Triển khai từ 2016, nhưng chưa có quy định tiêu chuẩn sữa học đường dùng trong trường học ​ ​

17 tỉnh, thành triển khai chương trình  sữa học đường thì 100% do Sở GD-ĐT chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành đề án, chưa có sự vào cuộc của ngành y tế tại các tỉnh, thành phố (đơn vị được giao chủ trì)...

Giải trình lại ý kiến các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về những vụ ngộ độc sữa học đường gần đây khiến phụ huynh, học sinh hoang mang, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay, hiện nay vẫn chưa có sữa theo tiêu chuẩn sữa học đường. Nguyên nhân là do Bộ Y tế chưa ban hành hướng dẫn triển khai chương trình và chưa quy định tiêu chuẩn sữa học đường dùng trong trường học.

Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 được Thủ tướng phê duyệt từ năm 2016 (Quyết định số 1340/QĐ-TTg). Chương trình đặt ra 7 mục tiêu cụ thể, trong đó có mục tiêu đến năm 2020, chiều cao trung bình của trẻ em 6 tuổi tăng 1,5cm - 2cm ở cả trẻ trai và trẻ gái so với năm 2010.

Triển khai từ 2016, nhưng chưa có quy định tiêu chuẩn sữa học đường dùng trong trường học ​ ​ ảnh 1 Trẻ mẫu giáo uống sữa tại lớp. Ảnh: H.DUNG
Đến nay đã có 17 tỉnh, thành phố ban hành Đề án sữa học đường và thành lập Ban chỉ đạo triển khai chương trình tại địa phương. Kinh phí thực hiện đề án được bố trí: ngân sách của tỉnh, thành phố hỗ trợ tối thiểu 20% - 30%; doanh nghiệp sữa hỗ trợ tối thiểu 20 - 22%; cha mẹ và gia đình trẻ em, học sinh đóng góp tối đa 50-60%.

Trẻ em thuộc diện hộ nghèo, gia đình chính sách, có cha hoặc mẹ làm việc tại khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao được hỗ trợ tối thiểu 50%. Cha mẹ trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học tự nguyện tham gia chương trình.

Trẻ được uống sữa tươi 5 lần/tuần của 9 tháng đi học (mỗi ngày uống một lần), mỗi lần 1 hộp 180ml. Doanh nghiệp sữa được lựa chọn theo quy định của pháp luật và đáp ứng một số tiêu chí lựa chọn theo điều kiện đặc thù của địa phương.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT thừa nhận hạn chế là hiện nay vẫn chưa có sữa theo tiêu chuẩn sữa học đường. Nguyên nhân là tuy Ban chỉ đạo Chương trình Trung ương đã thành lập nhưng chưa ban hành kế hoạch triển khai chương trình. Bộ Y tế chưa ban hành hướng dẫn triển khai chương trình và chưa quy định tiêu chuẩn sữa học đường dùng trong trường học.

Phần lớn các tỉnh, thành phố chưa ban hành Đề án do khó khăn về ngân sách. Thực tế 17 tỉnh triển khai chương trình thì 100% do Sở GD-ĐT chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành đề án, chưa có sự vào cuộc của ngành y tế tại các tỉnh, thành phố (đơn vị được giao chủ trì).

Đến nay, mới chỉ có Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp với Tập đoàn Sữa TH tổ chức 2 hội thảo hướng dẫn triển khai Chương trình sữa học đường.

Do vậy, Bộ GD-ĐT đề nghị Ban chỉ đạo Chương trình sữa học đường Trung ương cần sớm ban hành kế hoạch triển khai chương trình.

Tại các địa phương, cần sớm thành lập Ban chỉ đạo Chương trình các cấp, tại mỗi Sở Y tế, Sở GD-ĐT cần có các đơn vị đầu mối, chủ trì để triển khai Chương trình.

Đặc biệt, Bộ Y tế (cơ quan chủ trì chuyên môn) cần sớm ban hành hướng dẫn triển khai chương trình và hướng dẫn tiêu chuẩn sữa học đường. Tăng cường công tác hướng dẫn và hỗ trợ chuyên môn, kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc triển khai chương trình tại các trường học, đặc biệt chú trọng công tác đảm bảo an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm sữa đưa vào trường học.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho hay, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng, suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi vẫn còn cao. Nguyên nhân là do vấn đề dinh dưỡng học đường chưa được quan tâm đúng mức, ảnh hưởng đến tầm vóc, thể lực của người Việt Nam khi trưởng thành.

Hiện nay, thực tế trẻ em lứa tuổi học đường ở Việt Nam, nhất là trẻ em từ 2 tới 12 tuổi có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi khá lớn, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, miền núi. 

Tin cùng chuyên mục