“Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục” thu hút sự tham gia của người trẻ

Bài dự thi của tác giả sinh năm 2000
“Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục” thu hút sự tham gia của người trẻ

Sau hơn một tháng phát động, chương trình “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục” đã thu hút sự tham gia của người trẻ từ khắp mọi miền đất nước. Mỗi bài dự thi đề cập đến một vấn đề giáo dục khác nhau với cách thức trình bày riêng nhưng đều gặp nhau ở nỗi niềm trăn trở và khát khao cống hiến cho giáo dục của trí thức trẻ Việt Nam.

Chương trình “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục” được phát động từ ngày 28/4/2016

Bài dự thi của tác giả sinh năm 2000

Đúng như quy định của chương trình, tính đến hết ngày 10/6, tất cả các tác giả dự thi “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục” đều dưới 35 tuổi. Dù vậy, Ban tổ chức cuộc thi vẫn bất ngờ khi nhận được bài dự thi của những tác giả còn rất trẻ, trong đó, có một tác giả sinh năm 2000.

 “Khi biết đến chương trình “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục” thông qua mạng xã hội, em đã lập tức ngồi viết tác phẩm “Bệnh thành tích trong giáo dục”. Em mất 5 ngày để viết ra hết những tâm tư của mình. Em thật sự mong muốn góp một tiếng nói để chấm dứt tình trạng “học vì điểm số” đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ” - tác giả Võ Thành Nguyên (học sinh lớp 10, Trường THPT Bình Sơn, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) chia sẻ.

Tác giả sinh năm 2000 này còn tin rằng nếu bạn bè cùng trang lứa biết đến “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục”, chắc chắn họ cũng sẽ tích cực tham gia chương trình vì hơn ai hết, học sinh chính là đối tượng hiểu về nền giáo dục hiện tại và có nhiều ý tưởng để nâng cao chất lượng giáo dục.

Cũng là một tác giả trẻ, anh Nguyễn Văn Ninh (sinh năm 1994, ngụ ở Nghệ An) cho biết động lực để anh tham gia “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục” là vì anh muốn các chuyên gia lắng nghe và suy xét những đóng góp của những người trẻ cho giáo dục Việt Nam. Anh Nguyễn Văn Ninh đã dốc hết tâm huyết để hoàn thành công trình dài 29 trang mang tên “Đóng góp đổi mới giáo dục Việt Nam năm 2016”. Để hoàn thành 29 trang này, anh Nguyễn Văn Ninh mất 10 ngày và ngày nào anh cũng thức đến 2-3 giờ sáng để miệt mài với những ý tưởng mới cho giáo dục Việt Nam.

Trong khi đó, tác giả Lê Văn Cường (sinh năm 1984, ngụ tại Yên Bái) chia sẻ rằng anh cảm thấy may mắn vì vẫn còn đủ “trẻ” để tham gia chương trình “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục”. Theo tác giả Lê Văn Cường, điểm hay của “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục” là đánh giá chính xác về sức sáng tạo dồi dào của trí thức trẻ và tìm cách khuyến khích sức sáng tạo đó.

Ban tổ chức chương trình đánh giá rằng việc nhiều tri thức trẻ, trong đó có các học sinh - sinh viên tích cực tham gia “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục” là một dấu hiệu tích cực. Điều này phần nào chứng tỏ rằng “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục” đã chính xác khi khoanh vùng đối tượng dự thi ở độ tuổi dưới 35 nhằm khuyến khích người trẻ cống hiến cho giáo dục.

Trong tháng đầu tiên phát động, “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục” nhận được sự quan tâm của nhiều đối tượng trong và ngoài ngành giáo dục - Ảnh: Internet.

“Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục” là “mưa rào giữa nắng hạn”

Ngoài nổi bật bởi yếu tố “trẻ”, trong giai đoạn nộp bài dự thi, nhiều tác giả còn đánh giá là “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục” là “mưa rào giữa nắng hạn”.

Tác giả Ma Quốc Đảo (sinh năm 1988, ngụ ở TPHCM) đã mất 6 năm tìm tòi nghiên cứu để tạo ra công trình “Áo tri thức”. Anh Quốc Đảo tâm sự rằng hành trình sáng tạo gian nan đã đành nhưng hành trình tìm đường đưa công trình này ứng dụng rộng rãi vào thực tế còn gian nan gấp nhiều lần. Tác giả Ma Quốc Đảo chia sẻ: “Tôi đã gõ cửa nhiều cơ quan liên quan và cầm cố cả số đỏ để tìm cách quảng bá và nhân rộng ý tưởng “Áo tri thức” nhưng vẫn chưa thành công. Khi nghe tin về  cuộc thi “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục” tôi mừng lắm. Đây như là hy vọng cuối cùng để tôi mang “đứa con” của mình ứng dụng vào thực tế. Tôi mong công trình của mình được các chuyên gia của chương trình đánh giá cao và tiến hành thực nghiệm”.

