Trẻ em cũng bệnh… cao huyết áp

Một trong những thông tin khiến các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng là khi mới đây, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM công bố tình trạng tăng huyết áp ở học sinh các cấp tại TPHCM năm 2014 là 15,4%, đặc biệt tình trạng tăng huyết áp đã xuất hiện ở học sinh tiểu học với tỷ lệ 13,4%. Những số liệu trên cho thấy có nguy cơ ẩn họa đối với thể chất của các thế hệ tương lai: phải gánh chịu những áp lực về bệnh tật, sức khỏe, ảnh hưởng đến trí tuệ, sức học tập, lao động về sau.
Trẻ em cũng bệnh… cao huyết áp

Một trong những thông tin khiến các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng là khi mới đây, Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM công bố tình trạng tăng huyết áp ở học sinh các cấp tại TPHCM năm 2014 là 15,4%, đặc biệt tình trạng tăng huyết áp đã xuất hiện ở học sinh tiểu học với tỷ lệ 13,4%. Những số liệu trên cho thấy có nguy cơ ẩn họa đối với thể chất của các thế hệ tương lai: phải gánh chịu những áp lực về bệnh tật, sức khỏe, ảnh hưởng đến trí tuệ, sức học tập, lao động về sau.

7 năm, béo phì ở trẻ tăng 4 lần

Minh họa bằng những hình ảnh các cậu bé, cô bé mới 10 - 11 tuổi, thậm chí 6 - 7 tuổi nhưng đã có cân nặng của người trưởng thành 45 - 50kg, bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, ngao ngán: “Chưa lúc nào trong những năm qua, tỷ lệ thừa cân béo phì ở trẻ tăng cao đến như vậy. Đây thực sự là một nỗi lo không phải chỉ riêng của mỗi gia đình mà của toàn xã hội”. Theo số liệu thống kê, đến năm 2014, tỷ lệ thừa cân và béo phì của học sinh các cấp học tại TPHCM là 41,4%. Trong đó, tỷ lệ thừa cân mà Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM đưa ra là 22,4% và tỷ lệ béo phì là 19%. Theo BS Ngọc Diệp, chỉ trong vòng 7 năm qua, tỷ lệ thừa cân béo phì của học sinh đã tăng gấp 3 - 4 lần.

Cần chế độ dinh dưỡng và vận động hợp lý để hạn chế thừa cân, béo phì cho trẻ

Đáng lo ngại là ở học sinh bậc tiểu học. Một nghiên cứu gần đây tại một trường tiểu học ở TPHCM, do Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM khảo sát, cho thấy chiều cao của trẻ 5 - 10 tuổi cao hơn mức trung bình toàn quốc từ 3 - 5cm, nhưng lại có cân nặng bình quân cao hơn trung bình 1 - 3kg, tỷ lệ thừa cân lên đến 28% và tăng dần theo tuổi. Một khảo sát khác gần đây của Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM về đặc điểm khẩu phần ăn của một số trường tiểu học tại TPHCM cho thấy, lượng tiêu thụ thịt các loại trung bình mỗi ngày lần lượt gần 160g, trong khi khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng quốc gia là khoảng 50g/ngày. Tức là khẩu phần thịt đã cao gấp 2 - 3 lần so với mức khuyến cáo dinh dưỡng. “Thịt có nhiều chất đạm, cung cấp năng lượng cho cơ thể. Tuy nhiên, nếu dư thừa đạm, đặc biệt đạm động vật có thể dẫn đến một số bệnh như gút, rối loạn mỡ máu, béo phì”, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp khuyến cáo. Trong khi ngược lại, lượng rau tiêu thụ rất ít. Riêng rau các loại, Bộ Y tế khuyến nghị học sinh tiểu học nên ăn 200 - 300g rau/ngày. Tuy nhiên, kết quả khảo sát khẩu phần rau hàng ngày trung bình của học sinh chỉ gần 170g.

Theo PGS-TS Lê Bạch Mai (Viện Dinh dưỡng quốc gia), các cuộc điều tra dinh dưỡng hiện nay cho thấy tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi và thể nhẹ cân ở trẻ em và học sinh giảm đáng kể so với thời gian trước. Tuy nhiên, tỷ lệ thừa cân béo phì lại gia tăng rất nhanh. Không chỉ riêng ở TPHCM mà tại các thành phố lớn như Hà Nội, nghiên cứu năm 2011 trên hơn 3.000 học sinh tiểu học nội thành cũng cho thấy, gánh nặng kép về vấn đề dinh dưỡng đã nghiêng hẳn về phía thừa dinh dưỡng với 23,4% học sinh bị thừa cân và 17,3% học sinh bị béo phì. Trong khi, tỷ lệ học sinh bị thấp còi chỉ 2,4% và 2% học sinh bị gầy còm.

Nhiều nguy cơ bệnh tật

Thừa cân, béo phì làm tăng nguy cơ xơ vữa và thuyên tắc mạch vành, nhồi máu cơ tim, bệnh tăng huyết áp. Trong đó, bệnh tăng huyết áp đã hiện hữu trong một tỷ lệ không nhỏ ở học sinh các cấp học. Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM cho biết, tình trạng tăng huyết áp ở học sinh các cấp tại TPHCM năm 2014 là 15,4%; đặc biệt tình trạng tăng huyết áp đã xuất hiện ở học sinh tiểu học với tỷ lệ 13,4%. Ngoài ra, thừa cân béo phì gây các biến chứng thuộc về chuyển hóa, nội tiết, gây nguy cơ của bệnh đái tháo đường týp 2, đi kèm các rối loạn lipid máu, tăng nguy cơ tim mạch.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thừa cân như yếu tố môi trường, xã hội và cả yếu tố di truyền, nhưng đa phần là do mất cân bằng giữa ăn vào và tiêu hao. Béo phì nếu không được kiểm soát và điều trị đúng đắn sẽ có nhiều biến chứng như: xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, bệnh nhồi máu cơ tim, đái tháo đường, suy nhược sinh dục... Theo điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia, hiện nay tỷ lệ béo phì đã xấp xỉ 10% dân số toàn quốc, cá biệt có địa phương tỷ lệ cao gần 30%. Theo PGS-TS Lê Bạch Mai, cơ cấu khẩu phần ăn của trẻ em thay đổi cả về lượng và chất, đã có xu hướng giảm chất bột, tăng chất đạm và chất béo. Điều này, làm tăng nguy cơ thừa dinh dưỡng dẫn đến thừa cân, béo phì. Cũng theo thống kê của viện, có một điều báo động là có đến 15% bà mẹ không biết con mình thừa cân và 30% biết nhưng không quan tâm đến việc giảm cân cho trẻ.

Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), sự cần thiết phải xây dựng được chiến lược phù hợp để dự phòng một cách có hiệu quả vấn đề thừa cân - béo phì ở trẻ em, một cấu phần quan trọng để đảm bảo thực hiện thành công chiến lược phòng chống bệnh không lây nhiễm 2015-2025 mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt. “Phải hành động nhằm khuyến khích chế độ ăn lành mạnh, khuyến khích tiêu thụ rau quả và kiểm soát các thực phẩm gây hại cho sức khỏe, đặc biệt là hạn chế đồ uống có đường và các biện pháp can thiệp khuyến khích tăng cường hoạt động thể lực là những giải pháp cơ bản khả thi trong phòng chống thừa cân, béo phì trẻ em. Cần nêu cao vai trò và trách nhiệm của nhiều bộ, ngành và tổ chức xã hội liên quan”, PGS-TS Trần Đắc Phu khuyến cáo.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục