Triển vọng của thị trường mỹ thuật Việt Nam

Sau một năm hình thành, nhà đấu giá Chọn’s (Hà Nội) và Lý Thị (TPHCM) đã thực sự góp một viên gạch nền tảng giúp thị trường mỹ thuật nội địa Việt Nam bước qua được “tuổi dậy thì”. 
Tác phẩm Le Hamac (Mắc võng, sơn dầu trên bố) của Joseph Inguimberty - Giáo sư Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, đang là bức cao giá thứ nhì của Việt Nam, bán với giá 971.152 USD
Tác phẩm Le Hamac (Mắc võng, sơn dầu trên bố) của Joseph Inguimberty - Giáo sư Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, đang là bức cao giá thứ nhì của Việt Nam, bán với giá 971.152 USD
Trong hơn 20 năm qua, các chuyên gia quốc tế liên tục đánh giá mỹ thuật Việt Nam là một thị trường rất triển vọng, nhưng chẳng lẽ cứ mãi triển vọng mà không trưởng thành?

Cột mốc

Cuối tháng 4 vừa qua, tại phiên đấu giá thứ 12 chủ đề “Bình minh của Chọn’s”, bức sơn mài Thác Bờ của Nguyễn Huyến đã lên sàn với khởi điểm 120.000 USD, cuối cùng thuộc về nhà sưu tập Nguyễn Phan Huy, giá đấu 280.000 USD (tương đương 6,4 tỷ đồng). Đây được xem là mức giá bán công khai cao nhất cho một phiên giao dịch nội địa. Trong khi đó, tình trạng bán trao tay và giao dịch ngầm vẫn diễn ra mạnh mẽ, có những bức trên 1 triệu USD đã được bán.

Theo chuyên gia hàng đầu về mỹ thuật Việt Nam - Wang Zineng, từ năm 2014 đến nay, thanh thế của mỹ thuật hiện đại Việt Nam trên thế giới tiếp tục thăng tiến. Ngày 11-5-2016, tại phiên đấu giá “Những kỷ niệm đẹp đẽ: Một bộ sưu tập mỹ thuật Việt Nam được tuyển chọn”, với hơn 70 lô tác phẩm Việt Nam, thì gần 90% đã có người mua, tổng số giao dịch hơn 4 triệu USD. 

Trong một tham luận về thị trường mỹ thuật (giữa năm 2017), nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Thành viết: “Năm 2013, lần đầu tiên thị trường mỹ thuật đương đại thế giới vượt mức 1 tỷ EUR và đạt mức 1,5 tỷ EUR trong năm 2014 (tăng 33% so với năm 2013 và tăng gấp 10 lần trong vòng 1 thập niên qua). Thị trường đồ cổ, đồ cũ cũng đạt mức 1,126 tỷ EUR (số liệu báo cáo thị trường mỹ thuật đương đại thế giới năm 2014 do trang web artprice.com tiến hành). 

Thị trường mỹ thuật thế giới phát triển sôi động với những thay đổi liên tục. Trung Quốc và nhiều nước châu Á khác đã trở thành điểm đến yêu thích của các nhà sưu tập và đầu tư mỹ thuật. Tổng giá bán tác phẩm của những nghệ sĩ ngôi sao đã vượt mức 500 triệu USD hàng năm. Nhiều nghệ sĩ đã nằm trong danh sách những người có thu nhập cao nhất thế giới. 100 nghệ sĩ có thu nhập cao nhất đã thu về 1 tỷ EUR trong vòng 12 tháng qua, so với 102 triệu EUR cho cả năm 2004. Vẫn theo trang web này, Zeng Fanzhi (Tăng Phạm Chí, sinh 1964 tại Vũ Hán), nghệ sĩ đương đại Trung Quốc đã thu về gần 60 triệu EUR qua các phiên đấu giá trong năm 2014. Bức tranh Bữa ăn cuối cùng của họa sĩ này đã bán được 15,1 triệu EUR hồi tháng 10-2013”. 

