Tranh chấp biên giới Ấn Độ - Trung Quốc: Bên nóng nảy, phía ôn hòa

Căng thẳng bắt đầu leo thang hồi giữa tháng 6 khi Bắc Kinh khởi công xây dựng một con đường mới dẫn tới cao nguyên đang tranh chấp mà Ấn Độ gọi là Doklam và Trung Quốc gọi là Donglang.
Khu vực cao nguyên Doklam đang tranh chấp mà Trung Quốc gọi là Donglang
Khu vực cao nguyên Doklam đang tranh chấp mà Trung Quốc gọi là Donglang

Ngày 25-7, mạng tin quốc phòng Ấn Độ cho biết, Tổ chức các tuyến đường biên giới (BRO) sẽ xây dựng 2 đường hầm qua đèo Sela-Chabrela, cao 4.170m, ở bang Arunachal Pradesh, giáp biên giới với Trung Quốc. Động thái trên diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang gặp nhiều căng thẳng liên quan tới việc tranh chấp ở khu vực biên giới Sikkim.

Căng thẳng ở “cổ gà”

Căng thẳng bắt đầu leo thang hồi giữa tháng 6 vừa qua khi Bắc Kinh khởi công xây dựng một con đường mới dẫn tới cao nguyên đang tranh chấp mà Ấn Độ gọi là Doklam và Trung Quốc gọi là Donglang. Trung Quốc cáo buộc binh sĩ Ấn Độ ngăn cản việc xây dựng con đường ở dải đất nhỏ khu cao nguyên, nơi đóng vai trò đường kết nối trực tiếp duy nhất đến vùng đất bị chia cắt phía Đông Bắc nước này và nằm ở ngã ba giữa Trung Quốc, bang Sikkim ở Đông Bắc Ấn Độ và Bhutan - một đồng minh của Ấn Độ.

Tuyên bố của BRO cho biết, dự án đường hầm dài 475m và 1.790m xuyên qua đèo Sela-Chabrela nêu trên đã hoàn thành các chi tiết kỹ thuật và sẽ được tiến hành khảo sát trên thực địa sau mùa mưa. Các tuyến đường hầm trên sẽ được kết nối với tuyến đường Balipara-Chaudur-Tawang hiện có ở phía Nurarang, qua đó rút ngắn khoảng cách từ Tawang tới biên giới Trung Quốc khoảng 10km và cắt giảm ít nhất 1 giờ đi lại giữa trụ sở quân đoàn 4 của Lục quân Ấn Độ tại Tezpur và Tawang. Hơn nữa, các đường hầm trên cũng sẽ đảm bảo quốc lộ NH-13, nhất là đoạn đường dài 171km giữa Bomdila và Tawang, có thể được tiếp cận trong mọi điều kiện thời tiết. 

Dự án trên đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh kết nối với biên giới Tây Tạng thông qua địa hình khó khăn ở phía Đông dãy Himalaya và tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của quân đội Ấn Độ trong mùa đông, khi tuyết rơi dày cản trở kết nối trên tuyến đường biên giới chiến lược này.

Không phải lần đầu

Trung Quốc và Ấn Độ lâu nay vẫn thường xuyên nổ ra tranh chấp tại những nơi tiếp giáp đường biên giới dài gần 4.000km giữa hai nước và chưa được phân định rõ ràng. Khu vực này đã chứng kiến cuộc xung đột vũ trang giữa Trung Quốc và Ấn Độ năm 1967, sau đó là thời kỳ căng thẳng và điều binh dọc biên giới bang Arunachal Pradesh giai đoạn 1986-1987.

Trong cuộc khủng hoảng ở Doklam lần này, Bắc Kinh cũng đã nhiều lần yêu cầu New Delhi rút quân khỏi biên giới, coi đây là điều kiện tiên quyết để bắt đầu các cuộc đàm phán song phương.

Tờ Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc ngày 18-7 còn cảnh báo, Bắc Kinh sẵn sàng cho một cuộc chiến và không ngại tham chiến với Ấn Độ trong một “cuộc đối đầu tổng lực”. Tuy nhiên, Ấn Độ vẫn giữ quan điểm hòa hoãn, kêu gọi đối thoại với điều kiện hai bên cùng rút quân. Bí thư đối ngoại Ấn Độ S. Jaishankar cho rằng, Trung Quốc đã hung hăng bất thường, song Ấn Độ đang cố gắng giải quyết vấn đề này một cách hòa bình theo con đường ngoại giao.

Trong bối cảnh xảy ra đối đầu giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc ở khu vực Dokalam, Mỹ đã hối thúc hai nước lớn của châu Á này hợp tác với nhau nhằm mang lại hòa bình. Tuy nhiên, ngày 24-7, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Wu Qian vẫn tiếp tục giữ lập trường cứng rắn về vấn đề này. Phát biểu tại một cuộc họp báo ngắn, ông Wu nói, quyết tâm bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc là không thể khuất phục. Ông Wu khẳng định như vậy trước thềm cuộc hội đàm của ban cố vấn an ninh quốc gia nhằm hóa giải bất đồng Trung - Ấn, sẽ diễn ra trong tuần này.

Chuyên gia cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu chính sách Delhi Srinath Raghavan cho rằng, chuyến thăm Bắc Kinh của Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval vào cuối tháng này trong khuôn khổ cuộc họp Các nước có nền kinh tế mới nổi (BRICS) là cơ hội tuyệt vời để hai nước tháo ngòi nổ căng thẳng.

Tin cùng chuyên mục