Trăm năm sân khấu cải lương - Bài 1: “Thánh đường cải lương” - Một thời rực rỡ

Những phù phiếm lấp lánh nhất của ngành công nghiệp biểu diễn dường như không dành cho sân khấu cải lương. Những "thánh đường cải lương" một thời rực rỡ đã đi vào niềm thương, nỗi nhớ của những ai yêu sân khấu...
Bộ môn nghệ thuật truyền thống cải lương có thể được xem là “đặc sản” của vùng đất Nam bộ. Những "thánh đường cải lương" một thời rực rỡ đã đi vào niềm thương, nỗi nhớ của những ai yêu sân khấu. Năm 2018 đánh dấu 100 năm hình thành và phát triển của bộ môn nghệ thuật cải lương. Dẫu không ít thăng trầm nhưng cải lương vẫn sống trong lòng những người mộ điệu.
100 năm qua, lời ca vẫn thiết tha  

Có lẽ, chẳng thể nào liệt kê hết lý do vì sao những giai điệu cải lương và nét đặc sắc của nghệ thuật cải lương 100 năm qua luôn có sức hút đối với nhiều thế hệ khán giả. Nghệ thuật cải lương có tiến trình hình thành với một chặng đường khá dài và trải qua từng giai đoạn gắn liền với lịch sử dân tộc.

Cải lương có những tiền đề khá phong phú và cũng không kém phần phức tạp, từ nguồn gốc nhạc cung đình và ca nhạc Huế vào vùng đất mới Nam bộ, rồi hình thành nhạc lễ Nam bộ đến nhạc tài tử Nam bộ.

Từ đó, khi có điều kiện quá độ, cải lương phát sinh hình thức ca ra bộ đến hát chập và kết quả cải lương ra đời đầu tiên tại Mỹ Tho vào ngày 15-8-1918 với hình thức ca kịch là sân khấu sàn diễn, gọi là sân khấu cải lương. Tại rạp hát Thầy Năm Tú (TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), tuồng hát Kim Vân Kiều được công diễn, đánh dấu sự ra đời của sân khấu cải lương.

Có thể thấy, sân khấu cải lương qua chặng đường phát triển 100 năm đã góp phần tạo nên sự đa dạng trong nghệ thuật biểu diễn với các tên tuổi lớn. Không chỉ có các cá nhân tiêu biểu, nhiều gia đình làm thành gánh hát cũng lừng danh một thời như gánh Đồng Nữ Ban, đoàn Việt kịch Năm Châu, đoàn Thanh Minh - Thanh Nga, gia đình chị em Năm Phỉ - Bảy Nam… Bằng nhiều con đường khác nhau, họ đã góp phần đẩy mạnh sự phát triển, duy trì sân khấu cải lương đến ngày hôm nay.

Tại miền Nam, vào thập niên 1960, sân khấu cải lương phát triển rực rỡ, lấn át ca nhạc và tất cả các loại hình nghệ thuật khác. Không đứng ngoài dòng chảy của lịch sử, cải lương đã góp phần hun đúc tinh thần yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc trong những năm chiến tranh.

Tại hội thảo khoa học “Một thế kỷ hình thành, phát triển của nghệ thuật cải lương (1918 - 2018) - Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển”, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã khẳng định sức hút kỳ lạ của sân khấu cải lương khi chỉ trong ít năm hình thành đã phát triển ở cả 3 miền, hấp dẫn công chúng không chỉ ở các đô thị lớn mà còn ở vùng nông thôn xa xôi, đáp ứng nhu cầu tinh thần - thẩm mỹ của các tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân lao động.

Năm 2013, nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh tại danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại. Đờn ca tải tử là vườn ươm nghệ thuật, tạo nên những sáng tạo mới vô biên và không ngừng, là những viên gạch nền tảng, đã mở ra một chân trời mới cho hoạt động sân khấu cải lương.

Ký ức rưng rưng

Trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 100 năm, nhiều chương trình ý nghĩa, mang đầy tâm huyết của những người yêu cải lương đã cho thấy bộ môn nghệ thuật này vẫn chiếm giữ một vị trí nào đó trong dòng chảy của thời đại mới.

Vở diễn Thầy Ba Đợi quy tụ nghệ sĩ cải lương cả 3 miền có thể được xem là một trong những điểm nhấn của chuỗi hoạt động. Những suất diễn của Thầy Ba Đợi xen lẫn nhiều mái đầu bạc lẫn mái đầu xanh. Một số nghệ sĩ đã rời xa sân khấu cũng bất ngờ khi sự trở lại của mình được đón nhận một cách nồng nhiệt đến vậy.

Trăm năm sân khấu cải lương - Bài 1: “Thánh đường cải lương” - Một thời rực rỡ ảnh 1 Vở diễn Thầy Ba Đợi
Những phù phiếm lấp lánh nhất của ngành công nghiệp biểu diễn dường như không dành cho sân khấu cải lương. Sau những ồn ào, náo nhiệt của đời sống, người nghệ sĩ thấy ấm lòng vì có những khán giả vẫn dành một tình yêu cho cải lương. Với họ, đó đã là niềm hạnh phúc.
Cuối tháng 5, cùng đoàn nghệ sĩ ra Hà Nội phục vụ khán giả thủ đô vở diễn Thầy Ba Đợi, NSƯT Hùng Minh không giấu được niềm vui sướng khi khán giả vẫn còn nhớ đến tên ông, nhận ra ông. Những vai kép độc đã gắn liền với tên tuổi NSƯT Hùng Minh trên sân khấu đoàn cải lương Thanh Minh - Thanh Nga một thời từng đi vào lòng khán giả hâm mộ.
Tuy diễn kép độc nhưng các vai của ông đều khiến người xem rơi lệ. 100 năm qua, có những vở diễn đến hôm nay vẫn được đón nhận và tìm được sự đồng cảm của nhiều người. Có những câu vọng cổ khi cất lên vẫn khiến ai đó rưng rưng xúc động. Những lời ca, tiếng hát ấy không chỉ thuộc về một thời.

Từ năm 1975-1990 tại TPHCM, có 22 đoàn cải lương quốc doanh biểu diễn tại 15 rạp với hàng ngàn khán giả mỗi tối. Những ngày hoàng kim ấy đã lùi xa. Bao cống hiến, những say sưa với nghề của người nghệ sĩ không phải lúc nào cũng nhận được sự đền đáp xứng đáng. Thế nhưng hiện nay, vẫn có những điều tốt đẹp được nhen nhóm từ thế hệ gạo cội khi họ miệt mài giữ lửa cho sân khấu cải lương.

Cả cuộc đời bền bỉ, tiếng hát của NSND Bạch Tuyết chưa bao giờ cũ và luôn xuất hiện trong các chương trình lớn. Đã đi qua bao biến động của cuộc đời, mong một chốn tìm về. Và chính sân khấu cải lương đã neo giữ bà lại, với nơi chốn này.

Tiếc nuối về một thời hoàng kim của sân khấu nhưng NSND Bạch Tuyết không lặng lẽ đứng nhìn. 

“Tôi không ngồi đợi thời hoàng kim của sân khấu quay trở lại. Tôi vẫn làm việc, dốc lòng, dốc sức để đưa cải lương đến gần hơn với người trẻ”, NSND Bạch Tuyết chia sẻ.
NSND Bạch Tuyết lặng lẽ trong đời sống nhưng lại là người quyết liệt trong sân khấu. Bởi nếu không có sự quyết liệt, không có ngọn lửa âm ỉ cháy trong tâm hồn, thì NSND Bạch Tuyết cũng khó có thể sống trọn vẹn với con đường nghệ thuật cải lương đến hôm nay.

Điều đáng trân trọng khi nhiều khán giả ái mộ NSND Bạch Tuyết, NSND Lệ Thủy, NSƯT Minh Vương, NSƯT Thanh Tuấn... giờ tóc đã hoa râm nhưng vẫn giữ một niềm thương mến, trân trọng với thần tượng của mình. Khi những nghệ sĩ ấy cất lời ca, ký ức bỗng trỗi dậy, rưng rưng trong lòng người mộ điệu.

Có rất nhiều nghệ sĩ cải lương dù không có danh hiệu, những chắc hẳn, họ đã có được danh hiệu cao quý nhất của đời nghệ sĩ, đó là người nghệ sĩ của nhân dân. Những nỗi niềm, ồn ào, tranh cãi quanh việc trao tặng danh hiệu được họ lặng lẽ cất vào một góc riêng nào đó.

Vinh quang, hạnh phúc hay cay đắng, đã đủ cho một cuộc đời. Điều họ đau đáu nhất bây giờ có lẽ là tìm kiếm lớp người kế cận, vực dậy sân khấu cải lương đang bên bờ vực thẳm.

Tin cùng chuyên mục