Tránh dữ, tìm lành

Quen nhau qua mạng xã hội, ông thợ chụp hình người Pháp hẹn T.U. đến nhà. Ông ta đòi quan hệ tình dục nhưng T.U. không đồng ý, liền bị ném 500.000 đồng vào mặt rồi đuổi về. 

Nửa năm sau, người đàn ông ngoại quốc này lại rủ T.U. tới nhà. Nghĩ lần trước tới bị sỉ nhục, T.U. chuẩn bị sẵn mấy viên thuốc ngủ, lén pha vào ly bia. Nhân lúc ông ta ngủ say, T.U. lục lọi lấy được 100 triệu đồng tiền mặt, chiếc máy ảnh, điện thoại, cả con chuột máy tính và chai nước hoa xài dở. T.U. sau đó bị truy tố về tội “Cướp tài sản”.

Trước tòa, T.U. khai lần thứ nhất cô đồng ý tới gặp vì ông ta nói là nhiếp ảnh gia nổi tiếng, thường xuyên gửi hình cho xem và hứa hẹn khi nào đi gặp những người nổi tiếng sẽ dẫn T.U. theo. Nhưng khi tới nơi thì ông ta giở trò bậy. Vị thẩm phán hỏi, bị cáo đã biết ông ta như vậy, sao không tránh xa mà lần sau ổng rủ rê còn tới, mà lại tới lúc nửa đêm nữa chứ?

Cô nói vì không hiểu biết pháp luật và tức giận nên mới làm như vậy. Hôm đó, T.U. đã mặc chiếc váy voan hồng hai dây tới nhà ông ta lúc 23 giờ khuya và rời đi lúc 2 giờ 30 sáng. Ông người Pháp sau khi tỉnh dậy thấy mất đồ đạc, tiền bạc, vội trình báo công an và hốt hoảng đi bệnh viện xét nghiệm xem mình uống phải thứ nước gì. Ông bắt T.U. bồi thường hơn 140 triệu đồng, gồm cả chiếc máy ảnh theo giá mới, tiền ông đi bệnh viện khám hết 4,9 triệu đồng. 

Đây là số tiền lớn, không chỉ với T.U. mà cả với cha mẹ cô đang ngồi phía dưới theo dõi phiên tòa. Hai khuôn mặt hiền lành, ngơ ngác, cầm theo mớ giấy tờ bệnh viện, đặng trình bày hoàn cảnh để xin cho con gái được giảm án. Mẹ T.U., 57 tuổi, bị nang thận, đang chuẩn bị mổ đến lần thứ 5, sức khỏe rất yếu.

Suốt phiên tòa, T.U. trả lời câu hỏi một cách tự nhiên, rành rọt, vừa trả lời vừa lắc đầu duyên dáng khiến mái tóc dài cột cao đung đưa lượn sóng. Mãi tới khi nghe đại diện viện kiểm sát đề nghị 8 - 10 năm tù, T.U. mới tái mặt, nhận mình đã làm việc không đúng, khóc và quay xuống nhìn mẹ, xin tòa giảm nhẹ hình phạt: “Mẹ bị cáo đang bệnh nặng. Bị cáo hối hận lắm, không bao giờ dám nữa”. Nghe vậy, mẹ T.U. ôm mặt, nước mắt chảy qua kẽ ngón tay rơi xuống.

Tòa nghị án hơi lâu, mẹ T.U. ngồi bệt dưới bóng râm của tòa nhà, run rẩy không tự đứng lên nổi. Bà thương con, lặn lội từ Đồng Nai đến đây để xin giảm án cho con, tuy cầm theo hồ sơ bệnh án nhưng chẳng biết trình bày với ai, lúc nào. Bà kể, đời T.U. gặp nhiều bi kịch. Lúc nhỏ ở nhà với cha mẹ, hai mẹ con nhận quần áo về gia công. Rồi T.U. lấy chồng, kinh tế khá nên chỉ ở nhà cơm nước nuôi hai con.

Đến khi chồng có bồ, T.U. chịu không được cú sốc, ly hôn rồi vào TPHCM 7 - 8 năm nay, bỏ lại hai con cho ông bà ngoại chăm sóc. Lâu lắm con gái mới về quê một lần, bà phải nói với hai đứa nhỏ là mẹ con đi Mỹ rồi để chúng không đòi nữa. Bà bệnh hoạn yếu ớt, kinh tế phụ thuộc vào chồng với nghề phụ hồ.

Con không nói, ông bà cũng không biết con gái vào TPHCM làm nghề gì, ở đâu, lâu lâu mới gửi về cho 1 - 2 triệu đồng phụ cha mẹ nuôi hai đứa nhỏ. Tới phiên tòa bà mới nghe con khai đang sống một mình trong căn hộ chung cư khá sang trọng ở quận 7, với nghề nghiệp tự khai là “nội trợ”.

TAND TPHCM tuyên án 7 năm tù để T.U. có thời gian nhìn nhận lại bản thân, biết tôn trọng pháp luật, học lấy điều tốt, tránh xa những điều xấu. Có những bi kịch do cuộc đời mang đến, nhưng cũng có những bi kịch có thể tránh được, nếu người ta biết suy nghĩ thấu đáo để “tìm lành, tránh dữ”.

Tin cùng chuyên mục