Tra cứu quy hoạch chưa được thuận tiện

Trong vai người muốn xem quy hoạch liên quan đến một miếng đất ở xã An Nhơn Tây (huyện Củ Chi, TPHCM), chúng tôi đến Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện...
Tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, chúng tôi được cán bộ hướng dẫn: người không phải là chính chủ của nhà, đất thì phải có giấy ủy quyền từ chính chủ. Có giấy trên, văn phòng mới nhận yêu cầu và trả lời bằng văn bản trong 2 ngày. Chúng tôi thắc mắc về quy định trên, cán bộ này giải thích đây là quy định do lãnh đạo chi nhánh văn phòng ký từ 2 năm nay.
Mỗi nơi một kiểu
Chúng tôi phản ánh rằng ở địa phương khác, người dân không cần giấy ủy quyền khi muốn xem quy hoạch; thủ tục này khiến người dân mất thời gian và không cần thiết.
Sau khi nghe góp ý, cán bộ chỉ chúng tôi đến gặp ông Võ Văn An, Giám đốc chi nhánh. Tiếp đó, ông An hướng dẫn chúng tôi đến gặp người phụ trách công tác quy hoạch xã An Nhơn Tây. Tại đây, cán bộ yêu cầu chúng tôi làm thủ tục ở khu vực tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ. Chúng tôi kiên nhẫn trình bày, cán bộ đành “linh hoạt” giải quyết. Quy định phức tạp ở huyện Củ Chi khiến nhiều người ngại gõ cửa cơ quan chức năng.
Tra cứu quy hoạch chưa được thuận tiện ảnh 1 Người dân gặp khó khi xem quy hoạch vì không có chuyên môn về xây dựng (Ảnh: Bản quy hoạch tại UBND thị trấn Củ Chi). Ảnh: MẠNH HÒA
Thay vì liên hệ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện, người dân… nhờ “cò nhà đất”. Tiếp xúc với anh B., chuyên môi giới nhà, đất ở xã An Nhơn Tây, chúng tôi nhận được lời khuyên không nên ghé huyện vì tốn thời gian.
Thậm chí, anh B. “nổ” rằng mình quen biết rất nhiều sếp trên đấy (UBND quận - PV). Ai có nhu cầu chỉ cần báo số thửa đất, số bản đồ là có kết quả ngay, không cần đi lại, chờ đợi. Tiền công tính luôn trong phí môi giới. Nếu muốn “soi” nhà, đất không phải do anh này giới thiệu thì ê kíp xin “ít tiền cà phê”. Chúng tôi bày tỏ lo ngại khi nhận kết quả qua điện thoại, không có bất kỳ văn bản nào của cơ quan chức năng, anh B. khẳng định: “Nhà anh ở đây, có chuyện gì cứ tìm đến. Phải tin nhau chứ!”.
Đến UBND phường 2, quận 8 (TPHCM) hỏi thông tin quy hoạch của căn nhà trong hẻm số 35 Đặng Chất, chúng tôi được cán bộ giải thích thông tin quy hoạch phường cung cấp chỉ mang tính chất tham khảo. Người dân nên đến UBND quận nếu muốn có căn cứ chắc chắn. Tại UBND quận 8, người dân trực tiếp đến Tổ Quy hoạch (thuộc Phòng Quản lý đô thị) và nhận kết quả trong vòng từ 3 - 5 phút. 
Khi chúng tôi ngỏ ý muốn xem quy hoạch ở phường, cán bộ địa chính xây dựng Nguyễn Văn Nhân xem giấy tờ rồi chỉ rõ căn nhà vướng quy hoạch mở rộng hẻm. UBND phường 2 công khai quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn tại phòng tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính. Song, bản quy hoạch trên đã… lỗi thời. Đó là quy hoạch tới năm 2010.
Theo quan sát của phóng viên, người dân ra vào làm thủ tục về địa chính - xây dựng nhiều, nhưng không xem bảng quy hoạch. Ở nhiều xã, phường khác, phóng viên ghi nhận tình hình tương tự. 
Chờ điều chỉnh
Hiện một số quận, huyện trên địa bàn TPHCM đã đưa vào ứng dụng phần mềm công nghệ thông tin giúp người dân tự “soi” quy hoạch (các quận 9, Thủ Đức, Bình Thạnh…).
Theo ông Dương Đình Thắng, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh, kinh phí và cách thức thiết lập mọi ứng dụng không phức tạp. UBND quận Bình Thạnh thống kê, đến nay, 5.000 người dân đã tải ứng dụng và sử dụng thường xuyên.
Dù không giám sát lượng truy cập, nhưng ông Thắng ghi nhận từ khi cách thức tra cứu quy hoạch qua mạng internet tham gia công tác quản lý đất đai, số lượng người dân đến trụ sở UBND quận làm thủ tục xem quy hoạch giảm hẳn.
Nhờ vậy, cán bộ lĩnh vực này có thời gian giải quyết công việc khác. “Đây là một trong những đổi mới nổi bật về cải cách hành chính. Nếu mọi định hướng điều hành đều chú trọng chất lượng phục vụ người dân, thì việc đưa thông tin quy hoạch lên mạng internet hay hướng dẫn người dân sử dụng không có gì khó”, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Thạnh nhấn mạnh. 
Ở quận Bình Tân, nhiều người dân thắc mắc về việc cơ quan chức năng chưa cập nhật thông tin quy hoạch trên địa bàn quận lên mạng internet như địa phương khác. Người dân muốn xem vẫn phải đến trụ sở UBND quận làm thủ tục và chờ kết quả.
Bà Huỳnh Thị Thúy Lạc, Trưởng phòng Nội vụ UBND quận Bình Tân, cho biết quận có đưa thông tin quy hoạch tổng thể trên địa bàn lên website UBND quận. Do quy hoạch chi tiết từng khu vực vẫn đang chờ kết quả điều chỉnh từ cấp trên, nên quận chưa thể cập nhật cụ thể quy hoạch tại trụ sở UBND phường hoặc trên website UBND quận. Vì vậy, muốn biết quy hoạch chi tiết từng căn nhà, lô đất, người dân cần trực tiếp đến cơ quan chức năng nhận văn bản trả lời.
Trước thực trạng trên, UBND TPHCM đã yêu cầu Sở Quy hoạch - Kiến trúc hoàn tất phần mềm tra cứu tình trạng đất đai trong năm 2017. Với phần mềm trên, người dân có nhu cầu sẽ sử dụng điện thoại thông minh để tra cứu tình trạng thửa đất. Cách thức tiếp cận này vừa giúp người dân có thông tin chính xác, vừa tránh tình trạng cán bộ làm khó, tiêu cực, nhũng nhiễu và tránh nguy cơ người dân bị lừa khi mua bán.

Tin cùng chuyên mục