Trái tim và trách nhiệm

Bà Sanni Grahn Lassnosen, nữ Bộ trưởng Giáo dục và Văn hóa đầu tiên của Phần Lan, không chỉ thu hút mọi người bằng nụ cười thân thiện và tác phong nhanh nhẹn mà còn gây ấn tượng mạnh với thế giới qua một chương trình giáo dục phổ thông cải cách thật sự hiện đại, bắt đầu từ năm 2016.
Chân dung Bộ trưởng Sanni Grahn-Laasonen
Chân dung Bộ trưởng Sanni Grahn-Laasonen
Chương trình cải cách giáo dục phổ thông mới này chỉ xoay quanh 2 mục tiêu: giáo dục học sinh có trái tim và học như thế nào để có trách nhiệm trong tương lai.
Ông Olli-Pekka Heinoen, Tổng Vụ trưởng Cơ quan Quốc gia về giáo dục Phần Lan, cho biết mặc dù được đánh giá là có nền giáo dục phổ thông tốt nhất thế giới, nhưng nước này vẫn không ngừng đổi mới giáo dục. Con người hiện giờ có thể sống đến trăm tuổi và do đó vòng đời “sinh ra, lớn lên, đi học, đi làm rồi về hưu” sẽ được “quay” theo một cách khác. Đón đầu xã hội tương lai khi trí tuệ nhân tạo phát triển, Phần Lan xác định 7 kỹ năng cốt lõi để hình thành nên những cá nhân “giàu tính người và có trách nhiệm công dân” trong tương lai.
“Trái tim con người quan trọng hơn tất thảy. Những tố chất của con người mà máy móc không có được như ham học hỏi, ham hiểu biết, đồng cảm với người khác sẽ là mục tiêu mà giáo dục vun đắp”, ông Olli-Pekka Heinoen nói.
Các quan chức giáo dục Phần Lan đều nhấn mạnh đến mục tiêu của cải cách giáo dục phổ thông là phát triển lòng nhân ái cho học sinh; đào tạo học sinh trở thành con người hoàn chỉnh, không chỉ thấy vấn đề trong cộng đồng mình mà còn góp sức cho nhân loại. Mục tiêu của việc học là tự chủ, học qua tương tác, học cả đời và giúp cho học sinh tự nhận biết mình và tự tin.
Đi vào phương pháp kỹ thuật của chương trình cải cách, bà Anneli Rautiainen, Giám đốc Trung tâm đổi mới giáo dục Phần Lan, cho biết học sinh Phần Lan có khá nhiều thời gian dành cho gia đình (số giờ học trên lớp khoảng 19 - 20 giờ/tuần). Vì vậy, ở trường quan trọng nhất là dạy cho trẻ biết tự học. Giáo dục Phần Lan đang chuyển đổi từ “học cái gì” sang “học thế nào”. Trong quá trình này, học sinh và giáo viên sẽ trao đổi với nhau nhiều hơn. Từ một chương trình gọn nhẹ của cả nước, hiệu trưởng và giáo viên sẽ biến đổi cho phù hợp, chủ động xây dựng kế hoạch bài giảng của mình.
Nữ bộ trưởng Sanni Grahn Lassnosen giới thiệu, thành công của giáo dục nước này nằm ở đội ngũ giáo viên chất lượng cao, được tuyển chọn chặt chẽ. Lương giáo viên ở Phần Lan không cao bằng bác sĩ, nhưng nghề giáo là nghề cao quý và được xã hội tôn trọng. Khi đổi mới hay làm bất cứ điều gì trong chương trình giáo dục, bộ cũng luôn mời giáo viên tham gia vào việc hoạch định chính sách, lập kế hoạch. Giáo viên luôn có giá trị và được kính trọng.
Việc xác định rõ triết lý giáo dục đã giúp Phần Lan xây dựng được nền tảng phát triển khá lâu dài. Sự thay đổi về chất lượng đào tạo nhân lực, phát triển con người không thể diễn ra trong một sớm một chiều mà phải trải qua vài thập kỷ. Để cải cách thành công phải có cái nhìn dài hạn trong đổi mới giáo dục; đề ra được triết lý và mục tiêu rõ ràng.
“Chúng tôi có kiểm tra, đánh giá nhưng mức độ không giống các bạn. Chúng tôi cũng không có hệ thống thi cử quốc gia giống các bạn. Để thực hiện đổi mới giáo dục, chúng ta phải bắt đầu từ chính chúng ta chứ không thể copy từ nơi khác. Điều quan trọng đổi mới giáo dục phải là sự tham gia cùng nhau của cả cộng đồng chứ không chỉ riêng ngành giáo dục” - Chia sẻ của bà Anneli Rautiainen rất đáng để suy ngẫm!

Tin cùng chuyên mục