Trả lời bài báo “Đất quy hoạch ga Bình Triệu: Xây nhà trái phép, lấn rạch tràn lan”

Cưỡng chế, tháo dỡ những nhà vi phạm xây dựng

Cưỡng chế, tháo dỡ những nhà vi phạm xây dựng

Cưỡng chế, tháo dỡ những nhà vi phạm xây dựng ảnh 1

Lấn chiếm rạch thoát nước để cất nhà tại phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức.
Ảnh: SONG PHA

Ngày 23-9, Báo Sài Gòn Giải Phóng có bài “Đất quy hoạch ga Bình Triệu: xây nhà trái phép, lấn rạch tràn lan”. Sau khi báo đăng, ông Lê Văn Lộc, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức có ý kiến trả lời như sau:

Từ đầu năm 2006 đến nay, UBND quận Thủ Đức và phường Hiệp Bình Chánh đã lập biên bản xử lý 332 trường hợp xây dựng, sửa chữa nhà không phép.

Trong số này, UBND quận đã ban hành 267 quyết định buộc tháo dỡ công trình và phạt tiền vi phạm hành chính. Riêng tại khu phố 2 và 6, đã lập biên bản và ra quyết định xử lý 187 trường hợp xây dựng không phép, trong đó có 17 trường hợp xây dựng, san lấp kênh rạch trái phép.

Tới đây, UBND quận sẽ tiến hành cưỡng chế 11 hộ với số lượng nhà buộc tháo dỡ là 15 căn tại khu phố 2. Đây là những căn nhà bị lập biên bản đình chỉ xây dựng, xử phạt hành chính nhiều lần nhưng vẫn tái phạm. Về phía chính quyền địa phương, thời gian qua đã tích cực ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp xây dựng không phép, trái phép. 

- Thưa ông, chính quyền đã xử lý nghiêm nhưng tình trạng vi phạm xây dựng vẫn tiếp tục gia tăng, vì sao? 

Khu đất quy hoạch xây dựng ga Bình Triệu mở rộng có diện tích 41,5 ha, mới có quy hoạch tỉ lệ 1/2000 (theo Quyết định số 839/KTST-QH ngày 18-3-2002). Đến nay, chủ đầu tư dự án chưa triển khai xây dựng công trình; chưa có phương án giải tỏa đền bù đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của nhiều hộ dân sống trong khu vực. Hiện nay, việc xin sang nhượng đất, mua bán nhà, xây cất nhà ở trong khu vực này không được chính quyền địa phương giải quyết.

Trong khi đó, phần nhiều căn nhà cấp 3 - 4 của người dân bị dột nát, đang cần được sửa chữa, xây dựng mới để ở. Một số người dân có nhu cầu xây dựng nhà cho con cái lập gia đình ra ở riêng. Bên cạnh đó, do khu đất ở đây gần với nội thành nên thu hút người dân bị giải tỏa và người ở các tỉnh thành khác đến tìm mua nhà, mua đất cất nhà ở khá cao.

Trong khi đó, từ nhiều năm qua, sản xuất nông nghiệp tại địa phương không có hiệu quả nên nhiều người muốn chuyển nhượng đất để có tiền làm vốn kinh doanh. Vì xin phép không được nên người dân tự thỏa thuận mua bán đất bằng giấy tay rồi lén lút xây cất nhà ngày càng nhiều khiến cho cán bộ phường xử lý không xuể.

- Dư luận cho rằng chỉ cần đưa 4-5 triệu đồng cho một vài cán bộ phụ trách về quản lý đô thị thì việc cất nhà trái phép sẽ êm xuôi, sau đó được cấp số nhà và có đồng hồ điện?

Tôi có nghe vấn đề này. Chúng tôi rất mong muốn người dân mạnh dạn cung cấp bằng chứng cụ thể để làm cơ sở xử lý cán bộ có tiêu cực. Vừa qua, nhận được một số phản ánh, tố cáo của người dân, UBND phường Hiệp Bình Chánh cũng đã tiến hành xử lý kỷ luật 4 cán bộ thuộc Tổ trật tự đô thị và thuyên chuyển công tác 2 nhân viên sang làm công tác khác.

Việc cấp số nhà chỉ giải quyết cho các trường hợp xây dựng không phép trước ngày 1-7-2004 theo quyết định 207 của UBND TP; đối với những căn nhà xây dựng trái phép sau thời điểm này, về nguyên tắc chính quyền địa phương không cấp số nhà. Việc gắn đồng hồ điện cho những hộ xây không phép, không thuộc lĩnh vực chúng tôi quản lý.

- Theo ông, làm gì để giải quyết căn cơ vấn đề này?

Trên địa bàn quận có rất nhiều dự án chưa được triển khai xây dựng trong nhiều năm qua, gây khó khăn cho người dân cũng như cho chính quyền địa phương, do đó cần phải đẩy nhanh việc thực thi dự án. Cần làm tốt việc bố trí tái định cư cho các hộ giải tỏa, hạn chế việc đền bù xong rồi để người dân muốn đi đâu mua đất cất nhà thì đi. Những việc này làm tốt sẽ góp phần đáng kể hạn chế tình trạng xây dựng nhà không phép, trái phép.

TRẦN THANH (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục