Trị bệnh bạo lực học đường: Đòi hỏi thay đổi lớn từ giáo viên

Thời gian qua, liên tiếp xảy ra các vụ bạo lực học đường, học sinh bóp cổ cô giáo, giáo viên bắt học sinh quỳ, ép học sinh uống nước vắt từ giẻ lau bảng…
Trước thực tế đau lòng này, sáng 19-4, Báo SGGP đã tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề “Áp lực học đường - Nguyên nhân và giải pháp” với sự tham gia của các khách mời gồm Th.S Nguyễn Minh - Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM; TS Nguyễn Kim Dung - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục, Đại học Sư phạm TPHCM; TS Huỳnh Công Minh - nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM và ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10).
Trị bệnh bạo lực học đường: Đòi hỏi thay đổi lớn từ giáo viên ảnh 1 Mối quan hệ thầy - trò và quy tắc ứng xử trong trường học cần được thay đổi để phù hợp điều kiện thực tế mới 
Tìm thuốc trị bệnh bạo lực học đường
Liên quan đến một số vụ việc đáng buồn xảy ra trong ngành giáo dục thời gian qua, bạn đọc Trần Huy Thắng (quận Tân Phú, TPHCM) bày tỏ lo ngại trước sự gia tăng của bạo lực học đường. Nhiều hình thức xử phạt “rất sáng tạo” đã được các thầy, cô giáo nghĩ ra, như ép học sinh uống nước vắt giẻ lau bảng, cự tuyệt giao tiếp với học sinh…
Giải đáp băn khoăn này, TS Nguyễn Kim Dung cho biết, đây là vấn đề ngành giáo dục nói riêng và xã hội nói chung cần dũng cảm đối diện và tìm cách giải quyết. TS bày tỏ: “Chúng ta mong muốn có một hệ thống giáo dục đạo đức đạt hiệu quả cao theo chuẩn mực thống nhất từ mầm non đến phổ thông. Tuy nhiên, vấn đề giáo dục đạo đức hiện nay chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các môi trường: gia đình - nhà trường - xã hội và giữa các cấp học”.
Để tìm thuốc đặc trị cho căn bệnh này, TS Huỳnh Công Minh cho biết: “Liều thuốc chữa bệnh bạo lực học đường phải là sự tổng hòa của các môi trường liên quan. Trong đó, về phía nhà trường đòi hỏi quan hệ thân thiện và tấm lòng nhân hậu của thầy, cô giáo. Hệ thống quản lý có hiệu quả của nhà trường cùng những điều kiện hoạt động phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của học sinh”.
Ngoài ra, để giảm thiểu tối đa bạo lực học đường, ông Huỳnh Thanh Phú kiến nghị Bộ GD-ĐT có thêm các quy định xử lý nghiêm đối với những trường hợp giáo viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, bồi dưỡng nhận thức cho đội ngũ nhà giáo.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Minh đánh giá cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm trong việc là cầu nối giữa nhà trường với phụ huynh, học sinh. Chính giáo viên chủ nhiệm sẽ là người gần gũi và hỗ trợ kịp thời nhất khi các em gặp khó khăn trong học tập hoặc các vấn đề liên quan đến cuộc sống. Do đó, trường học cần phát huy tốt hơn nữa trách nhiệm và hoạt động của đội ngũ này.
Thay đổi văn hóa ứng xử trong nhà trường
Bạn đọc Nguyễn Thu Sang (quận Thủ Đức) đặt câu hỏi: “Bộ GD-ĐT đã ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo chấn chỉnh quy tắc ứng xử trong trường học. Vậy trường học cần làm gì để các quy tắc ứng xử đó sớm đi vào cuộc sống, không lặp lại những việc đáng buồn như thời gian qua?”.
