Trái tim thông tin SK11

Ở độ cao 837m so với mực nước biển, núi Chứa Chan (tỉnh Đồng Nai) quanh năm mây trùm kín đỉnh. Ít ai biết, ẩn trong những tầng mây, cán bộ, chiến sĩ Trạm thông tin SK11 (thuộc Đại đội 4, Tiểu đoàn 44, Lữ đoàn Thông tin 23, Quân khu 7) âm thầm bám địa bàn, biến đỉnh núi Chứa Chan thành nơi trung chuyển tin tức giữa Bộ Tư lệnh Quân khu 7 với các đơn vị trên địa bàn. 
Chiến sĩ Trạm thông tin SK11 kiểm tra cột thu phát sóng
Chiến sĩ Trạm thông tin SK11 kiểm tra cột thu phát sóng
Đầu mối thu, phát thông tin 

Năm 2002, Lữ đoàn Thông tin 23 xây dựng Trạm thông tin SK11 trên đỉnh núi Chứa Chan. Trạm nhận nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc bằng máy vô tuyến điện sóng cực ngắn và máy Viba. Thông qua trạm, sở chỉ huy điều hành thông tin hiệp đồng giữa các đơn vị một cách kịp thời, chính xác, bí mật. Hiện ngoài đỉnh núi, đơn vị xây thêm trụ sở dưới chân núi làm nơi duy trì nề nếp chế độ, tăng gia sản xuất. 

Trung úy Nguyễn Hoàng Giang, Trạm trưởng Trạm thông tin SK11, cho hay phòng kỹ thuật trang bị 3 máy vô tuyến điện sóng cực ngắn thế hệ VRU 812, 3 máy thế hệ PRC 25, máy thông tin Viba. Đây là “trái tim” của đơn vị. Hàng ngày, trạm trưởng và một chiến sĩ chuyên nghiệp thay phiên nhau trực ở trạm trên và trạm dưới, cắt cử chiến sĩ trực theo lịch. Cụ thể, một người trực máy Viba, một người trực máy sóng cực ngắn. Hai người ngồi trước máy suốt thời gian trực, không có lệnh thì không được phép rời vị trí. Trung úy Nguyễn Hoàng Giang giải thích: “Thông tin thường đến theo những giờ giấc nhất định. Tuy nhiên, một số tín hiệu báo động thì có thể đến bất kể giờ nào. Do đó, cán bộ, chiến sĩ có mặt ở phòng máy 24/24 giờ, nhận tín hiệu báo động quân khu chuyển xuống rồi phát tín hiệu đi theo đúng yêu cầu. Sau đó, trạm nhận phản hồi từ các đơn vị và báo về chỉ huy. Chỉ huy thường xuyên gọi từ tổng trạm ở sở chỉ huy lên đây để giám sát, kiểm tra ca trực. Vì thế, tập thể cán bộ, chiến sĩ luôn trong tư thế sẵn sàng tác chiến. Dù đóng quân ở xa nhưng không ai lơ là”.

Trang thiết bị đơn vị bảo quản, sử dụng có đặc thù khác nhau, đòi hỏi người điều khiển có kiến thức thông tin sâu, phong phú. Thông tin ở máy Viba đi bằng đường dây dẫn, nhanh hơn, tải dung lượng lớn hơn. Thông tin vô tuyến điện sóng ngắn chủ yếu đi bằng sóng. Nói dễ hiểu, máy sóng ngắn giống 2 điện thoại liên lạc với nhau; máy Viba giống nhiều điện thoại liên lạc với nhau cùng một lúc. Máy Viba dùng trong trường hợp thời tiết sấm sét, mưa dông, sóng nhiễu, máy vô tuyến điện sóng cực ngắn không thể phát huy hiệu quả. 
Nhớ lại kỷ niệm nghề nghiệp, cán bộ, chiến sĩ Trạm thông tin SK11 đều nhắc đến lần trang bị gặp trục trặc năm 2016. Chiến sĩ Cáp Văn Hóa kể, khi ấy sét đánh dữ dội nên đường dây thông tin cháy, một số thiết bị hư hỏng. Ngay trong đêm, trạm báo cáo lên trên, chỉ huy leo lên núi. Cấp trên hướng dẫn đơn vị tháo rời từng bộ phận để vác xuống núi, mang về trạm sửa chữa. Đường đi nguy hiểm mà máy móc cồng kềnh, anh em trong đơn vị vừa đi, vừa tận lực tránh rung lắc, va đập. Sửa chữa hoàn tất, các anh tiếp tục mang máy lên lưng, tải lên đỉnh núi. 