Trong xu thế châu Á, rồi Đông Nam Á đang leo thang về giá bán, nhiều họa sĩ đã mất và còn sống có tác phẩm vượt ngưỡng bán hơn 1 triệu USD, các đại diện từ Việt Nam cũng “thơm lây”. Ngày 22-11-2014, nhà Christie’s tại Hong Kong đã bán bức sơn dầu View From The Hilltop (Nhìn từ đỉnh đồi, 113cm x 192cm, 1937) của Lê Phổ với giá tương đương 844.697 USD - cao giá nhất thời bấy giờ. Kỷ lục này cũng làm phá vỡ cột mốc mà Nguyễn Phan Chánh vừa đạt đến vài phút trước đó, trong cùng phiên đấu, khi bức lụa La Vendeuse De Bétel (Người bán trầu cau, 67cm x 55cm, 1931) bán giá tương đương 409.393 USD. Chỉ vài năm sau, ngày 2-4-2017, nhà Sotheby’s tại Hong Kong đã bán bức Family Life (Đời sống gia đình, mực và gouache trên bố, 82cm x 66cm, khoảng 1937-1939) của Lê Phổ với 1.172.080 USD. Đến nay, đây vẫn là tác phẩm bán công khai cao giá nhất của mỹ thuật Việt Nam.

Các tên tuổi đương đại như Lê Quảng Hà, Lê Kinh Tài, Bùi Hữu Hùng, Bùi Công Khánh, Phạm An Hải… cũng đã bán được những tác phẩm giá cao, trên 1 tỷ đồng, trên 2 tỷ đồng và trên 5 tỷ đồng. Theo dự đoán của thị trường, việc một tên tuổi đương đại Việt Nam đoạt cột mốc 1 triệu USD (hơn 22 tỷ đồng) - là điều có thể thành hiện thực trong 4-5 năm tới.

Vai trò của Nhà nước: một trọng tài

Cấu trúc giản lược của thị trường mỹ thuật gồm 3 thành tố: người bán, người mua, và các tổ chức trung gian. Từ năm 1986 - 1996, thị trường mỹ thuật nội Việt Nam gần như chỉ có người bán và người mua. Sau khi Mỹ bãi bỏ lệnh cấm vận thương mại đối với Việt Nam (năm 1994), thành tố thứ 3 tổ chức trung gian bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam. Trước năm 2000, các nhà đấu giá danh tiếng thế giới như Sotheby’s, Christie’s… đã đến Việt Nam để tìm hiểu thị trường và xúc tiến thương mại.

“Chưa đầy một thập niên tích cực đầu tư phát triển thị trường nghệ thuật đương đại, giờ đây Philippines đã có mặt trong tốp 20 thị trường nghệ thuật đương đại thế giới. Hai nghệ sĩ Philippines đã có mặt trong danh sách 500 nghệ sĩ đương đại đắt giá nhất và có 1 nghệ sĩ xếp thứ 76 trong số 500 họa sĩ đắt giá nhất năm 2014”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Thành viết. “Nhà nước có quan tâm tới vấn đề này. Các hội thảo cũng đã để ý đến. Tuy nhiên, tôi thấy rằng, chưa có hoạt động nào cụ thể. Ví dụ như chúng ta hoàn toàn có thể ra một đạo luật, trong đó quy định rằng, mỗi giao dịch tranh sẽ trích lại cho Nhà nước bao nhiêu phần trăm thuế, hoặc giao dịch tranh của họa sĩ quá cố thì gửi lại cho những người đại diện trong gia đình bao nhiêu phần trăm - coi như tiền tuất, cũng là như tiền bản quyền. Chúng ta hoàn toàn có khả năng mở ra một trung tâm bản quyền tranh, có con dấu để chứng minh ông này bán cho ông kia và coi như đó là bản quyền. Giao dịch này hoàn toàn công khai, đi từ bóng tối ra ánh sáng. Tranh được bảo hộ. Toàn bộ châu Âu và Mỹ cũng đã sử dụng biện pháp này lâu rồi. Những người bán và mua tranh ở mình không muốn trích cho ai cái gì cả, nên các giao dịch tranh hầu như trở thành giao dịch ngầm hết. Nhưng một khi công khai, mỗi lần có một bức tranh được chuyển nhượng, chúng ta đều nhìn thấy được con đường đi của nó”, bà Linh Cao - chủ Gallery 42 Tràng Tiền (Hà Nội) từng chia sẻ.

