Trách nhiệm với lời hứa

Sự trở lại của Thủ tướng Mahathir Mohamad đã đánh dấu bước thay đổi lớn trên chính trường Malaysia khi chấm dứt 60 năm cầm quyền của liên minh Barisan Nasional (BN). 
Thủ tướng Mahathir Mohamad. Nguồn: TTXVN
Thủ tướng Mahathir Mohamad. Nguồn: TTXVN

Nhưng sau kỳ tích này, Thủ tướng Mahathir và chính phủ của mình sẽ phải nhanh chóng tìm cách hiện thực hóa những chương trình đã đề ra. Trong cương lĩnh tranh cử của mình, đảng PH của ông Mahathir cam kết trong vòng 5 năm tới sẽ tập trung thực hiện 60 lời hứa, được chia thành 5 trụ cột, nhằm tạo dựng một đất nước Malaysia tốt đẹp hơn trên các khía cạnh kinh tế, quan hệ sắc tộc, đối ngoại và quản trị chính phủ nhằm định hình cả chính sách đối nội lẫn đối ngoại của Malaysia trong thời gian tới.

Đảng PH cam kết, trong vòng 100 ngày đầu tiên nắm quyền, sẽ thực hiện 10 lời hứa. Đầu tiên là xóa bỏ khoản thuế hàng hóa và dịch vụ 6% đang áp dụng, nhưng đây lại là nguồn thu quan trọng của chính phủ, đóng góp trên 10 tỷ USD vào ngân sách hàng năm. Muốn xóa bỏ thuế để đáp ứng mong mỏi của cử tri, chính phủ mới phải tìm kiếm nguồn thu thay thế nếu không muốn ngân sách bị thâm hụt.

Ngoài ra, PH còn cam kết thực hiện các chương trình phúc lợi xã hội khác, như cho phép tạm dừng đóng phí học đại học cho những người có thu nhập dưới 4.000 ringgit/tháng, tăng lương tối thiểu cho người lao động, trợ cấp giá xăng dầu… Tất cả đòi hỏi nguồn ngân sách lớn. Đây là bài toán không dễ dàng đối với chính phủ mới, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Malaysia vẫn chưa thực sự thoát khỏi những khó khăn hiện nay.

Đặc biệt, Chính phủ của ông Mahathir sẽ phải nhanh chóng giải quyết bài toán liên quan đến chi phí sinh hoạt cho người dân. Chính phủ của ông Najib thời gian qua từng bước giảm trợ cấp cho những mặt hàng chủ chốt này khiến các cử tri Malaysia không hài lòng. Để giải quyết được vấn đề này, chính phủ mới sẽ phải đối mặt với thách thức tìm đâu ra nguồn thu để hỗ trợ giá.

Trong thời gian tranh cử, đảng của ông Mahathir rất quan tâm đến hoạt động chống tham nhũng và thu hồi lại nguồn ngân sách bị thất thoát. Ông Mahathir coi đây là hoạt động quan trọng để chấn chỉnh đất nước và làm trong sạch bộ máy công quyền. Thực hiện đúng cam kết giải quyết những vụ bê bối chính trị và kinh tế trong thời gian vừa qua tại Malaysia, trong có vụ lùm xùm thất thoát tài sản của Quỹ 1MDB, một trong những hoạt động đầu tiên của chính phủ mới là mở rộng điều tra các cá nhân liên quan đến hoạt động của quỹ này.

Về quan hệ đối ngoại, ông Mahathir cũng đặt mục tiêu cải thiện hình ảnh đất nước mà ông đánh giá là đã bị “sa sút” trong những năm gần đây. Đáng chú ý, sau chiến thắng, ông Mahathir tuyên bố sẽ đàm phán lại một số thỏa thuận liên quan đến sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc nếu cần thiết.

Ngay từ trước thềm cuộc bầu cử, ông Mahathir đã nhiều lần sử dụng cụm từ “quan hệ một chiều” để nói về sự phụ thuộc của Malaysia đối với đồng vốn Trung Quốc trong chuỗi hoạt động đầu tư nằm trong sáng kiến Vành đai, Con đường. Sự ra đi của cựu Thủ tướng Najib Razak khiến Bắc Kinh không khỏi lo lắng khi nước này đang đứng thứ 6 trong danh sách các đối tác bên ngoài đầu tư nhiều nhất vào Malaysia.

Giới phân tích cho rằng, dù không mấy ủng hộ quan hệ đồng minh thân thiết với Bắc Kinh như hiện nay, nhưng ông Mahathir vẫn phải xem Trung Quốc là một đối tác và cần đưa ra một chính sách ngoại giao cân bằng hơn để giảm bớt sự phụ thuộc vào nền kinh tế số 2 thế giới.

Tin cùng chuyên mục