Vì sao nhu cầu tiêu thụ năng lượng vẫn tăng?

* Mỗi ngày, Petrolimex phải bù lỗ 2 tỷ đồng tiền xăng
Vì sao nhu cầu tiêu thụ năng lượng vẫn tăng?

* Mỗi ngày, Petrolimex phải bù lỗ 2 tỷ đồng tiền xăng

Điều này tưởng như vô lý nhưng lại là một thực tế đối với nhu cầu sử dụng xe gắn máy hiện nay của người dân. Thay vì giá xăng tăng, người dân sẽ tăng cường sử dụng loại phương tiện đi lại tiết kiệm năng lượng, nhưng ngược lại đa số họ lại chọn cho mình những phương tiện đi lại có mức tiêu hao năng lượng cao, nhất là loại xe gắn máy tay ga.

8/10 khách hàng thích mua xe tay ga

Đến đại lý cửa hàng xe gắn máy của Hãng Yamaha trên đường Lê Thị Riêng, quận 1 TPHCM, người bán hàng cho biết, đa phần khách hàng thường chọn mua các loại xe gắn máy tay ga.

Người có kinh tế khá giả thì chọn loại xe có giá thành cao như Classical có giá hơn 20 triệu đồng/chiếc, còn người có kinh tế thấp hơn thì thường chọn loại xe Mio có giá từ 15 – 17 triệu đồng/chiếc, tùy theo đời xe.

Vì sao nhu cầu tiêu thụ năng lượng vẫn tăng? ảnh 1
Phần lớn người mua chọn xe tay ga theo thời trang. Ảnh: C.TH.

Theo đại lý mua bán của các hãng xe lớn như Suzuki, Honda, SYM và hàng chục đại lý xe gắn máy trên đường An Dương Vương, quận 5… sự ưu tiên lựa chọn hàng đầu của khách hàng đến mua xe vẫn là các loại xe tay ga.

Chúng tôi đã thử làm một cuộc điều tra nhỏ, trong 10 người đến mua xe tại các cửa hàng xe máy thì có đến 8 người cho biết là họ muốn chọn xe tay ga làm phương tiện đi lại cho mình.

Chị Hoàng Thị Thu Ngân, ngụ tại đường Nguyễn Văn Đậu, quận Bình Thạnh cho biết, là phụ nữ đi làm bằng xe tay ga rất thuận tiện, nhất là cho việc mặc trang phục công sở.

Riêng anh Nguyễn Trọng Hòa, ngụ Huỳnh Văn Bánh quận Phú Nhuận thì sử dụng xe tay ga thời trang hơn loại xe số. Hiện các hãng xe lớn tung ra thị trường nhiều loại xe tay ga mà giá tiền chỉ bằng hoặc cao hơn không đáng kể so với các loại xe sử dụng số, đáp ứng nhu cầu sử dụng đa dạng của người tiêu dùng.

Đây cũng chính là lý do khiến cho số lượng xe gắn máy tay ga tăng đột biến trong những năm gần đây. Theo Sở Tài nguyên - Môi trường TPHCM, ước tính hiện trên địa bàn TPHCM có đến hơn 2,3 triệu xe gắn máy nhưng gần 50% trong số đó là xe tay ga.

Áp lực trước nhu cầu năng lượng gia tăng

Vẫn biết việc sử dụng xe gắn máy tay ga hoàn toàn phụ thuộc vào thị hiếu người dân. Tuy nhiên, thị hiếu này đang gây ra những tác hại nghiêm trọng. Bởi vì hầu hết các loại xe tay ga là xe 100 phân khối trở lên, tiêu tốn nhiều năng lượng.

Trung bình mỗi xe tay ga sử dụng 25 – 30km/lít xăng, cao hơn gấp rưỡi xe hộp số (khoảng 40km/lít xăng). Theo Tổng Công ty Petrolimex, hiện giá xăng nhập khẩu là 16.000 đồng/lít, còn giá xăng trong nước chỉ mới tăng 11.000 đồng/lít.

Trung bình mỗi ngày Tổng Công ty phải bù lỗ đến 2 tỷ đồng. Các chuyên gia năng lượng dự báo, tình hình sử dụng năng lượng trong những năm tới sẽ còn căng thẳng hơn rất nhiều.

Điều này cũng đồng nghĩa với việc trong những năm tới, số lượng người dân sử dụng xe gắn máy tay ga gia tăng thì nhà nước sẽ phải trích thêm nhiều tỷ đồng để bù lỗ cho giá xăng dầu.

Mặt khác, cách đây không lâu, Báo Sài Gòn Giải Phóng đã từng đề cập đến đến việc ngoài tác hại gia tăng áp lực về năng lượng thì tình trạng gia tăng ô nhiễm môi trường cũng là điều rất đáng lo ngại.

Ông Trịnh Đức Chinh, Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam, cơ quan chịu trách nhiệm kiểm tra an toàn kỹ thuật các loại phương tiện giao thông trên toàn quốc phân tích: Xe có phân khối 100 trở lên mà chỉ chạy trong nội thành với tốc độ 20-30 km/giờ thì có nghĩa là công suất của xe không được khai thác hết dẫn đến xăng không được đốt cháy hoàn toàn nên thải ra môi trường rất nhiều chất độc hại.

Một nghiên cứu mới nhất của Cục Đăng kiểm Việt Nam cho thấy, khí thải của xe cơ giới “đóng góp” tới 90% độc tố chì, 25% độc tố Nox (chất làm thương tổn niêm mạc), 98% CO (hơi ngạt) và 95% CnHm (chất gây ung thư hệ hô hấp) trong không khí tại các khu đô thị và tỷ lệ này đang tăng với mức 15%-17%/năm.

Điều đáng lo ngại là từ năm 2001 trở lại đây, nhiều nhà sản xuất nhiên liệu đã dùng CnHm để thay thế chì, kích nổ động cơ xe.

Tiêu chuẩn Việt Nam có quy định đối với xăng không chì loại 90, 92, 95 hàm lượng CnHm là 5%, nhưng các nhà sản xuất có tuân thủ đúng quy định này không? Theo ông Nguyễn Lê Ninh, Chủ tịch Hội Ô tô và thiết bị động lực TP: “Không ai kiểm soát nổi!”.

Riêng tại TPHCM, tỷ lệ các độc tố này ở một số nút giao thông có mật độ người lưu thông cao đã vượt mức cho phép 2-3 lần.

Một điều tất nhiên là không thể bắt buộc người dân phải mua xe sử dụng tiết kiệm năng lượng nhưng nên chăng nhà nước cần có chính sách tuyên truyền, vận động người dân nên cùng nhà nước thực hiện chủ trương tiết kiệm năng lượng và việc đầu tiên cần làm ngay là tăng cường sử dụng các loại phương tiện giao thông tiêu tốn ít năng lượng nhất. 

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục