Tranh chấp đất nghĩa trang gia tộc: Dễ phát sinh, khó giải quyết

Theo ý kiến chung của các luật sư tư vấn, để tháo nút thắt các vụ tranh chấp đất nghĩa trang gia tộc, ngoài quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính, bản án của tòa, thì công tác hòa giải đóng vai trò quan trọng. 
Khu nghĩa trang gia đình nằm trong khu dân cư vừa mất mỹ quan, lại dễ bị lấn chiếm
Khu nghĩa trang gia đình nằm trong khu dân cư vừa mất mỹ quan, lại dễ bị lấn chiếm

Tại TPHCM, trong xu thế phát triển đô thị, hàng loạt nghĩa trang gia tộc trong khu dân cư ở vùng ven đã phải giải tỏa, chuyển mục đích sử dụng. Trong gia tộc dễ phát sinh tranh chấp các khu đất này. Làm gì để giải quyết tranh chấp mà vẫn giữ được tình cảm trong gia tộc? Trong 2 tuần đầu của tháng 12, đây là một vấn đề pháp lý được nhiều người dân quan tâm, đến Báo SGGP để nhờ luật sư tư vấn.

Bùng phát tranh chấp

Quy hoạch thay đổi, những khu đất nghĩa trang gia tộc được chuyển đổi sang đất phi nông nghiệp, đất ở đô thị. Giá đất tăng cao đã làm bùng phát tình trạng chiếm dụng trái phép, tranh chấp các khu đất này giữa những người thân trong gia tộc. Gia tộc họ Võ tại xã Đông Thạnh (huyện Hóc Môn, TPHCM) phản ánh về vụ tranh chấp đất nghĩa trang kéo dài từ năm 2016 đến nay vẫn chưa có hồi kết. Theo con cháu trong gia tộc họ Võ, khu đất rộng 4.700m2 được ông Võ Văn Gia mua để làm nghĩa trang gia tộc từ năm 1910. Sau hơn 100 năm tạo lập, khu nghĩa trang gia tộc họ Võ đã chôn cất gần 200 ngôi mộ, chủ yếu là dòng tộc họ Võ. Năm 2016, UBND huyện Hóc Môn cắt 1.300m2 đất nghĩa trang cấp cho ông Trần Văn Cu. Ông Cu là con trai bà Võ Thị Nọ, là con cháu họ Võ. Điều làm người thân trong gia tộc càng bức xúc hơn khi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông Trần Văn Cu để làm đất ở và trên khu đất còn có 10 ngôi mộ chưa cất bốc. 

Bà Huỳnh Mai Hương (ở phường Tân Thuận Đông, quận 7) trình bày, khu nghĩa trang của gia tộc bà đã có hơn 100 năm nay. Gần đây, gia đình bà rất bất ngờ khi phát hiện một phần khu nghĩa trang gia tộc bị chính quyền địa phương cấp cho người khác. Gia đình nhiều lần khiếu nại, yêu cầu chính quyền trả lại phần đất này cho gia tộc của bà, nhưng chỉ nhận được câu trả lời: “Cán bộ có sai sót khi kiểm tra thực tế, xác nhận số thửa đất. Gia đình cứ đem vụ việc ra tòa, chính quyền sẽ căn cứ theo bản án để thực hiện”.  

Chú trọng công tác hòa giải 

Chủ trương giải tỏa nghĩa trang gia tộc nằm xen trong khu dân cư là cần thiết nhằm giữ vệ sinh môi trường cũng như cảnh quan đô thị. Do tính pháp lý của đất nghĩa trang gia tộc phức tạp nên dễ dẫn đến tình trạng chiếm dụng, tranh chấp. Hầu hết các nghĩa trang gia đình trải qua nhiều đời, thuộc quyền sử dụng chung, lại thiếu kiểm tra, giám sát. Cũng vì là đất nghĩa trang gia tộc, nên cán bộ phụ trách địa chính có phần dễ dãi khi làm thủ tục xác nhận, cấp giấy chứng nhận. Vì thế, các đối tượng có ý lấn chiếm dễ thực hiện được ý định.  

Theo tư vấn của luật sư Phạm Quang Hiệp, việc chính quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lên khu đất thổ mộ của gia đình bà Hương là trái quy định pháp luật. Chính quyền địa phương cũng đã thừa nhận có sai sót. Việc bà Hương cần làm là sớm nộp đơn khởi kiện, đưa vụ việc ra tòa để giải quyết. Theo quy định của Luất Đất đai 2013, trong trường hợp đất đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sẽ do tòa án giải quyết. 

Vụ tranh chấp đất nghĩa trang gia tộc họ Võ cũng do tòa án giải quyết vì đã được cấp giấy chứng nhận. Tuy nhiên, vụ việc này phức tạp hơn nhiều, vì phát sinh thêm quan hệ mới. Khu đất đã sang nhượng cho người khác và chính quyền đã cấp giấy phép để xây dựng nhà trên phần đất này.

Theo ý kiến chung của các luật sư tư vấn, để tháo nút thắt các vụ tranh chấp đất nghĩa trang gia tộc, ngoài quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính, bản án của tòa, thì công tác hòa giải đóng vai trò quan trọng. Phần lớn các đối tượng tranh chấp ít nhiều có quan hệ tình cảm, huyết thống. Các trường hợp tranh chấp này thường kéo dài từ vài năm đến chục năm, tốn kém nhiều thời gian, tiền của cho các bên. Chính vì thế, trong nội bộ gia tộc nên cùng có thiện chí hòa giải để các bên tìm tiếng nói chung, qua đó giải quyết tranh chấp mà vẫn giữ được tình cảm trong gia tộc.

Tin cùng chuyên mục