TPHCM: Xuất khẩu dệt may, da giày đang giảm

Tính đến hết tháng 9-2018, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may, da giày trên cả nước có tốc độ tăng trưởng mạnh và lọt tốp 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Tuy nhiên, tại TPHCM - một trong những tỉnh/thành từ lâu vẫn dẫn đầu ngành này - xuất khẩu dệt may, da giày lại đang có dấu hiệu chững lại.
Dệt may tại TPHCM đang tăng trưởng chậm. Ảnh: THÀNH TRÍ
Dệt may tại TPHCM đang tăng trưởng chậm. Ảnh: THÀNH TRÍ

Dư địa phát triển bị thu hẹp

Phân tích cơ cấu xuất khẩu của Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trên toàn quốc đạt 22,6 tỷ USD, tăng 17,1% và chỉ đứng thứ 2 sau mặt hàng điện thoại và linh kiện (trên 36 tỷ USD). Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, trong quý cuối năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu của ngành dệt may, da giày Việt Nam sẽ tăng mạnh nhờ hưởng lợi thế kép do đồng USD đang có xu hướng tăng giá và đồng nhân dân tệ phá giá. Hiện có đến 80% nguyên liệu sản xuất ngành dệt may và 60% nguyên liệu sản xuất ngành da giày nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. Điều này đã tạo cơ hội cho hàng dệt may, da giày có giá cao khi xuất khẩu, trong khi nguyên liệu nhập khẩu có giá thành rẻ hơn. 

Tuy nhiên, ngược với xu hướng tăng trưởng mạnh của toàn ngành dệt may thì tại TPHCM, nhóm ngành này có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm, thậm chí đang có dấu hiệu chững lại. Cụ thể, tính đến hết tháng 9-2018, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt 4,13 tỷ USD - tăng 3%, hàng giày dép ước đạt 1,8 tỷ USD - giảm hơn 1%. Trước đó, ở tháng 7, hàng dệt may ước đạt 3,3 tỷ USD - tăng 5,9%, hàng giày dép ước đạt 1,478 tỷ USD - giảm 3,4%. Còn tháng 8, hàng dệt may ước đạt 3,77 tỷ USD - tăng 5,4%, còn hàng giày dép ước đạt 1,7 tỷ USD - giảm 2,% so cùng kỳ. 

Lý giải vấn đề này, ông Nguyễn Bình An, Tổng thư ký Hiệp hội Bông sợi Việt Nam, cho biết TPHCM không còn dư địa để phát triển dệt may, bởi đây là ngành cần nhiều lao động nhưng thành phố không còn nhiều lao động để cung cấp. Mặt khác, chi phí mặt bằng tại TPHCM đang ở mức rất cao. Cụ thể, giá thuê đất tại các khu chế xuất - khu công nghiệp có giá từ 80USD - 100USD/m2. Còn với mặt bằng trong khu dân cư, giá cao hơn rất nhiều. Hiện nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may thành phố đã bắt đầu dịch chuyển nhà máy dệt may sang khu vực miền Trung và miền Bắc. Các khu vực này có lợi thế là giá thuê đất tại các khu công nghiệp thấp hơn 1/2 hoặc 1/3 so với giá thuê mặt bằng tại TPHCM. Hơn nữa, nguồn lao động dồi dào và chi phí lao động cũng thấp hơn nhiều. 

Tương tự, tình trạng này đang diễn ra đối với ngành sản xuất nguyên phụ liệu da giày. Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch Hội Da giày TPHCM, cho biết DN gần như không thể tìm đâu ra khu vực cho phép đầu tư nhà máy sản xuất nguyên phụ liệu da giày tại thành phố. Trong khi đó, nhiều địa phương đã có những khu quy hoạch với hạ tầng tiếp nhận và xử lý môi trường an toàn, đảm bảo để DN hoạt động trong lĩnh vực đầu tư này hoạt động. Đây là lý do chính khiến nhiều DN di dời khỏi TPHCM và chọn tỉnh/thành khác làm khu vực đầu tư, kéo theo tốc độ tăng trưởng cũng như kim ngạch xuất khẩu của ngành tại thành phố chững lại hoặc sụt giảm. 

Ở góc độ khác, nguyên phụ liệu dệt may thiếu nhất là vải. Việt Nam chưa chủ động được nguồn vải sản xuất mà phần lớn phải nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc. Chỉ tính riêng trong năm 2017, các DN ngành dệt may có nhu cầu 9 tỷ m2 vải và trong nước chỉ cung ứng khoảng hơn 4 tỷ m2. Thế nhưng, tìm được quỹ đất để đầu tư nhà máy sản xuất nguyên liệu dệt may nói chung và vải nói riêng tại TPHCM là không thể.

Định vị lại phân khúc xuất khẩu sản phẩm 


Đánh giá về tiềm năng phát triển của ngành dệt may, da giày trong thời gian tới, ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết cơ hội và triển vọng phát triển, mở rộng thị trường là rất lớn, vì Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do. Đáng kể đến như Hiệp định CPTPP (dự kiến có hiệu lực năm 2019) với lộ trình miễn thuế xuống 0% và triển vọng về việc ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) trong năm 2018 sẽ giúp ngành dệt may tiếp cận sâu rộng hơn với những thị trường này. Mặt khác, Mỹ tăng mức thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng này đến từ thị trường Trung Quốc, tạo cơ hội tốt cho các DN Việt Nam từng bước mở rộng và gia tăng thị phần xuất khẩu sang Mỹ. 

Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, dư địa cho việc phát triển những DN thuần gia công dệt may, da giày tại thành phố đã dần bị thu hẹp. Thay vào đó, TPHCM cần nâng cao chuỗi giá trị ngành may theo hướng tập trung hỗ trợ DN phát triển ở công đoạn thiết kế, dịch vụ logistics và thương hiệu. Hiện TPHCM đang triển khai quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may, da giày đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Theo đó, sẽ thành lập Trung tâm thiết kế mẫu mốt thời trang TPHCM. Riêng khâu gia công may mặc thì DN thành phố sẽ liên kết với các DN vệ tinh ở các tỉnh lân cận để tận dụng quỹ đất, nguồn lao động giản đơn có chi phí thấp, từng bước góp phần gia tăng chuỗi giá trị của toàn ngành. 

Ngoài ra, theo Hội Dệt may thêu đan TPHCM, hầu hết các DN dệt may, da giày thành phố có quy mô sản xuất nhỏ. Do đó, thành phố cần có chính sách hỗ trợ DN trong việc tiếp cận vốn như tiếp tục giảm lãi suất cho vay, từng bước tiệm cận mức lãi suất cho vay của các nước trong khu vực; nới lỏng các điều kiện vay vốn hoặc triển khai các gói hỗ trợ vốn chuyên biệt cho các DN nhỏ và vừa nhằm thúc đẩy sản xuất; ngăn chặn hàng nhập lậu tiểu ngạch, trốn thuế để từng bước gia tăng nội lực cạnh tranh của DN nội...

Tin cùng chuyên mục