TS Nguyễn Kim Dung bày tỏ, để các văn bản chỉ đạo có thể được triển khai cần rất nhiều thứ, nhiều điều kiện. “Tôi cho rằng, hiện giờ các trường đang phải đối phó với quá nhiều vấn đề, trong đó có việc thực thi các văn bản. Yếu tố tinh thần trong các cơ sở giáo dục rất quan trọng. Tôi đưa ra một ví dụ, trường học quy định giáo viên trong trường gặp phụ huynh, đồng nghiệp phải cười, chào. Tuy nhiên, phần lớn giáo viên không làm được với lý do có gì vui đâu mà phải chào”.
Do đó, để có được môi trường ứng xử văn hóa đòi hỏi những con người phù hợp, cơ sở vật chất phù hợp và một chương trình giáo dục phù hợp.
Ở góc độ quản lý nhà trường, ông Nguyễn Minh cho biết, đối thoại với học sinh là việc làm rất cần thiết để cán bộ quản lý nắm bắt được những vấn đề của học sinh.
“Ngoài việc tổ chức đối thoại, nhà trường cần tăng cường tiếp nhận thông tin của các em thông qua các tổ chức đoàn thể, giáo viên tư vấn tâm lý và đội ngũ thầy, cô giáo để có những giải pháp cụ thể giải quyết những vấn đề có liên quan đến các em”, đại diện Sở GD-ĐT TP bày tỏ.
Đặt quy tắc ứng xử trong trường học trước sự chi phối của nền kinh tế thị trường, bạn đọc Trần Hoài Nam (huyện Nhà Bè) cho rằng, mối quan hệ thầy - trò đang dần thay đổi. Trong đó, trường học hoạt động theo cơ chế dịch vụ, tinh thần tôn sư trọng đạo ngày càng bị xem nhẹ.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, TS Nguyễn Kim Dung nhận định, trong một xã hội mà văn hóa “tôn sư trọng đạo” luôn được xem trọng như Việt Nam thì sự xuất hiện của nền kinh tế thị trường tất yếu tạo ra nhiều mâu thuẫn.
“Chúng ta luôn đòi hỏi giáo viên phải chuẩn mực, phải là tấm gương sáng cho học trò noi theo, trong khi bản thân giáo viên của chúng ta hiện đang là những người có nhiều vấn đề nhất khi chế độ đãi ngộ, lương bổng dành cho họ chưa đủ để họ có thể cống hiến hết sức lực của mình. Ngoài ra, vấn đề tuyển sinh đúng đối tượng ở các trường sư phạm, chất lượng đào tạo giáo viên cũng là việc cần quan tâm giải quyết”, vị này phân tích.
Để giải bài toán đó, TS Nguyễn Kim Dung cho rằng, quan hệ giáo viên - học sinh trong thời đại mới cần được xem là quan hệ hướng dẫn, hỗ trợ thay vì dạy dỗ. Điều này sẽ đỡ tạo áp lực cho giáo viên hơn và tăng tính chủ động của người học.
Nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên từ “cỗ máy cái”
Bạn đọc Ngọc Trương (42 tuổi) bày tỏ băn khoăn về chất lượng đào tạo giáo viên hiện tại. Trong đó, chương trình giáo dục ở các trường sư phạm mới chỉ chú ý đến đào tạo kiến thức, kỹ năng mà bỏ qua việc giáo dục đạo đức, thái độ nghề nghiệp cho sinh viên.
Trả lời vấn đề này, TS Nguyễn Kim Dung cho biết, chương trình giáo dục ban hành năm 2016 của Trường Đại học Sư phạm TPHCM có xây dựng chuẩn đầu ra với đầy đủ các mục tiêu về kiến thức, kỹ năng và thái độ mà sinh viên tốt nghiệp cần phải có. Tuy nhiên, TS Nguyễn Kim Dung thừa nhận, khi triển khai, đơn vị đào tạo chưa hoàn toàn tập trung vào việc xây dựng và đánh giá thái độ, chuẩn mực đạo đức cho sinh viên. Thời gian tới, các trường sư phạm sẽ đưa sinh viên xuống các trường phổ thông để quan sát và thực hành nhiều hơn, qua đó giúp nâng cao nhận thức và thái độ của các thầy, cô giáo tương lai.