“Rõ ràng là để có một thị trường nghệ thuật minh bạch và tự do, tức điều gì sẽ hòa nhập được vào hệ thống thị trường nghệ thuật toàn cầu, vấn đề không chỉ ở cá nhân các nghệ sĩ và gallery, mà còn ở hệ thống tài chính, cũng như các cơ sở pháp lý ở tầm quốc gia, nhà nước. Đặc biệt các cơ sở ấy phải bảo vệ được người mua và kẻ bán ở góc độ bản quyền, cũng như sở hữu cá nhân. Hơn nữa, nhìn một cách nào đó, thị trường nghệ thuật không chỉ nằm ở góc độ tạo ra giá trị kinh tế trực tiếp, mà còn ở chỗ nó gián tiếp tạo ra các giá trị văn hóa. Chính ở đây, nó phải dựa vào sự cấu tạo tiên kiến, thiên ái về thẩm mỹ và văn hóa, tức những gì đặt cơ sở trên sự giáo dục nghệ thuật ở tầm quốc gia hay tư nhân, thông qua các thực hành bảo tàng, triển lãm, hội thảo và ấn loát. Tất cả những khía cạnh này, có lẽ chỉ mới rất gần đây thôi, được quan tâm. Dù sao, muộn còn hơn không”, giám tuyển Nguyễn Như Huy nhận định. 

Như vậy để xác định người mua và người bán thì tương đối dễ dàng, vì ngay từ trước năm 1945, khi các trường mỹ nghệ và mỹ thuật hình thành tại Thủ Dầu Một, Gia Định, Hà Nội, Biên Hòa… thì việc mua bán đã diễn ra. Xác định vai trò trung gian mới phức tạp, vì tùy chế tài pháp luật và định chế văn hóa, tài chính của từng nước mà thành tố trung gian này sẽ gồm những ai. Về nhân sự, thành tố trung gian có thể là những giám tuyển, nhà nghiên cứu - phê bình, nhà báo, người môi giới, các nhà sưu tập, người phục chế, các chuyên viên… Về tổ chức, thành tố trung gian có thể là bảo tàng, phòng tranh, nhà đấu giá, trung tâm thẩm định, trung tâm định giá, trung tâm bản quyền, các tổ chức tài chính, bảo hiểm, ngân hàng, hải quan… Chỉ khi nào các nhân sự và tổ chức này đủ để phối kết hợp nhịp nhàng, thì khi ấy thị trường mỹ thuật mới thật sự hoàn thiện. Và khi ấy, vai trò của nhà nước - thông qua các chế tài pháp luật, các định chế tài chính, văn hóa - sẽ trở thành trọng tài của thị trường đó. 

“Thay đổi lớn nhất cần phải có để hình thành thị trường mỹ thuật Việt Nam là phải coi đó là một thị trường, vận động theo các quy luật của thị trường. Rộng hơn nữa, cần nhìn toàn bộ ngành nghệ thuật từ mỹ thuật, âm nhạc tới văn học, điện ảnh dưới góc độ một ngành công nghiệp văn hóa. Đó là cách các quốc gia phát triển ở phương Tây, sau này là Hàn Quốc, Trung Quốc và gần đây là Philippines đã làm và thành công”, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Thành nhận định.

Tin cùng chuyên mục