Trăn trở từ chuyện “khoan nhầm chân”

Người dân mỗi khi ốm đau, bệnh tật phải đi bệnh viện luôn mong mỏi “gặp thầy, gặp thuốc”, được chăm sóc, chữa trị và đối xử tận tình để mau khỏi bệnh. Thế nhưng những mong mỏi chính đáng của người bệnh và cũng là yêu cầu, trách nhiệm được đặt ra đối với y, bác sĩ và bệnh viện đôi khi lại không được như mong muốn.

Người bệnh thì luôn vất vả, khó khăn, mệt mỏi mỗi khi phải đi bệnh viện và gặp không ít vấn đề phiền toái trong quá trình khám chữa bệnh. Ngay khi mới đặt chân tới bệnh viện, ở nhiều nơi, người bệnh đã bị bủa vây bởi sự ồn ào, ngột ngạt, cùng hàng loạt các loại lệ phí, thủ tục hành chính rườm rà, mất nhiều thời gian chờ đợi để được đóng tiền, khám bệnh, xét nghiệm, hay làm các kỹ thuật chẩn đoán. Song, đáng lo ngại hơn chính là những nguy cơ tai biến, sự cố y khoa khiến người bệnh phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Hàng loạt sự cố, tai biến y khoa khiến người “lành thành què” xảy ra ở nhiều bệnh viện khác nhau, từ cơ sở khám chữa bệnh ở tuyến quận huyện cho đến những bệnh viện đầu ngành được xếp hạng đặc biệt. Vụ việc vừa xảy ra tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) là một ví dụ cụ thể: bệnh nhân ở Cà Mau bị tai nạn lao động với chẩn đoán bị gãy đốt sống ngực số 8 và chấn thương phần mềm, nhưng lại được chuyển đến phòng băng bột và bị các bác sĩ khoan cẳng chân dù chưa có kết quả xét nghiệm.

Những rủi ro, tai biến trong y khoa là điều không một bệnh viện và y, bác sĩ nào mong muốn, thế nhưng trên thực tế nó vẫn cứ xảy ra và rình rập cả người bệnh lẫn y, bác sĩ. Trong đó, người bệnh là đối tượng phải gánh chịu hậu quả, thiệt hại nặng nề nhất. Có nhiều nguyên nhân và lý do khác nhau dẫn tới những sự cố, sai sót trong y khoa như: sự chủ quan, thiếu trách nhiệm; trình độ chuyên môn yếu kém của y bác sĩ..., cho tới những diễn biến bất thường, bất khả kháng về tình trạng bệnh lý của người bệnh. Cách lý giải dễ dàng, nhanh lẹ nhất, là cho rằng tình trạng quá tải tại bệnh viện chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới các tai biến y khoa. Bởi lẽ, có những bệnh viện mà bệnh nhân phải xếp hàng chờ mổ tới vài tuần, hay bệnh nhân quá đông phải nằm ghép giường đã gây áp lực lớn đến chất lượng khám chữa bệnh. Thời gian khám chữa bệnh của bác sĩ đối với bệnh nhân sẽ bị rút ngắn khiến nguy cơ tai biến, sai sót, nhầm lẫn xảy ra rất cao. Cùng với đó, tại không ít bệnh viện ở tuyến dưới, vùng sâu, vùng xa, trình độ chuyên môn, tay nghề của bác sĩ còn hạn chế cũng dễ dẫn tới những chẩn đoán, chỉ định sai lầm gây nguy hiểm cho người bệnh.

Tuy nhiên, cho dù nguyên nhân nào đi chăng nữa dẫn tới những tai biến y khoa thì cán bộ y tế, y bác sĩ là những người trực tiếp thăm khám, điều trị cho người bệnh phải chịu trách nhiệm đầu tiên. Theo các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để bảo đảm an toàn cho người bệnh, việc công khai các sự cố y khoa và xây dựng hệ thống báo cáo sự cố thường xuyên, kịp thời là yếu tố quan trọng, đồng thời giảm áp lực cho bệnh viện và thầy thuốc. Các bệnh viện cần tổ chức các khóa học hoặc tọa đàm về chủ đề sai sót, sự cố y khoa để thường xuyên nhắc nhở nhân viên y tế và có các giải pháp để xử lý tình huống. Đồng thời, khi các tai biến y khoa xảy ra cần xem xét tổng thể, khách quan, trách nhiệm không chỉ từng cá nhân mà là cả hệ thống y tế.

Vụ việc khoan nhầm chân ở Bệnh viện Chợ Rẫy lại diễn ra cùng thời điểm Bộ Y tế công bố kết quả khảo sát tại 60 bệnh viện công ở 23 tỉnh, thành trên cả nước, với kết quả thật tuyệt: chỉ số hài lòng người bệnh năm 2018 đạt trung bình 4,04/5 điểm, tương ứng với mức độ hài lòng của người bệnh đạt mức 80,8% so với kỳ vọng. Bỏ qua sự nghi ngại về con số này, qua các sự cố đáng tiếc đã xảy ra, dư luận mong muốn Bộ Y tế và các bệnh viện tiếp tục có những nỗ lực hơn nữa, có những giải pháp hữu hiệu trong việc khám chữa bệnh, áp dụng chặt chẽ các quy chuẩn về an toàn đối với người bệnh và quy trình khám chữa bệnh; đồng thời xử lý nghiêm khắc những y, bác sĩ buông lỏng trách nhiệm, suy thoái y đức, xem thường sức khỏe và tính mạng bệnh nhân.

Tin cùng chuyên mục