Trả ơn cho đời

Mỗi chiều, sau giờ làm ở tiệm cắt tóc, anh Nguyễn Trung Toàn lại đạp xe từ quận Gò Vấp tới trước Bệnh viện Ung bướu TPHCM (quận Bình Thạnh), đứng trên vỉa hè dưới chân cầu bộ hành cắt tóc miễn phí cho các bệnh nhân nghèo, người lang thang cơ nhỡ.
Trả ơn cho đời

Mỗi chiều, sau giờ làm ở tiệm cắt tóc, anh Nguyễn Trung Toàn lại đạp xe từ quận Gò Vấp tới trước Bệnh viện Ung bướu TPHCM (quận Bình Thạnh), đứng trên vỉa hè dưới chân cầu bộ hành cắt tóc miễn phí cho các bệnh nhân nghèo, người lang thang cơ nhỡ.

Trung bình, mỗi chiều anh cắt cho hơn chục người. Riêng chủ nhật, anh cắt tóc cả ngày, có thể giúp cho hơn 30 người. Mọi người giới thiệu cho nhau nên khách ngày càng thêm đông, có nhiều khi khách đến nhờ cắt tóc phải đứng đợi tới lượt. Bộ đồ nghề của anh tự sắm sửa chỉ gồm có cây kéo, chiếc tông đơ cũ, dao cạo, lược, bình phun nước và vài dụng cự đơn giản, nhưng đã giúp bao nhiêu người nghèo có được mái tóc gọn gàng.

Ngày nào anh Toàn cũng đến vỉa hè dưới chân cầu bộ hành cắt tóc miễn phí cho các bệnh nhân nghèo, người lang thang cơ nhỡ.

Anh Toàn (28 tuổi, quê ở Bình Thuận) sinh ra trong gia đình nghèo khó có 7 anh em. Trước đây, anh vào thành phố học Trường Đại học Công nghiệp TPHCM, ngành ô tô, nhưng khi ra trường, cảm thấy ngành không hợp với mình, anh chuyển qua học cắt tóc và làm thuê cho một tiệm tóc nhỏ. Ngoài ra, anh còn làm phụ bếp ở quán của người quen để kiếm thêm thu nhập. Anh Toàn kể: “Hồi còn đi học, những lúc hết tiền ăn cơm, mình thường xuyên ra Bệnh viện Ung bướu để nhận cơm hộp miễn phí của những người hảo tâm giúp bệnh nhân nghèo. Mình là con nhà nghèo, nên khi ăn cơm vẫn luôn tự nhủ rằng sau này ra trường sẽ quay lại đây giúp đỡ các bệnh nhân nghèo, để họ vơi đi nỗi nhọc nhằn trong cuộc sống. Khi học xong nghề cắt tóc, mình tới đây, thấy nhiều người bệnh luộm thuộm với mái tóc bết mồ hôi hoặc đầu tóc cạo nham nhở, trong lòng dậy lên sự thương cảm, muốn giúp cắt tóc cho họ”. Ngày chủ nhật, khách đông, đến giữa trưa vẫn còn khách chờ, Toàn vừa cắt tóc cho khách, vừa nói: “Mình làm việc thiện thì lẽ nào lại ngại khó khăn, chuyện mưa nắng không hề hấn gì đâu. Mỗi lần cắt xong cho khách, lại thấy vui vui trong lòng, cảm thấy hạnh phúc khi mình đã làm một việc tuy chẳng gì to tát nhưng cũng có ý nghĩa”.

Thấy anh Toàn có cái tâm giúp đỡ người nghèo nên mọi người ở đây rất quý mến, nhiều người muốn trả tiền cắt tóc nhưng anh đều từ chối. Chú Tư, từ Bạc Liêu lên chăm sóc vợ nằm viện ở đây, cảm kích: “Vợ tôi nằm viện nhiều ngày, chi phí rất tốn kém, nhà nghèo nên cả việc cắt tóc tôi cũng phải tằn tiện. Tôi ra đây nhờ anh Toàn cắt tóc giùm, thấy đẹp không khác gì cắt tóc ở tiệm, cảm động nghĩ anh Toàn đã giúp cho tôi có thêm được dĩa cơm 20.000 đồng”. Chú Thành chạy xe ôm đã hơn 10 năm đón khách trước Bệnh viện Ung bướu nói: “Nhờ cháu Toàn mà nhiều người nghèo có mái đầu đẹp. Đó thực sự là một chàng trai trẻ tốt bụng, nhiệt thành giúp người nghèo”.

Ngày nào cũng vậy, đến khi trời tối, đường phố đã lên đèn nhưng anh Toàn vẫn nán lại để cắt tóc cho mọi người. Mong ước của anh Toàn sẽ mở được một tiệm cắt tóc miễn phí dành cho người nghèo, để khách của mình không còn phải ngồi trên vỉa hè chịu nắng nóng như bây giờ. Việc làm bình dị mà hào hiệp của anh Toàn là một trong những câu chuyện đẹp về tình người luôn ấm áp ở TPHCM.

LÊ VI

Tin cùng chuyên mục