Ngoài ra, TS Nguyễn Kim Dung cũng đưa ra giải pháp, cần nâng chuẩn giáo viên ở các bậc học. Ở các nước phát triển, sinh viên phải có bằng cử nhân sư phạm, sau đó trải qua 1 hoặc 2 năm cao học trước khi trở thành một giáo viên thực thụ. Đây là quy trình đào tạo Việt Nam chưa làm được. Đồng quan điểm, ông Huỳnh Thanh Phú kiến nghị, nội dung giảng dạy ở các trường đại học sư phạm cần thay đổi theo hướng chú trọng phát triển năng lực và đạo đức của người học.

Thưởng, phạt phải đúng mức, kịp thời

Bạn đọc Nguyễn Văn Minh (huyện Nhà Bè) đặt câu hỏi: “Trong vụ việc học sinh tố cáo cô giáo lên lớp 3 tháng trời không nói gì với học sinh, chúng tôi chỉ thấy ngành giáo dục tập trung xử lý cô giáo. Xin hỏi ngành có đánh giá gì về hành động dũng cảm nói lên bức xúc cá nhân của học sinh Phạm Song Toàn? Vì sao đến nay, ngoài quyết định cho em chuyển trường (sau khi có chỉ đạo trực tiếp từ UBND TP), chưa có bất kỳ hình thức tuyên dương, khen thưởng nào dành cho em? Phải chăng chúng ta chỉ lo khắc phục cái xấu mà quên đi việc tôn vinh, nhân rộng những cá nhân tốt trong giáo dục?”.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Minh, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, cho biết, chương trình đối thoại do Sở GD-ĐT TP tổ chức ngày 23-3 vừa qua với định hướng cởi mở, phát huy quyền dân chủ của học sinh nên đã có 20 ý kiến tham gia. Trong đó, có phát biểu của em Phạm Song Toàn. Phát biểu của em Song Toàn cũng như của tất cả học sinh khác trong chương trình đều thể hiện sự trưởng thành của các em trong nhận thức. Các em không chỉ đề nghị ngành giáo dục thành phố giải quyết những vấn đề các em đang quan tâm, mà còn chủ động đề ra các giải pháp để tăng cường hơn nữa công tác giáo dục toàn diện học sinh hiện nay. Do đó, tất cả phát biểu của các em đều được lãnh đạo ngành ghi nhận và tuyên dương trong chương trình.
Rất nhiều ý kiến của bạn đọc gửi đến buổi giao lưu bày tỏ thắc mắc về các quy định xử phạt giáo viên của ngành giáo dục. Trong đó, sai phạm ở mức độ nào sẽ bị điều chuyển khỏi ngành hoặc buộc phải chuyển công tác khác? Ai hoặc cơ quan nào chịu trách nhiệm giám sát việc thi hành kết quả kỷ luật? Trường hợp người bị kỷ luật có đơn khiếu nại về kết quả xử lý ở đơn vị, cơ quan nào có trách nhiệm điều tra, làm rõ vụ việc? 
Đại diện Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, hiện nay, việc xử lý giáo viên vi phạm căn cứ trên tinh thần Nghị định 27/2012/NĐ-CP ban hành ngày 6-4-2012 quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả viên chức. Theo nghị định này, có 3 hình thức xử lý kỷ luật giáo viên là khiển trách, cảnh cáo và buộc thôi việc. Giáo viên bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc khi vi phạm các nội dung sau: Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, quy tắc ứng xử trong khi thực hiện nghề nghiệp gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Trong đó, quy định tại mục 4, Điều 3 cho biết, thái độ tiếp thu, sửa chữa và chủ động khắc phục hậu quả của viên chức có vi phạm pháp luật là yếu tố xem xét tăng nặng hoặc giảm nhẹ sai phạm. Việc giám sát thi hành kỷ luật do hội đồng kỷ luật và hội đồng sư phạm nhà trường phụ trách. Trong quá trình xử lý kỷ luật (nếu có), những vấn đề khiếu nại về kết quả xử lý kỷ luật, có thể gửi thông tin phản ánh về Phòng Thanh tra Sở GD-ĐT.

Tin cùng chuyên mục