TPHCM xem xét tiềm năng phát triển về hướng Tây Bắc

TPHCM đang đánh giá việc thực hiện đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010) để làm cơ sở xây dựng đồ án phát triển đô thị những năm tiếp theo. Bên cạnh những thành tựu, TPHCM đang phải đối mặt với nhiều bất cập, hậu quả từ việc phát triển đô thị chưa tuân thủ nghiêm quy hoạch…

 

 

 Đó là những nội dung cơ bản mà ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc (QH-KT) TPHCM, trao đổi với phóng viên Báo SGGP.
TPHCM xem xét tiềm năng phát triển về hướng Tây Bắc ảnh 1 Đường Trường Chinh nối trung tâm TPHCM với quận 12 và các huyện Hóc Môn, Củ Chi... Ảnh: THÀNH TRÍ
 Đang dần hoàn thiện khung giao thông

° Phóng viên: Thưa ông, Sở QH-KT TPHCM đánh giá kết quả thực hiện đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010 như thế nào?

° Ông Nguyễn Thanh Nhã:
Trên cơ sở đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010, cùng với Quy hoạch Phát triển giao thông vận tải TPHCM; trong đó, định hướng mạng lưới giao thông nối kết vùng và hệ thống giao thông nội đô, hàng loạt dự án xây dựng công trình giao thông đã xuất hiện và đang dần giúp hoàn thiện khung giao thông chính cho thành phố như trục Đông - Tây, trục xuyên tâm lên phía Tây Bắc, trục kết nối phía Nam, tuyến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, TPHCM - Trung Lương; triển khai xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên), tuyến metro số 2, giai đoạn 1 (Bến Thành - Tham Lương)…

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM cũng đã góp phần định hướng phát triển mở rộng ra các quận ven và huyện ngoại thành, phát triển hành lang kinh tế - đặc biệt là các khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu dân cư, khu chức năng đô thị, khu đô thị; giúp phân bố lại lực lượng lao động - sản xuất, phân bổ dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Đây cũng là cơ sở quan trọng để thành phố triển khai các đồ án quy hoạch chuyên ngành và những dự án cải thiện môi trường, chỉnh trang nâng cấp đô thị quan trọng…

Tuy nhiên, công tác phát triển đô thị TPHCM trong thời gian qua có một số tồn tại đáng chú ý như: Hoạt động đầu tư xây dựng vẫn tập trung ở khu vực trung tâm và nội thành cũ. Ở các quận, huyện ngoại thành, việc đô thị hóa lan tỏa kiểu “dầu loang” với nhiều dự án xây dựng khu dân cư nhỏ chưa có hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hoàn chỉnh. Nhiều người dân ở các khu vực này vẫn vào làm việc, khám chữa bệnh… ở khu trung tâm hiện hữu, dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông ở các cửa ngõ ra vào nội thành. TPHCM vẫn chưa hình thành được các trung tâm cấp thành phố ở các hướng phát triển theo quy hoạch. Khu đô thị Tây Bắc, Khu đô thị cảng Hiệp Phước chậm đầu tư xây dựng. Ở phía Nam TP hình thành được khu trung tâm đô thị mới Phú Mỹ Hưng (Khu A) có cấu trúc đô thị hoàn chỉnh, cơ sở hạ tầng chất lượng cao. Tuy nhiên, tổng thể Khu đô thị Nam TP mới phát triển được khoảng 30% - 35% so với quy hoạch nên chưa có sự kết nối giữa các khu chức năng đô thị (dạng chuỗi) dọc tuyến đường Nguyễn Văn Linh.

Trên đây chỉ là một số nhận xét bước đầu. Để đánh giá toàn diện và thuyết phục về tình hình thực hiện đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM được Thủ tướng phê duyệt năm 2010, cần phải thực hiện khoa học, có định lượng, với các số liệu thống kê chính thức. Việc này trước đây (ở kỳ điều chỉnh quy hoạch trước) đã được đơn vị tư vấn thực hiện. Trong lần này, dự kiến cũng sẽ có bước đánh giá đó, do một đơn vị tư vấn độc lập thực hiện.

Gắn kết chặt chẽ với vùng TPHCM 

° Trên cơ sở đánh giá đó, Sở QH-KT TPHCM dự kiến đề xuất điều chỉnh như thế nào? 

° Sở QH-KT đang tham mưu điều chỉnh quy hoạch theo một số nội dung trọng tâm như sau: 

Thứ nhất, Quy hoạch chung xây dựng TPHCM gắn với Quy hoạch vùng TPHCM. Trong điều chỉnh Quy hoạch vùng TPHCM lần này, các nhà khoa học tiếp cận với quan điểm là phân chia các tiểu vùng theo điều kiện tự nhiên, đặc điểm văn hóa - xã hội và tiềm năng, tình hình phát triển kinh tế. Trong đó, đặc biệt có khái niệm “vùng đô thị trung tâm”, bao gồm đô thị hạt nhân TPHCM và đô thị liền kề ở các tỉnh, thành kế cận. Mô hình “vùng đô thị trung tâm” hướng tới việc quy hoạch liên kết chặt chẽ về cấu trúc đô thị, cơ sở hạ tầng, xác định được phạm vi giới hạn của khu vực tập trung đô thị và đô thị hóa; hạn chế tình trạng đô thị hóa dàn trải, tràn lan.
Việc quy hoạch các khu chức năng đô thị của TPHCM, đặc biệt là các khu vực ở vùng ngoại vi thành phố, cần đặt trong mối quan hệ với các khu vực giáp ranh trên cơ sở liên kết vùng, tăng cường sự hợp tác phát triển giữa thành phố và các tỉnh kế cận. Ở chiều ngược lại, TPHCM cũng có thể đề xuất các khu vực lân cận thuộc tỉnh, thành giáp ranh một số chức năng để kết nối, tương tác với các khu chức năng thuộc địa phận TPHCM.

