Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cho rằng, trong phát triển kinh tế, TPHCM có điều kiện đi trước và có khả năng về đích sớm trong xây dựng NTM.

        Nhân rộng mô hình

TPHCM có 58 xã ở 5 huyện ngoại thành với dân số trên 1 triệu người, tương đương với một tỉnh trung bình cả nước, trừ 2 xã gần như đã đô thị hóa là Trung Chánh (huyện Hóc Môn) và Bình Hưng (huyện Bình Chánh) và 6 xã thí điểm đã xây dựng thành công, như vậy 50 xã còn lại phải tiếp bước tiến trình xây dựng NTM. Giữa tháng 7 vừa qua, Hội nghị chuyên đề về xây dựng Đảng bộ xã trong sạch vững mạnh, phát huy vai trò của MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng NTM đã được đồng chí Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM TP chủ trì. Sau đó, hơn 220 cán bộ chủ chốt cấp xã (bí thư, chủ tịch UBND, kế toán, chủ tịch mặt trận) của 56 xã được các báo cáo viên từ Trung ương và TP cung cấp những kiến thức cơ bản về bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM; một số cơ chế, chính sách xây dựng NTM ở TPHCM; các quyết định của TP về cơ chế hỗ trợ từ ngân hàng, Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; đặc biệt là cơ chế tài chính khi triển khai các bước trong quá trình thực hiện…

Một trại nuôi bò sữa ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi. Ảnh: Cao Thăng

Một trại nuôi bò sữa ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi. Ảnh: Cao Thăng

Thực tế mấy năm qua Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM TP cũng như các địa phương đã chuẩn bị cho giai đoạn nhân rộng này. Phó Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Nguyễn Hữu Hoài Phú cho biết, trước khi xây dựng NTM, huyện Củ Chi đã có nhiều chương trình giúp phát triển sản xuất, như chương trình xây dựng kênh Đông, xóa đói giảm nghèo, phát triển bò sữa, rau an toàn, 4 hóa (công nghiệp hóa, điện khí hóa, hợp tác hóa, cơ giới hóa), giao thông nông thôn… Đây là nền tảng giúp cho việc xây dựng NTM thêm thuận lợi. Hiện nay trong số 18 xã nhân rộng mô hình NTM đã có 4 xã đạt 17 tiêu chí, 9 xã đạt 15 tiêu chí, 4 xã đạt 14 tiêu chí và chỉ có xã (Bình Mỹ) đạt 13 tiêu chí. Mục tiêu đến 2015 các xã cơ bản xây dựng NTM là trong tầm tay. Tương tự, Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, Trần Công Cảm cho biết, TP đã duyệt đề án xây dựng NTM của 8/9 xã nhân rộng nhưng thực tế các xã đã triển khai trước đó. Nhờ sự đầu tư của TP về các chương trình trước đây ở ngoại thành nên có tác dụng tích cực trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM. Theo ông Trần Công Cảm, có khả năng cuối năm 2014 hoàn thành cơ bản xây dựng NTM toàn huyện.

        Nâng chất tiêu chí

Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng có khởi điểm thuận lợi. Lợi thế của những xã điểm là được TP ưu tiên tập trung đầu tư vốn, nguồn lực, cũng như kêu gọi doanh nghiệp về nông thôn cùng tham gia. Vì vậy, dù ngân sách nhà nước được xem chỉ là vốn mồi để huy động toàn xã hội trong đó có người dân tại chỗ đã phát huy tác dụng tích cực. Nhưng khi tất cả các xã còn lại cùng nhân rộng, chắc chắn nguồn vốn ngân sách của TP không thể dồi dào như trước. Đặc biệt trong bối cảnh suy thoái kinh tế kéo dài, nhiều doanh nghiệp bị tác động, người dân cũng bị ảnh hưởng nên các xã gặp không ít khó khăn khi triển khai.

Tại buổi họp giao ban chuyên đề về xây dựng NTM của Văn phòng BCH Trung ương Đảng tháng 7 vừa qua, lãnh đạo nhiều tỉnh phía Nam e ngại rằng, 30% số xã của tỉnh đạt tiêu chí về NTM vào năm 2015 sẽ rất khó. Nhưng theo Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát, cách làm của TPHCM vừa đúng chỉ đạo vừa có nhiều sáng tạo. Đó là sự quyết tâm chỉ đạo của các cấp cũng như sự tham gia tích cực của các đoàn thể. TP cũng đã có một số chính sách, mới đây là Quyết định 20 về ban hành cơ chế hỗ trợ từ ngân sách nhà nước để xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020. Trước đó, TPHCM cũng ra Quyết định 13 thay thế và bổ sung QĐ 36 về việc khuyến khích chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP, giai đoạn 2013 - 2015. Nhưng để khắc phục những khó khăn, đòi hỏi những xã còn lại phải chủ động, sáng tạo với đặc điểm của từng xã, ấp; làm trước những tiêu chí chưa cần phải có nhiều vốn mà cần cách làm, cách tổ chức thực hiện như xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, đảm bảo an ninh trật tự, giúp nhau kinh nghiệm chuyển đổi cây trồng vật nuôi, cây, con giống…

Bên cạnh việc nhân rộng, một yêu cầu không kém phần quan trọng là những xã thí điểm trước đó không thể dừng lại ở việc đạt 19 tiêu chí là xong. Xây dựng NTM là một quá trình, trong đó, việc giữ cho được các tiêu chí còn quan trọng và là thách thức đầy khó khăn. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Đua, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM TP từng phát biểu, việc giữ và nâng chất các tiêu chí vừa đạt được là nhiệm vụ không dễ dàng nhưng là yêu cầu phải tiếp tục hoàn thành. Một ngôi trường mới xây xong phải kèm theo đó là đội ngũ giáo viên dạy tốt, các em học sinh phải học tốt, trong đó lễ nghĩa là điều phải chú ý. Một ngôi chợ vừa hoàn thành phải kèm theo đó loại bỏ dần tệ nạn nói thách của người bán, sản phẩm bán ra đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm. Một bệnh viện hay trạm xá chỉ thật sự có ý nghĩa khi đội ngũ y bác sĩ tận tâm với người bệnh, phải tự trau dồi nâng cao tay nghề để phục vụ nhân dân. Tình làng nghĩa xóm vốn là truyền thống của người dân nông thôn, khi đã là xã NTM, điều này phải được phát huy nhiều hơn, sâu hơn, cụ thể hơn.

CÔNG PHIÊN

- Thông tin liên quan:

>> Bài 2: Nhiều bài học kinh nghiệm

>> Bài 1: Nâng chất cuộc sống

Tin cùng chuyên mục