Có thưởng, phải có phạt

Tôi rất tâm đắc khi đọc trên Báo SGGP tuần trước thấy ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KHCN TPHCM, nói rằng sắp tới các nhà khoa học cũng phải chịu trách nhiệm khi các công trình nghiên cứu của mình thất bại. Trong thực tế, nhiều nhà nghiên cứu, hay việc đầu tư nghiên cứu – triển khai (R&D) của các doanh nghiệp không phải bao giờ cũng thành công, nhưng khi gặp thất bại, bản thân họ cũng phải chịu trách nhiệm. Đối với doanh nghiệp và những nhà nghiên cứu tự do, thất bại trong nghiên cứu đồng nghĩa với hao phí thời gian, công sức và tiền bạc. Thế nhưng, đó là con đường tất yếu của một lĩnh vực rủi ro cao như lĩnh vực sáng tạo.

Theo tôi, chúng ta không thể “bao cấp” cho các nhà khoa học cái rủi ro đó. Các nhà khoa học, nghiên cứu khoa học phải “đu dây” giữa vinh quang và thất bại. Thậm chí, trong lịch sử nhiều nhà khoa học đã thành công mà không vì mục đích muốn có được vinh quang. Đó là những người được cả nhân loại vinh danh sau này.

Theo tôi, việc nghiên cứu khoa học cần được hỗ trợ, các nhà khoa học cần được bảo vệ, tôn trọng bởi vì họ xứng đáng được như vậy. Nhưng, nghiên cứu khoa học là công việc của các nhà khoa học. Họ làm công việc của mình, hưởng thành quả nếu thành công, và chịu mất mát nếu thất bại là hợp lý, công bằng. Tùy theo mức độ thành quả mà họ được hưởng khi thành công, trong hợp đồng nghiên cứu khoa học sẽ xem xét mức độ thiệt hại mà các nhà khoa học phải chia sẻ với đơn vị đầu tư kinh phí nghiên cứu khoa học. Có thể các nhà đầu tư (bao gồm doanh nghiệp – nhà nước), khi ký hợp đồng nghiên cứu khoa học với nhà khoa học, phải gánh chịu phần lớn rủi ro cho các nhà khoa học. Phần lớn thôi, chứ không phải là tất cả.

Ý kiến cho rằng các nhà khoa học cần một thời gian ngưng nghiên cứu khoa học nếu thực hiện thất bại một đề tài cũng là một phương án hợp lý. Nếu một nhà khoa học thất bại trong các đề tài nghiên cứu của mình, theo tôi, ít nhất họ cũng cần có thời gian để nghỉ ngơi, nguôi ngoai sau thất bại vừa rồi của mình.

HẠNH DUNG

Tin cùng chuyên mục