Trẻ từ 5 tháng đến 6 tuổi sốt cao, co giật: Sơ cứu cách nào?

Khi trẻ sốt cao co giật, cha mẹ phải bình tĩnh sơ cứu đúng cách vì lúc này trẻ đã mất phản xạ hầu họng, dễ bị hít sặc dẫn đến thiếu oxy não.
Bác sĩ đang khám cho bệnh nhi bị sốt co giật
Bác sĩ đang khám cho bệnh nhi bị sốt co giật

Sáng 17-8, bác sĩ Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, thời gian gần đây Khoa Cấp cứu bệnh viện liên tục tiếp nhận các trường hợp trẻ bị co giật, may mắn, hầu hết là những ca sốt cao, co giật lành tính.

Theo BS Phương, sốt cao co giật lành tính thường xảy ra ở trẻ từ 5 tháng  cho đến 6 tuổi, khi trẻ sốt cao trên 39oC. Gọi là co giật lành tính vì trẻ chỉ bị co giật 1 lần, cơn co giật ngắn (1-2 phút), sau đó tự động hết, trẻ tỉnh táo sau khi co giật, không có biến chứng. Trung bình mỗi năm Bệnh viện Nhi đồng 1 tiếp nhận hơn 300 ca sốt co giật.

Nguy hiểm nhất là những cơn co giật xảy ra khi trẻ không sốt hoặc sốt nhẹ, sau khi co giật trẻ bị liệt nửa người, ngưng thở, thở máy hoặc nặng hơn là hôn mê.

Đây là những bệnh lý liên quan đến nhiễm khuẩn hệ thần kinh trung ương như viêm não, viêm màng não hoặc một số bệnh lý khác như rối loạn điện giải, chấn thương sọ não...

Khi trẻ sốt cao co giật, cha mẹ phải bình tĩnh sơ cứu đúng cách vì lúc này trẻ đã mất phản xạ hầu họng, dễ bị hít sặc dẫn đến thiếu oxy não.
Cần đặt trẻ nằm đầu cao, nghiêng sang một bên, đặt giữa hàm răng trẻ vật nhỏ như cây đũa để hàm mở cho đờm, nhớt, rãi rớt của trẻ chảy ra ngoài.

Đồng thời hạ sốt cho trẻ ngay tức thì bằng cách đặt viên hạ sốt đường hậu môn, cởi quần áo, lau người cho trẻ bằng nước ấm và đưa trẻ đi cấp cứu.

Điều quan trọng là không được để cho trẻ bị tím tái (tím môi, tím mặt, tím toàn thân) vì tím tái là biểu hiện của thiếu oxy lên não.

Các bác sĩ cảnh báo, tuyệt đối không được vắt chanh hay bất cứ nước gì vào miệng trẻ trong lúc trẻ co giật vì lúc này trẻ không có phản xạ hầu họng, những loại nước này có thể lọt xuống đường thở gây co thắt đường thở, nguy hiểm đến tính mạng trẻ.

Tin cùng chuyên mục