Triển khai BHXH đối với lao động người nước ngoài

Từ tháng 12-2018, cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) triển khai thu BHXH bắt buộc đối với lao động là người nước ngoài (NNN) làm việc tại Việt Nam. Ở TPHCM, mỗi năm có khoảng 10.000 lao động NNN được cấp giấy phép lao động và hiện có nhiều đơn vị sử dụng lao động NNN đang lúng túng khi đóng BHXH cho đối tượng này.

Lúng túng 

Công ty Liên doanh TNHH Nippon Express (quận Tân Bình, TPHCM) đang sử dụng nhiều lao động NNN. Trong đó, các trưởng phòng là người Nhật Bản, được công ty mẹ cử qua công ty công tác theo nhiệm kỳ 3 - 5 năm và có giấy phép luân chuyển nội bộ (do công ty có ngành nghề kinh doanh được miễn giấy phép lao động). Các trưởng phòng này có tham gia BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp tại Nhật Bản theo quy định của Nhật Bản.

Điều công ty lúng túng là không rõ những lao động này khi sang Việt Nam làm việc có phải đóng thêm khoản BHXH và nếu đóng thì thành ra phải đóng đến 2 lần BHXH (tại Nhật Bản và Việt Nam). Còn nếu không đóng, việc chứng minh người lao động đã tham gia BHXH tại nước ngoài thì công ty cần nộp những giấy tờ gì, chứng từ này có phải dịch thuật và công chứng? Trong khi đó, một số lao động người Nhật khác được công ty tuyển dụng ngay tại Việt Nam, họ có giấy phép lao động theo đúng quy định pháp luật, thì đóng BHXH như thế nào? Với lao động NNN cao tuổi (62 tuổi), thì sao?

Triển khai BHXH đối với lao động người nước ngoài ảnh 1 Lao động người nước ngoài làm việc tại Công ty TNHH MTV Cao su Bến Thành
Trong khi đó, Công ty Line Việt Nam (quận 1) cho hay, công ty là đơn vị liên doanh với nước ngoài, giám đốc công ty hiện là người được đơn vị liên doanh cử sang làm việc tại Việt Nam từ 3 - 4 năm. Vị giám đốc này từng làm việc ở công ty nước ngoài trên 12 tháng và khi sang Việt Nam làm việc thì được miễn giấy phép lao động. Hiện vị giám đốc này hưởng lương duy nhất từ công ty ở Việt Nam.

Theo Công ty Line Việt Nam, trường hợp này không thuộc diện đóng BHXH bắt buộc tại Việt Nam, song không rõ công ty hiểu như vậy có đúng hay không? Còn công ty SCS Global Consulting Việt Nam (quận 1) lại lúng túng với 3 trường hợp lao động NNN. Thứ nhất, lao động NNN di chuyển nội bộ trong doanh nghiệp có giấy miễn giấy phép lao động và có ký hợp đồng lao động với công ty tại Việt Nam, công ty tại Việt Nam trả toàn bộ lương cho lao động NNN, công ty mẹ tại Nhật Bản không trả gì. Thứ hai, lao động NNN di chuyển nội bộ trong doanh nghiệp, có giấy miễn giấy phép lao động, nhưng không ký hợp đồng lao động với công ty tại Việt Nam, toàn bộ lương được chi trả bởi công ty mẹ tại nước ngoài, công ty tại Việt Nam không trả gì. Thứ ba, lao động NNN di chuyển nội bộ trong doanh nghiệp, có giấy miễn giấy phép lao động, ký hợp đồng lao động với công ty tại Việt Nam nhưng tiền lương do công ty mẹ trả tại Nhật Bản, đóng BHXH cũng tại Nhật Bản trước, sau đó công ty mẹ đòi lại toàn bộ tiền lương này từ công ty tại Việt Nam. Đại diện công ty cho biết, với 3 trường hợp lao động NNN này, công ty không rõ trường hợp nào phải đóng BHXH tại Việt Nam, trường hợp nào không?

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, cần phân định rạch ròi để tránh việc lao động NNN phải đóng BHXH 2 lần. Các doanh nghiệp cũng cho biết, lao động NNN sang Việt Nam chủ yếu làm việc trong thời gian ngắn theo nhiệm kỳ; vì thế, đa số họ không quan tâm đến chế độ hưu trí (chế độ quan trọng nhất của chính sách BHXH) ở Việt Nam. Ngoài ra, việc tham gia bảo hiểm y tế của lao động NNN cũng bất tiện vì khi đi khám bệnh tại TPHCM, đa số nhân viên y tế không sử dụng được ngoại ngữ, doanh nghiệp phải cử phiên dịch đi cùng.
Lao động di chuyển nội bộ không phải đóng BHXH
Phó Giám đốc BHXH TPHCM Nguyễn Thị Thu xác nhận, hiện các cơ sở khám chữa bệnh ở TPHCM ít trang bị hệ thống phiên dịch, chưa có người phiên dịch nên lao động NNN đến khám bệnh thường phải đi kèm theo phiên dịch viên. Điều này quả thật phức tạp đối với người bệnh và doanh nghiệp sử dụng lao động NNN. Về việc đóng BHXH cho lao động NNN, bà Nguyễn Thị Thu cho hay, lao động NNN di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp không thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc.
Cụ thể là những lao động NNN di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp là nhà quản lý, giám đốc điều hành, chuyên gia và lao động kỹ thuật của một doanh nghiệp nước ngoài đã thành lập hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam, di chuyển tạm thời trong nội bộ doanh nghiệp sang hiện diện thương mại trên lãnh thổ Việt Nam và đã được doanh nghiệp nước ngoài tuyển dụng trước đó ít nhất 12 tháng. Để xác nhận không phải đóng BHXH, doanh nghiệp chỉ cần cung cấp văn bản (do cơ quan có thẩm quyền xác nhận) cho đoàn thanh tra, kiểm tra pháp luật lao động, BHXH (nếu có).
“Riêng lao động NNN làm việc tại Việt Nam không thuộc diện di chuyển nội bộ thì doanh nghiệp hàng tháng phải đóng BHXH cho những lao động này. Trong đó, từ ngày 1-12-2018, đóng 3% trên quỹ tiền lương tháng đóng BHXH của người lao động vào quỹ ốm đau và thai sản; đóng 0,5% vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Ngoài ra, từ ngày 1-1-2022, doanh nghiệp đóng 14% và lao động NNN đóng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất”, bà Nguyễn Thị Thu giải thích thêm. 
Về các trường hợp lao động NNN lớn tuổi, theo bà Nguyễn Thị Thu, thì những lao động này không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Cả 3 nhóm lao động NNN mà Công ty SCS Global Consulting Việt Nam băn khoăn, nếu lao động NNN làm việc tại Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền xác nhận là người lao động di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định 11/2016/NĐ-CP của Chính phủ thì không thuộc đối tượng đóng BHXH bắt buộc.

Giám đốc BHXH TPHCM Phan Văn Mến cho biết, lao động NNN thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc từ năm 2018 và từ tháng 12-2018 (thời điểm có Nghị định 143/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực), BHXH TPHCM thực hiện thu BHXH bắt buộc đối với lao động NNN. Lao động NNN làm việc tại Việt Nam thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc khi có giấy phép lao động, hoặc chứng chỉ hành nghề, hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp và có hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 1 năm trở lên. Theo ông Phan Văn Mến, việc lao động NNN tham gia BHXH là cơ sở để cơ quan BHXH giải quyết các chế độ ốm đau, thai sản, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất cho lao động NNN

Tin cùng chuyên mục