Tranh luận về dự án Luật An ninh mạng: Lộ lọt bí mật kinh doanh có đáng ngại?

Về dự án Luật An ninh mạng, trong khi ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), Đại tá, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An khẳng định không lo ngại về tình trạng bị lộ, lọt bí mật đời tư, bí mật kinh doanh, thì ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cho biết “chưa yên tâm để bấm nút”.

Trao đổi với PV Báo SGGP bên hành lang Quốc hội, ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), Đại tá, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An và ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương) đưa ra quan điểm về dự án Luật này.

* PHÓNG VIÊN: Thưa ông, dư luận quan tâm đến Điều 24 của Dự thảo Luật An ninh mạng (cho phép cơ quan công an được kiểm tra chỉ với lý do "khi có yêu cầu quản lý nhà nước về an ninh mạng") trong khi những lý do này lại chưa được quy định rõ trong Luật. Mặc dù Điều 24 có “quét” thêm là kết quả kiểm tra được bảo mật theo quy định của pháp luật, song việc “phơi bày” thông tin cho cán bộ kiểm tra rất có thể đặt ra nguy cơ bị mất bí mật kinh doanh. Đây có phải là lo ngại có cơ sở?

- ĐB NGUYỄN HỮU CẦU: Tôi cho rằng không ai có thể lạm quyền như thế cả, bởi vì cho dù lực lượng công an hay bất kỳ một lực lượng nào khác đều phải hoạt động theo pháp luật. Công an không thể tự nhiên vào cơ quan nào để kiểm tra cả. Ví dụ tôi đang đi trên đường, không vi phạm gì, cũng không có nguồn tin xác tín nào về việc tôi vi phạm gì thì anh tự dưng dừng xe của tôi là không được phép, bất cứ luật nào cũng thế thôi.

Tranh luận về dự án Luật An ninh mạng: Lộ lọt bí mật kinh doanh có đáng ngại? ảnh 1 ĐB Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), Đại tá, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An
* Cụ thể Điều 24 đã có những quy định đủ để không có chuyện lạm quyền hay làm lộ lọt thông tin, sử dụng thông tin bất cẩn hay chưa?

- Cái này tôi phải đọc kỹ lại luật và sẽ có ý kiến cụ thể. Nếu cần thì bổ sung cho chặt chẽ hơn.

* Có ý kiến cho rằng với những việc có khả năng ảnh hưởng đến các quyền được Hiến định của tổ chức, cá nhân như thế thì phải có sự tham gia của Toà án?

- Đặc thù thể chế của chúng ta là sự phân công, phối hợp giữa 3 quyền: Lập pháp - Hành pháp và Tư pháp. Cho nên có được phán quyết của Toà thì cũng tốt, cũng là một loại ý kiến, nhưng không nhất thiết phải qua Toà mới đảm bảo quyền Hiến định, đảm bảo dân chủ. Tôi chắc chắn là Quốc hội sẽ cân nhắc để đảm bảo Luật sẽ quy định chặt chẽ; không để xảy ra lạm quyền, lộ lọt bí mật, kể cả bí mật đời tư hay kinh doanh.

* Gần đây trên mạng có xuất hiện lá thư góp ý về dự án Luật này của các cán bộ lão thành có kinh nghiệm quản lý ngành công nghệ thông tin. Ông có bình luận gì?

- Tôi không có trong tay tài liệu gốc đó, cũng chưa nghe họ phản ánh trực tiếp bằng lời, nên chưa khẳng định được họ là những cán bộ lão thành. Chưa chắc, vì những thông tin trên mạng chưa qua kiểm chứng thì không khẳng định được. Đấy cũng chính là lý do chúng ta phải làm Luật An ninh mạng. 

Nhưng tôi cho rằng đã là tâm tư kiến nghị của cử tri – dù là cán bộ lão thành hay không –đều xứng đáng được nghiên cứu, xem xét kỹ. Họ cũng là cử tri, khi nhìn thấy những việc không ảnh hưởng trực tiếp đến họ, nhưng có tác động đến đất nước ở phương diện nào đó thì họ đều có quyền kiến nghị và ĐBQH phải hết sức trân trọng, vì chúng tôi là người được họ bầu ra, gửi gắm tâm tư, nguyện vọng. Khi một bộ phận đông cử tri có ý kiến thì mình phải lắng nghe để tiếp thu, xem xét nhiều chiều.

ĐB Vũ Trọng Kim (Hải Dương), Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam:

"Những vấn đề đặt ra trong dự thảo Luật An ninh mạng không mới, nhưng hết sức hệ trọng với xã hội, từ người dân bình thường đến hoạt động kinh doanh và quản lý xã hội. Cho nên sự kiểm soát của lực lượng chức năng phải thế nào để không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của xã hội, nếu những hoạt động không liên quan đến an ninh cũng bị ngăn chặn thì không chấp nhận được. Chính vì thế, tôi nghĩ nên cần phải có những chuyên gia về lĩnh vực này tham gia đóng góp ý kiến nhiều hơn nữa thì mới thông qua được. Nói ngắn gọn thì tôi chưa yên tâm bấm nút thông qua".

Tin cùng chuyên mục