Trái phiếu bảo vệ động vật

Tổ chức bảo vệ thiên nhiên Conservation Capital có trụ sở ở Kenya vừa thông báo, cơ quan này sẽ phát hành một loại trái phiếu chuyên biệt để huy động nguồn tài chính dành cho công tác bảo vệ loài tê giác đen châu Phi.
Tê giác đen châu Phi
Tê giác đen châu Phi

Với kỳ hạn 5 năm, đây là loại trái phiếu đầu tiên trên thế giới phát hành với mục đích bảo tồn động vật hoang dã.

Có tổng trị giá phát hành 50 triệu USD, trái phiếu có tên Rhino impact bond (RIB) này sẽ được đưa ra bán vào năm 2020 và nhắm vào đối tượng khách hàng có thu nhập cao có mối quan tâm đến công tác bảo vệ thiên nhiên hoang dã. Tuy nhiên, Conservation Capital cho biết, sau khi đáo hạn, các nhà đầu tư trái phiếu sẽ nhận lại khoản tiền gốc trong khi phần lợi nhuận chỉ được chi trả trong trường hợp số lượng cá thể tê giác có sự tăng trưởng. Số tiền huy động từ RIB được sử dụng để bảo tồn loài tê giác đen tại 5 khu vực của Nam Phi và Kenya, nơi hiện có khoảng 700 cá thể đang sinh sống. Theo Conservation Capital, mục tiêu của dự án phát hành trái phiếu nhằm giúp nâng tổng số cá thể tê giác đen tại các khu vực trên lên 10% trong vòng 5 năm tới. Hiện chỉ còn khoảng 5.500 cá thể tê giác đen đang sinh sống tại châu Phi và phân bố chủ yếu tại khu vực miền Nam lục địa này, giảm đáng kể so với 65.000 cá thể trong năm 1970.

Trước đó, các nhà bảo vệ thiên thiên Nam Phi cho biết, họ đã thành công trong việc bảo tồn gần 700 cá thể tê giác sau khi tiêm một hỗn hợp thuốc độc chuyên dụng vào sừng khiến các cá thể này không còn giá trị đối với những toán đi săn trộm tê giác với mục đích lấy sừng. Hỗn hợp bao gồm thuốc độc và dung dịch nhuộm màu trực tiếp vào sừng. Trong khi thuốc độc sẽ khiến sừng không thể sử dụng với mục đích chữa bệnh, dung dịch nhuộm màu có khả năng thẩm thấu sâu sẽ khiến sừng không còn giá trị trưng bày.

Tin cùng chuyên mục