Thứ hai, điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất, tập trung phát triển công nghiệp và thương mại - dịch vụ. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và sử dụng đất đều tác động đến nguồn lao động (dân số) và cơ sở hạ tầng nên định hướng phát triển đô thị phải gắn liền với phát triển công nghiệp, thương mại - dịch vụ. Theo đó, cơ cấu sử dụng đất cần được nghiên cứu điều chỉnh phù hợp và hiệu quả hơn. Cụ thể, đối với việc điều tiết dân số, phân bổ dân cư và vấn đề nhà ở… hiện có nghịch lý ở hướng Đông, hướng Nam - nơi các dự án phát triển đô thị mới được triển khai xây dựng nhiều và hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư hơn hẳn nhiều khu vực khác, song dân số đến ở chưa nhiều (so với quy hoạch). Trong khi đó, ở hướng Tây-Tây Bắc - nơi chưa có nhiều dự án phát triển đô thị được triển khai đầu tư xây dựng nhưng dân số lại tăng nhanh, nhất là ở  khu vực giáp nội thành hiện hữu. Một trong những nguyên nhân của tình trạng này là giá nhà đất ở hướng Tây-Tây Bắc phù hợp với thu nhập trung bình - thấp của người lao động. Đây là hệ quả không chỉ do mô hình đô thị chưa chuyển dịch đồng bộ mà còn do chính sách quản lý và thực thi quy hoạch chưa hiệu quả ở các địa phương.

Do đó, việc điều tiết dân số và phân bổ dân cư phù hợp mô hình đô thị và yêu cầu phát triển - cùng với chiến lược giải quyết nhà ở cho người dân thành phố - là nội dung trọng tâm của lần điều chỉnh quy hoạch chung kỳ này.

Thứ ba, củng cố mô hình phát triển “tập trung đa cực”. Mô hình phát triển của TPHCM được xác định là “tập trung đa cực”, bao gồm trung tâm là khu vực nội thành với bán kính 15km và 4 cực phát triển ở 4 hướng. Đây cũng là mô hình phát triển được tiếp tục khẳng định trong việc điều chỉnh quy hoạch vùng TPHCM đến năm 2030 hiện nay. Lần điều chỉnh quy hoạch này cần củng cố mô hình trên theo hướng khả thi hơn, cụ thể như sau: 

+ Tái thiết, tái phát triển khu trung tâm thành phố: Cần rà soát, điều chỉnh định hướng phát triển khu trung tâm thành phố hiện hữu, kết hợp chặt chẽ với đô thị mới Thủ Thiêm qua sông Sài Gòn; đặc biệt, đề xuất những giải pháp giao thông đột phá, kết hợp với mô hình tái thiết đô thị phù hợp cho khu vực này.

+ Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các khu trung tâm cấp thành phố, các khu đô thị mới: Cụ thể, cần rà soát quy hoạch và xác định những nguồn lực để đẩy mạnh phát triển các khu trung tâm cấp thành phố, khu đô thị mới ở các hướng phát triển đã xác định trong quy hoạch chung hiện hành.

Thứ tư, rà soát các hướng ưu tiên phát triển của thành phố. Theo đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng TPHCM được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010, thành phố định hướng phát triển với 2 hướng chính là hướng Đông và hướng Nam ra biển và 2 hướng phụ là hướng Tây Bắc và hướng Tây - Tây Nam. Theo yêu cầu tăng cường liên kết vùng, phát triển thành phố về phía biển và trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng, cần có rà soát lại các hướng phát triển thành phố; trong đó, đẩy mạnh phát triển về phía Đông - khu vực có nhiều điều kiện thuận lợi về địa chất, thủy văn và quỹ đất để phát triển đô thị đồng bộ, hoàn chỉnh; kết nối với sân bay Long Thành và nhiều cực động lực của vùng như Biên Hòa, Nhơn Trạch… Tập trung hình thành khu đô thị khoa học - công nghệ Đông Bắc với hạt nhân là Khu Công nghệ cao, các làng đại học, công viên khoa học… Xem xét tiềm năng ưu tiên phát triển về hướng Tây Bắc vì khu vực này còn nhiều quỹ đất phát triển đô thị, giá đất còn rẻ; kết nối về phía tỉnh Tây Ninh, cửa khẩu Mộc Bài… Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hướng Tây Bắc có thuận lợi là địa hình cao, địa chất tốt. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển Khu đô thị cảng Hiệp Phước theo quy hoạch, sớm hình thành khu công nghiệp - logistics cảng kết hợp khu đô thị hoàn chỉnh ở phía Nam. Ngoài ra, thành phố dự kiến bổ sung chức năng du lịch sinh thái biển ở khu đô thị lấn biển Cần Giờ, với lưu ý về mức độ và hình thái phát triển đô thị đối với khu vực sinh thái nhạy cảm này trong bối cảnh biến đổi khí hậu. 

Thứ năm, tập trung phát triển một số khu đặc thù. Lần điều chỉnh quy hoạch này cũng là để tạo điều kiện tập trung phát triển một số khu vực đặc thù, bổ sung và tăng cường một số chức năng đô thị, chẳng hạn như định hướng quy hoạch tổng thể khu vực dọc sông Sài Gòn, từ thượng nguồn xuống hạ lưu; khai thác tối đa tiềm năng về sinh thái, cảnh quan, du lịch và giao thông. Rà soát điều chỉnh quy hoạch để tạo điều kiện đầu tư, hình thành các khu đô thị đại học quốc tế; góp phần kiến tạo thành phố là trung tâm giáo dục chất lượng cao, tầm quốc tế.

° Cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục