Tránh sức ép chọn nghề cho con

Trong những năm qua, tỷ lệ mất cân đối nguồn nhân lực giữa các ngành nghề, các vùng miền trong cả nước ngày càng cao. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, trong đó cơ bản nhất là việc giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông chưa hiệu quả. 
Các bạn trẻ tham dự Ngày hội tuyển dụng việc làm tại Nhà văn hóa Thanh niên. Ảnh: S.A.C.
Các bạn trẻ tham dự Ngày hội tuyển dụng việc làm tại Nhà văn hóa Thanh niên. Ảnh: S.A.C.
Chọn nghề theo sự áp đặt
Thực tế ngay từ khi con còn đang học ở trường phổ thông, nhiều phụ huynh đã định hướng con theo các ngành nghề mà mình thích. Chính suy nghĩ mang tính áp đặt ấy đã vô tình cản trở khả năng và đam mê của rất nhiều học sinh. 
Em Thanh Thảo (học sinh Trường THPT Phú Nhuận, TPHCM) tâm sự: “Em muốn đi theo con đường âm nhạc. Nhưng mẹ em nhất quyết không cho, mẹ muốn em học kinh tế, vì những người quen của mẹ em ai cũng cho con theo học trường đó. Em không thích theo kinh tế nhưng không thuyết phục được mẹ”. Thanh Thảo từng nghe mẹ nói với bạn lý do: “Tôi đã có sẵn vị trí cho con mình trong công ty, học xong thì vô làm. Vậy mà cháu suốt ngày cứ mơ theo nghề đàn hát vớ vẩn, theo con đường đó làm sao đảm bảo cuộc sống ổn định!”.
Nhiều phụ huynh mong muốn con nối tiếp ngành nghề truyền thống của gia đình, bất chấp có phù hợp với nguyện vọng và khả năng của con hay không. Em Đức Trọng (học sinh lớp 12 Trường THPT Ngô Quyền, TP Biên Hòa, Đồng Nai) buồn bã: “Ba em đã hướng em vào Đại học Sư phạm khoa Toán, để trở thành giáo viên dạy toán, nối nghiệp của ba mẹ và ông nội. Nhưng mà em ước mơ được trở thành một lập trình viên máy tính. Em thực sự đang sống và thực hiện ước mơ của ba em. Nhưng nếu cãi lời thì em sẽ làm cho ba thất vọng lắm”.
Sự thúc ép của phụ huynh trong việc chọn nghề cho con sẽ làm cho con mất đi ý chí và tinh thần nỗ lực. Một số trường hợp các em vẫn sẽ thành công, tuy nhiên cuộc sống sẽ không còn niềm vui khi không được thực hiện đam mê. Bên cạnh đó, cũng có không ít trường hợp rơi vào ngõ cụt khi phải đi theo con đường mình không muốn. Xác định nghề nghiệp cũng quan trọng như việc lựa chọn bạn đời, do vậy, phụ huynh nên tránh việc áp đặt suy nghĩ và mơ ước của mình lên con cái; nên tôn trọng, ủng hộ cho những quyết định đúng đắn của con mình. 
Tham vấn nghề cho học sinh 
Tham vấn nghề không chỉ là đưa ra lời khuyên cho học sinh trong việc lựa chọn trường thi, nghề nghiệp sau này, mà chủ yếu hướng đến việc giúp học sinh phát triển được kỹ năng ra quyết định về chọn nghề, chọn trường học sao cho phù hợp với năng lực, sở thích và nhu cầu phát triển nghề của bản thân cũng như phù hợp với nhu cầu xã hội và hoàn cảnh của gia đình.
Trong quá trình lựa chọn nghề cho bản thân, học sinh gặp rất nhiều khó khăn: Khó khăn trong việc tìm hiểu và khám phá thế giới nghề nghiệp, đặc điểm và yêu cầu của nghề; khó khăn trong khám phá những năng lực, sở thích của bản thân về nghề; khó khăn trong tìm kiếm những thông tin về các trường đào tạo, nơi làm việc sau khi ra trường, nhu cầu về thị trường lao động của địa phương, của xã hội… Do vậy tham vấn nghề giúp học sinh tháo gỡ những khó khăn, từ đó giúp cho các em có sự lựa chọn nghề phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện thực tế và nhu cầu nhân lực của địa phương, của đất nước trong từng giai đoạn nhất định.
Hiện nay hầu hết học sinh lựa chọn nghề theo cảm tính, xu hướng của xã hội, theo sự rủ rê của bạn bè và nhất là theo sự áp đặt của gia đình, dẫn đến việc lựa chọn nghề không phù hợp. Do vậy, nâng cao nhận thức về lựa chọn nghề sẽ giúp học sinh thay đổi được quan niệm sai lầm khi chọn nghề. Nhà trường và phụ huynh nên trang bị cho học sinh những thông tin về nghề nghiệp, về đặc điểm và yêu cầu của nghề trong xã hội một cách cụ thể và rõ ràng; chuẩn bị tâm lý cho học sinh khi chọn nghề.
Ngay từ đầu năm học lớp 12, nhà trường nên chú ý cung cấp thông tin cho học sinh về các trường đào tạo, nơi làm việc sau khi ra trường, thông tin về thị trường lao động của địa phương, của xã hội. Qua đó, chỉ rõ cho học sinh biết những ngành nghề nào xã hội và địa phương đang cần. 
Trong việc tham vấn nghề, cần xây dựng quan hệ và sự tin tưởng giữa nhà tham vấn nghề và học sinh. Nắm bắt nhu cầu chọn nghề, năng lực, sở thích hứng thú của học sinh, những điều kiện về hoàn cảnh, gia đình... Thông qua sự trao đổi, trò  chuyện, nhà tham vấn giúp học sinh tìm ra được những năng lực thực tế, sở thích của bản thân. Đồng thời, giúp học sinh so sánh giữa năng lực, sở thích, điều kiện thực tế của bản thân với các đặc điểm, yêu cầu của nghề, với các trường đào tạo và với nhu cầu nhân lực về thị trường lao động của địa phương và xã hội. Dựa trên sự đối chiếu đó, học sinh sẽ tự quyết định lựa chọn nghề  một cách phù hợp nhất. 
Học sinh trung học phổ thông, đặc biệt là học sinh lớp 12 luôn đứng trước những khó khăn trong việc lựa chọn nghề. Do đó, gia đình, nhà trường và xã hội cần chung tay để giúp các em có thể lựa chọn được nghề phù hợp với năng lực, sở thích và nhu cầu, góp phần điều chỉnh cơ cấu phân luồng học sinh sau trung học phổ thông và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tin cùng chuyên mục