Bộ đội đi, vách đá hóa đường mòn

Không chỉ máy móc mà tất cả đồ đạc, thực phẩm, nhu yếu phẩm phục vụ công tác, sinh hoạt đều được vận chuyển lên trạm bằng sức người, qua lối mòn trong núi. Lên trạm có 2 đường mòn, một đường đi bộ mất hơn 2,5 giờ, một đường mất khoảng 1,5 giờ di chuyển nhưng dốc cao, vách đá cheo leo. Nếu mang theo tiếp phẩm, đồ đạc thì thời gian di chuyển dài gấp đôi. Anh em trong đơn vị thường chọn lối đi có vách đá để rút ngắn thời gian di chuyển. Đại tá Nguyễn Hoàng Hải, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Thông tin 23, nhớ lại ngày xưa từ chân núi lên đỉnh núi chỉ có cây cỏ, vách đá. Từ khi xây trạm, bộ đội đi nhiều, vách đá cũng thành đường mòn. 
Trông cậy nước... ông trời
Đơn vị tận dụng nước ở khe núi chảy ra làm nước sinh hoạt. Khe nước cách trạm hơn 100m, đường đi toàn dốc dựng đứng 60 độ. Trước năm 2014, mọi người xuống vác nước lên trạm. Mỗi lần xuống tắm, mỗi người mang theo can 20 lít để vác nước lên. Nước khe núi nhìn rất trong nhưng nhiễm phèn nặng; chỉ dùng tắm rửa, giặt giũ, còn nước nấu ăn... đành trông cậy vào ông trời (dùng nước mưa dự trữ).
Một ca trực ở trạm dài từ 4 - 5 ngày. Bốn cán bộ, chiến sĩ phụ trách 1 kíp trực. Lúc thay ca, 3 người trong ca tiếp theo sẽ lên đỉnh núi trước, người còn lại trực ở trạm dưới chân núi. Khi 3 người lên đến trạm, 4 người ca trước xuống dưới thì người kia sẽ lên. Mọi người hay gọi vui đó là... “ca chợ” vì kíp lên trực tải theo hàng hóa, lương thực. Mỗi lần thay ca, mỗi cán bộ, chiến sĩ lưng “cõng” 15kg lương thực, nhu yếu phẩm, tay chống gậy, men theo lối mòn, vách đá lên trạm. Ở trạm, song song công việc trực phòng máy, mọi người phân công phát quang xung quanh đơn vị, trồng rau, chăn nuôi. Đại úy Phạm Thành Trung, Đại đội trưởng Đại đội 4, chia sẻ đất ở đây bạc màu, xói mòn, khó tăng gia sản xuất. Đơn vị đào cống cho nước sinh hoạt chảy xuống mảnh vườn trồng rau lang. Mùa lạnh, mây mù phủ kín đỉnh núi, nhiệt độ buổi tối xuống mười mấy độ nên gia súc, gia cầm khó thích nghi. Có đàn gà chưa đầy 10 con, cả đơn vị chăm bẵm kỹ. Các anh làm chuồng kín, đảm bảo nhiệt độ ấm, không để gió, sương lùa vào trong. Không chỉ vậy, từ tháng 7 - 9 hàng năm, mưa nhiều, không khí ẩm ướt, củi không có để nấu nướng. Thời gian này, một bộ đồ phơi 5 ngày chưa khô; củi nấu không có. Mưa, sấm sét nhiều, đường lên xuống trơn trượt, nguy hiểm. 

Dù thế, mọi hoạt động ở trạm chưa từng gián đoạn.

Tin cùng chuyên mục