Cần một thị trường đúng nghĩa

Các nhà khoa học cũng là những người lao động, mặc dù phương thức lao động của họ có hơi khác biệt. Sản phẩm của các nhà khoa học, theo tôi cũng cần được rao bán như các loại sản phẩm khác, trên một thị trường riêng biệt. Như vậy, nhà khoa học nào “sản xuất” ra sản phẩm không phù hợp, họ sẽ “bán ế”. Nhà khoa học nào sản xuất ra sản phẩm tốt, họ sẽ “bán chạy”. Nguyên tắc của thị trường có thể sẽ kéo các nhà khoa học và thị trường gần với nhau hơn, sản phẩm của các nhà khoa học phải gần với thực tế hơn, dễ “bán”hơn.

Riêng các vấn đề nghiên cứu mang tính xã hội, các nghiên cứu khoa học cơ bản, theo tôi “khách hàng” của nhà khoa học chỉ có thể là các đơn vị nhà nước. Đối với đối tượng này, việc “mua” và đặt hàng sản phẩm nghiên cứu khoa học cần thực hiện từ ban đầu, chặt chẽ hơn bởi “người mua” là khách hàng độc quyền.

Để ứng dụng nhanh và hiệu quả đề tài nghiên cứu khoa học, thị trường sản phẩm nghiên cứu khoa học cũng cần được quảng bá rộng hơn, cần sự hỗ trợ của nhà nước để các nhà khoa học có thể “rao bán” sản phẩm của mình một cách dễ dàng, và các doanh nghiệp có nhu cầu có thể dễ dàng tiếp cận những thông tin từ thị trường khoa học công nghệ.

Trong cơ chế thị trường, việc áp dụng kết hợp cả nguyên tắc bàn tay vô hình (sự điều tiết tự nhiên của thị trường) và bàn tay hữu hình  (sự hỗ trợ, quy định của pháp luật) là cần thiết, đặc biệt là với thị trường đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ, một thị trường còn quá mới mẻ tại Việt Nam hiện nay.

THIẾT TÂM

Tin cùng chuyên mục