Bùng nổ blog

Giáo dục hơn là quản lý

Giáo dục hơn là quản lý

Tiếp sau việc đưa ra Thông tư liên bộ 60 về quản lý hoạt động các game online, Bộ Văn hóa Thông tin đang xem xét soạn thảo một thông tư mới nhằm quản lý, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm đối với blog, một loại hình văn hóa đang phát triển mạnh mẽ.

  • Bloggers thờ ơ
Giáo dục hơn là quản lý ảnh 1
Tạo blog, xem blog đang trở thành một nhu cầu văn hóa của một bộ phận lớn người dân, nhất là thanh niên. Ảnh: T.T.

Trái ngược hoàn toàn với tâm lý lo lắng, xôn xao của giới game thủ khi Thông tư 60 chuẩn bị được áp dụng, giới bloggers (những người chơi blog) hoàn toàn dửng dưng trước thông tin sắp có thông tư quản lý blog. Một blogger phát biểu trên blog của mình: “Nghe cứ như đùa ấy, lấy đâu ra nhân lực, vật lực để kiểm soát nội dung hàng triệu blog đang tồn tại, hàng trăm ngàn blog đang hình thành mỗi ngày? Chưa kể việc tìm ra chủ nhân thật sự của một blog cũng không đơn giản gì”. Đó cũng là ý kiến chung của các bloggers về tính khả thi của mọi biện pháp hành chính nhằm quản lý blog.

Hiện nay giới bloggers trong nước chủ yếu đang sử dụng dịch vụ blog của hai đại gia về cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin trên thế giới là Yahoo 360o và Google Mail. Dù có một số điểm khác nhau về giao diện đồ họa giữa hai trang dịch vụ này nhưng về cơ bản cả hai đều cho phép tạo blog dựa trên địa chỉ email, mà bản thân các địa chỉ email này đều có thể tạo thành dựa trên những thông tin cá nhân được người sử dụng đưa ra một cách tự nguyện nên rất khó để chứng minh ai là chủ nhân thật sự của một blog.

Thế giới blog Việt Nam đang phát triển vô cùng mạnh mẽ với số lượng thành viên lên đến con số triệu người với hàng trăm ngàn blog đã được tạo dựng. Thậm chí, blog còn được cho là đang trở thành một kênh giao tiếp xã hội quan trọng nhất là trong giới trẻ hiện nay. Có rất nhiều blog mang ý nghĩa tốt đẹp, góp phần cải thiện đời sống văn hóa xã hội như những blog tổ chức quyên góp sách cho trẻ em nghèo, quyên góp vật chất giúp đồng bào lũ lụt, blog hỗ trợ học sinh đi thi đại học, blog tập hợp bạn trẻ đi làm từ thiện… Tuy nhiên, bên cạnh đó còn không ít blog mang nội dung xấu, đặc biệt là thời gian gần đây nổi lên những blog “đen” có nội dung không lành mạnh, kích động lối sống sa đọa, khiêu dâm.

Trước tình trạng blog đang phát triển một cách tự phát, thoải mái như hiện nay, không có gì lạ khi những người có trách nhiệm trở nên lo lắng trước sự xuất hiện của những blog “đen” đe dọa làm băng hoại lối sống giới trẻ. Để hướng blog vào con đường phát triển lành mạnh, có ích cho xã hội, việc ngành văn hóa mong muốn quản lý, điều chỉnh hoạt động blog là điều hoàn toàn hợp lý và thể hiện sự quan tâm của các ngành chức năng đối với những loại hình văn hóa mới.

  • Quản lý bối rối
Giáo dục hơn là quản lý ảnh 2

Nhiều bạn trẻ rất quan tâm đến việc tạo blog, xem blog.
Ảnh: T.T.

Tuy nhiên, mong muốn là một chuyện, thực hiện lại là một chuyện khác. Theo ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng (Bkis Center) thì: “Hầu hết các nhà cung cấp là ở nước ngoài, khó có thể yêu cầu họ hợp tác. Chưa kể có những cái mình cho xấu nhưng họ lại nghĩ khác. Không giống như game online, người ta thường viết blog và truy cập từ nhà hoặc cơ quan, chứ không tập trung tại các cửa hàng Internet nên việc kiểm soát cũng phức tạp hơn. Không phải chỉ ở Việt Nam, hiện nay các nước cũng đang khó khăn trước sự bùng nổ của blog”. Đối với việc ngăn chặn trực tiếp từ máy chủ của các dịch vụ cung cấp blog, ông Quảng cho rằng: “Việc can thiệp như vậy là không khả thi vì luật pháp mỗi nước một khác, có thể ở nước này thì nội dung đó là vi phạm nhưng nước khác họ lại không quan tâm”.

Cả những người quản lý cũng có cùng suy nghĩ, ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở BC-VT TPHCM cho biết: “Nếu nói theo dõi tất cả các blog hiện nay thì quả là không thực tế về mặt nhân lực và kỹ thuật, hiện nay điều chúng tôi có thể làm là khi bên VHTT yêu cầu chặn blog nào thì chúng tôi sẽ thực hiện chứ không thể ngồi dò từng blog nổi”. Không có biện pháp kỹ thuật để kiểm soát cũng như ngăn chặn blog xấu đã biến việc áp dụng một thông tư quản lý blog mang tính chủ quan vào hiện thực trở nên xa vời. Ngay ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VHTT khi trả lời phỏng vấn báo chí về việc quản lý blog cũng cho rằng “nên nhấn mạnh các biện pháp giáo dục hơn là hành chính!”.

Cùng với đà phát triển của khoa học kỹ thuật đã nảy sinh ra rất nhiều những hình thức văn hóa mới. Quản lý những hình thức văn hóa mới này sao cho không làm ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội đồng thời ngăn chặn, loại bỏ những mặt trái của chúng đang trở thành thử thách lớn đối với các cơ quan quản lý trong nước. Xem blog như một dạng báo chí và quản lý bằng luật báo chí như một số nước tiên tiến đang thực hiện cũng là một bài học mà các cơ quan quản lý trong nước có thể học hỏi để áp dụng vào tình hình thực tiễn trong nước.

TÂN TƯỜNG

Tin cùng chuyên mục