Trẻ 17 tháng tuổi viêm phổi nặng do uống dầu hỏa

Chiều 21-7, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết, bệnh viện vừa chuyển bệnh nhi Trương Công B. D. (17 tháng tuổi, ở phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh) bị viêm phổi nặng do uống nhầm dầu hỏa lên bệnh viện tuyến trên điều trị.

Theo lời kể của người thân cháu D., cháu D. ở nhà chơi, thấy có chai nước để trong gầm giường đã mang ra uống. Sau khi uống, cháu D. ho sặc sụa và khó thở.

Khi thấy cháu D. có biểu hiện khác thường, khó thở, gia đình đã đưa cháu vào Bệnh viện Đa khoa thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh để thăm khám, điều trị.

Tại đây, tình trạng khó thở của cháu D. ngày càng nặng hơn nên bệnh viện đã chuyển tiếp ra Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh để điều trị.

Trẻ 17 tháng tuổi viêm phổi nặng do uống dầu hỏa ảnh 1  Hình ảnh tổn thương phổi của bệnh nhi D. thể hiện trên phim chụp XQ
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, qua thăm khám, chụp XQ phổi, xét nghiệm máu, các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhi D. viêm phổi nặng do hít và uống nhầm dầu hỏa.
Sau đó, các bác sĩ xử lý cho bệnh nhi thở oxy, kháng sinh, chống viêm... Tiếp đó, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã hội chẩn qua điện thoại cùng bác sĩ trực khoa cấp cứu Bệnh viện Nhi Trung ương, thống nhất chẩn đoán và chuyển bệnh nhi D. lên tuyến trên để điều trị tiếp.

Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, viêm phổi do hít xăng dầu là tình trạng viêm nhiễm hóa học do bệnh nhân hít vào thanh quản và đường hô hấp dưới các chất như dầu diesel, dầu hoả, dầu mazut gây nên các tổn thương ở phổi. Các tổn thương này phụ thuộc vào số lượng và đáp ứng của bệnh nhân đối với chất hít và số lần bệnh nhân bị sặc… Nếu lượng xăng dầu vào phổi nhiều, sẽ có sự phá hủy biểu mô hô hấp, vách phế nang và mao mạch phổi, gây tổn thương chất surfactant lót trong phế nang và các tiểu phế quản tận gây suy hô hấp nặng, thiếu oxy trầm trọng có thể dẫn đến tử vong. Lượng xăng dầu nuốt vào cũng gây tác dụng tại chỗ, làm đau bụng, tức ngực, buồn nôn. Nếu được hấp thu từ phổi và ruột vào máu lên não, xăng dầu sẽ tác động trực tiếp trên các tế bào não gây các triệu chứng lừ đừ, kích thích, co giật, hôn mê…

Theo Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, thực tế khi trẻ uống nhầm xăng dầu, người nhà hay xử trí đầu tiên là móc họng gây nôn nhằm loại bỏ độc chất ra khỏi cơ thể. Tuy nhiên, nôn ra trong trường hợp trẻ đã uống nhầm xăng, dầu sẽ làm hơi xăng dầu xâm nhập nhiều hơn vào đường hô hấp, chưa kể đến những tai biến có thể xảy ra như sặc chất nôn vào đường thở… Tốt nhất trong trường hợp này là nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được xử lý thích hợp…

Để tránh cho trẻ uống nhầm xăng dầu, các bậc phụ huynh cần lưu ý

- Xăng dầu phải được chứa trong những bình chứa riêng, có dán nhãn để tránh gây nhầm lẫn đối với người lớn và đặt ở nơi mà trẻ không thấy, không với lấy được

- Không đựng xăng dầu vào các chai nhựa, vật dụng vốn đựng nước uống

- Không để trong khu vực trẻ em thường vui chơi, qua lại

- Không để trẻ nhỏ tự chơi một mình

- Người lớn khi trông giữ trẻ, phải thường xuyên giám sát để tránh cho trẻ những tai nạn đáng tiếc tại nhà…

Tin cùng chuyên mục