Trách nhiệm cơ quan chuyên trách ở đâu?

Truyền thông đã nói nhiều về tour giá rẻ, mạo danh thương hiệu, chụp giựt khách hàng của những doanh nghiệp (DN) lữ hành “dỏm”. Thế nhưng, dù từng bị xử phạt, thậm chí tước giấy phép kinh doanh, nhưng các công ty lữ hành “dỏm” hiện vẫn hoạt động ầm ĩ, ăn nên làm ra vào mùa cao điểm.
Cách đây không lâu, Báo SGGP đã phản ánh về trường hợp một bạn đọc bị xe tông bên Singapore khi tham gia tour của công ty V. nhưng không được bảo hiểm bồi thường, đến nay vụ việc đã… chìm vào quên lãng. Người bị tai nạn đang phải cắn răng chịu đựng cho cuộc phẫu thuật lần 3 trong tháng 4 này, với tổng số tiền tiêu tốn cho vụ tai nạn lên tới vài trăm triệu đồng. Kỳ lạ ở chỗ, công ty này từng bị Thanh tra Sở Du lịch TPHCM xử phạt nhiều lần, nhưng DN không ngán.
Đáng ngại hơn, dịp nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, lễ 30-4 và 1-5 này, công ty V. tiếp tục nhắn tin đến từng thuê bao di động rao bán hàng loạt tour giá rẻ, với lời chào mời không thể “ngọt” hơn, cùng mức giá siêu mềm. Ví dụ, tour Đài Loan, đã bao gồm vé máy bay khứ hồi Vietnam Airlines nhưng giá bán chưa tới 9 triệu đồng; tour Hàn Quốc chưa tới 10 triệu đồng… Không chỉ công ty V., ồ ạt đua khuyến mãi mùa lễ này còn có sự tham gia của nhiều hãng lữ hành mới mở trên địa bàn TPHCM. 
Mua tour du lịch khác với mua các sản phẩm thông thường ở chỗ trả tiền trước, trải nghiệm sau. Nói như một chuyên gia du lịch thì, người mua được “ăn bánh vẽ” trước, sau đó mới có cơ hội kiểm chứng sự thật. Do vậy, không ít hãng lữ hành mới nổi sẵn sàng “bắt khách” bằng bất kỳ giá nào. Vì với cách làm ăn vô trách nhiệm, không cần đến uy tín của họ thì đằng nào khách cũng chỉ mua tour một lần trong đời. Nên bán được tour, xong tour tức là hết trách nhiệm. Thậm chí, nếu rủi ro xảy ra thì DN cũng cố tình cù cưa, viện đủ lý do để phủi trách nhiệm, trừ trường hợp có rủi ro chết người, cơ quan chức năng đồng loạt vào cuộc kiểm tra thì DN mới xuất đầu lộ diện. 
Không chỉ tranh bán hàng giá rẻ, kém chất lượng với các tour bị cắt đầu, xén đuôi (bỏ bớt dịch vụ, đồ ăn qua loa, chỗ nghỉ ngơi tạm bợ…), những hãng lữ hành dạng này còn có tên gọi na ná nhau, nhái thương hiệu, tới mức người tiêu dùng không thể phân biệt được. Chẳng hạn như, đã có Công ty Xtourist, lại xuất hiện Công ty Xttourist (thêm một chữ “t”), hoặc DN “dỏm” cũng không ngại ngần chơi trò đánh lận con đen, đảo chữ, đảo thương hiệu của các hãng lữ hành tên tuổi thành thương hiệu của mình.
Tất nhiên, ở Việt Nam chuyện này không mới, các hãng lữ hành có thương hiệu từng nhiều lần mệt mỏi, tốn tiền đi kiện tụng nhưng không giải quyết được vấn đề. Nhìn qua nước bạn Thái Lan, câu chuyện cấp phép kinh doanh cho các thương hiệu mới được giám sát rất chặt.
Theo một hãng lữ hành tại Thái Lan cho biết, tên của DN mới đăng ký nhưng trùng tên với một khách sạn, một thương hiệu du lịch nào đó, hoặc có khả năng gây nhầm lẫn cho khách hàng sẽ bị từ chối cấp phép. Thêm nữa, các DN nước bạn cũng thường xuyên hỗ trợ nhau kiểu “buôn có bạn, bán có phường”. Giá tour bán cho khách luôn thống nhất, hiếm có tình trạng hạ giá, “cạnh tranh bẩn” giữa những người cùng ngành nghề. 
Trong bối cảnh hiện nay, các DN lữ hành dỏm làm ăn chụp giựt nhưng vẫn được cấp phép tràn lan, đồng nghĩa với việc môi trường du lịch nước ta bị xẻ thịt, xâu xé. Dẫn đến nguy cơ không chỉ khách nội địa quay lưng với du lịch trong nước, mà khách nước ngoài cũng xem xét kỹ càng hơn khi đến Việt Nam cũng như khả năng quay trở lại Việt Nam.
Chưa kể, tour giá rẻ, kém chất lượng luôn tiềm ẩn những rủi ro cho khách, mà không phải người tiêu dùng nào cũng đủ thông minh để bảo vệ mình. Vậy trách nhiệm của các cơ quan chuyên trách ở đâu, đặc biệt là ngành du lịch TPHCM trong việc cảnh báo về các DN “dỏm”? 
Câu hỏi này hiện vẫn còn bỏ lửng... 

Tin cùng chuyên mục