Triều Tiên tạm ngừng thử hạt nhân có điều kiện, Hàn Quốc thận trọng, Mỹ tăng sức ép

Đại sứ Triều Tiên tại Ấn Độ Kye Chun-yong cho biết, Bình Nhưỡng sẵn sàng tạm ngừng các hoạt động thử hạt nhân và tên lửa của nước này với điều kiện chấm dứt các cuộc tập trận. 
Các hoạt động thử tên lửa của Triều Tiên luôn vấp phải phản ứng mạnh từ Mỹ và Hàn Quốc
Các hoạt động thử tên lửa của Triều Tiên luôn vấp phải phản ứng mạnh từ Mỹ và Hàn Quốc
Tuy nhiên, phía Hàn Quốc tỏ ra thận trọng và coi đây như là kế hoãn binh của Triều Tiên.

Hòn bấc đi, hòn chì lại

Trả lời phỏng vấn đài truyền hình Ấn Độ WION ngày 21-6, Đại sứ Kye nêu rõ: “Nếu yêu cầu của chúng tôi được đáp ứng, chúng tôi có thể tiến hành đàm phán về việc tạm ngừng các hoạt động thử vũ khí”. Theo ông, một trong số các yêu cầu then chốt là Mỹ - Hàn Quốc phải chấm dứt các cuộc tập trận chung. Lâu nay, Triều Tiên vẫn lên án các đợt tập trận chung Hàn Quốc - Mỹ là đợt tổng duyệt cho một cuộc xâm lược, trong khi Hàn Quốc và Mỹ vẫn luôn tuyên bố rằng, thực chất các cuộc tập trận này chỉ mang tính phòng vệ. 

Theo hãng thông tấn Yonhap ngày 22-6, Hàn Quốc đã tỏ ra thận trọng trong việc đánh giá về phát biểu của Đại sứ Triều Tiên tại Ấn Độ Kye Chun-yong. Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã chỉ ra rằng phía Triều Tiên đã từng đưa ra một đề nghị tương tự hồi năm 2015. Một quan chức của bộ này nói: “Tôi cho rằng Triều Tiên được coi là đang đưa ra quan điểm bằng nhiều cách khác nhau trong bối cảnh các nước đang nói về chương trình vũ khí hạt nhân của họ”. 

Về phần mình, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng tuyên bố, Seoul chưa có kế hoạch  giảm quy mô của các cuộc tập trận chung với Mỹ. Trước đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhấn mạnh sự cần thiết phải đưa Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán. Trong bài trả lời phỏng vấn tờ Washington Post (Mỹ), ông Moon Jae-in cho rằng cần đưa thêm đối thoại vào các phương án đối phó với Triều Tiên hiện nay. Tổng thống Moon Jae-in và người đồng cấp Mỹ Donald Trump dự định sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh vào cuối tuần tới, trong đó hai bên có thể sẽ thảo luận cách phối hợp lập trường đối với vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Ông Moon vẫn tuyên bố sẽ áp dụng cách tiếp cận vừa phi hạt nhân hóa vừa đối thoại với Triều Tiên.

Ngay sau đó, một người phát ngôn của Ủy ban Thống nhất Hòa bình của Triều Tiên được Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên dẫn lời cáo buộc đề nghị của ông Moon liên quan đến chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng là nhằm đẩy trách nhiệm liên quan mối quan hệ liên Triều đang ở trong tình trạng căng thẳng về phía Triều Tiên. 

Kẻ đấm người xoa

Tại cuộc đối thoại an ninh - ngoại giao lần đầu tiên ở Washington ngày 21-6, Mỹ và Trung Quốc nhất trí thực thi các biện pháp trừng phạt Triều Tiên đã được Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (HĐBA LHQ) thông qua. 

Phát biểu với báo giới sau cuộc đối thoại, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nêu rõ: “Chúng tôi đều nhất trí rằng các công ty hai nước không nên có những hoạt động kinh doanh với bất kỳ thực thể Triều Tiên nào bị HĐBA LHQ định rõ trong các nghị quyết trừng phạt”. Ông cũng hối thúc Trung Quốc “tăng nỗ lực để giúp cắt đứt những nguồn tiền này”. 

Về phần mình, Trung Quốc cũng hối thúc thực thi toàn diện và nghiêm túc các nghị quyết của HĐBA LHQ liên quan vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên; sớm nối lại đàm phán về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên và tái khẳng định cam kết của Bắc Kinh là giải quyết vấn đề này thông qua thương lượng; kêu gọi các bên liên quan xem xét và thông qua các đề xuất này nhằm đưa vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên trở lại đúng lộ trình giải quyết hòa bình thông qua đối thoại và tham vấn. 

Trung Quốc còn đề xuất “tiếp cận kép” nhằm thúc đẩy phi hạt nhân hóa trên bán đảo này; thiết lập một cơ chế hòa bình song song với cơ chế “ngừng đổi lấy ngừng” để xoa dịu cuộc khủng hoảng đang ngày càng hiện hữu.

Tin cùng chuyên mục