Cùng mong muốn với tác giả Ma Quốc Đảo, thầy giáo Lê Văn Cường (sinh năm 1984, ngụ tại Yên Bái) hy vọng công trình dạy lịch sử thế giới bằng 3.456 câu thơ lục bát của mình sẽ được in rộng rãi như một tài liệu tham khảo và được sử dụng rộng rãi trong công tác giảng dạy môn Lịch sử. Dù nhiều lần tìm kiếm cơ hội để công trình “Lịch sử thế giới bằng thơ lục bát” được in như một tài liệu tham khảo nhưng thầy giáo Lê Văn Cường vẫn chưa thành công. Thầy hy vọng: “Với cách truyền đạt bằng thơ lục bát, tôi mong rằng công trình của tôi sẽ đem lại cho các em học sinh cấp 3 niềm yêu thích và góp phần khắc phục thực trạng đáng buồn khi học sinh “quay lưng” với môn Lịch sử như hiện nay”.

Giảng viên Trương Thị Kim (sinh năm 1988, công tác tại trường ĐH Nam Cần Thơ, TP.Cần Thơ) cũng cho biết cô thực hiện đề tài “Hỗ trợ sinh viên làm việc quốc tế theo từng dự án tại Trường Đại học Nam Cần Thơ” với mục đích lớn nhất giúp Đại học Nam Cần Thơ vận dụng khoa học, công nghệ vào giáo dục để công tác giảng dạy hiệu quả hơn.

Không chỉ nhận được sự quan tâm của các đối tượng trong ngành giáo dục, “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục” còn thu hút sự chú ý của đối tượng ngoài ngành. Chị Nguyễn Thị Thảo Nguyên (nhân viên văn phòng, sinh năm 1985, ngụ tại Long An) đánh giá chương trình “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục” là một chương trình thiết thực hứa hẹn sẽ tìm kiếm nhiều ý tưởng hay cho giáo dục Việt Nam nên chị sẽ giới thiệu các đồng nghiệp cùng tham gia.

Tại thời điểm này, Ban tổ chức cho biết còn quá sớm để nhận định chung về chất lượng của các bài dự thi, nhưng bước đầu, chương trình đã nhận được nhiều công trình triển vọng chứa nhiều tâm huyết của người trẻ dành cho giáo dục.

Chương trình “Tri Thức Trẻ Vì Giáo Dục” do Trung ương Đoàn phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long và Báo Tuổi Trẻ thực hiện. Chương trình dành cho trí thức trẻ là công dân Việt Nam dưới 35 tuổi. Người dự thi tham gia chương trình bằng cách gửi về Ban tổ chức các công trình, sáng kiến mới thuộc lĩnh vực giáo dục như phương pháp dạy học, các sáng chế dụng cụ học tập hoặc công trình nghiên cứu giáo dục. Năm 2016, cuộc thi được phát động rộng rãi trên toàn quốc và bắt đầu nhận hồ sơ tham dự từ ngày 28/4/2016 đến hết ngày 30/9/2016.

Dựa trên tiêu chí về tính khả thi và tính mới để chấm giải, trong khoảng 12 - 15 công trình lọt vào vòng chung kết sẽ có tối đa 5 công trình tiêu biểu được trao giải 100 triệu đồng/công trình. Các công trình còn lại sẽ được trao giải thưởng trị giá 10 triệu đồng/công trình.

Hình thức tham gia chương trình:

Để tham gia chương trình, các cá nhân, nhóm tác giả: gửi bản thuyết minh (hoặc hiện vật) công trình, sáng kiến qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp cho Ban Tổ chức chương trình trước ngày 30/9 hàng năm. Hồ sơ xét chọn ghi rõ: họ và tên tác giả, đồng tác giả, nhóm tác giả; tên công trình, sáng kiến; cơ quan (đơn vị); địa chỉ; điện thoại của tác giả, tập thể tác giả khi cần liên lạc; ngày, tháng, năm sáng tạo. Ban tổ chức không gửi lại những hồ sơ phạm quy, gửi không đúng quy trình.

Địa chỉ nhận hồ sơ:

Ban Thanh niên Trường học, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, số 64 Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội. SĐT: 04.6263.1852; đồng thời gửi bản mềm (file .pdf, .docx, .doc, .pptx, .ppt hoặc các file thiết kế sản phẩm) tới địa chỉ email: trithuctrevigiaoduc@gmail.com. Hoặc Ban Thanh niên, Báo Tuổi Trẻ, Số 60A, Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh. SĐT: 08.3997.3838.

Để biết thêm thông tin chi tiết, vui lòng truy cập vào website: www.trithuctrevigiaoduc.com

M.T.

Tin cùng chuyên mục