Diễn đàn: Làm gì để ứng dụng nhanh và hiệu quả đề tài nghiên cứu khoa học?

Để hoạt động nghiên cứu khoa học trở thành mũi đột phá

Chúng ta nhận thấy rất rõ là trong nền kinh tế tri thức hiện nay, để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội ổn định và bền vững thì không thể xem nhẹ vai trò của hoạt động khoa học và công nghệ. Bởi nếu làm tốt, đúng hướng thì đây chính là một động lực của sự phát triển nhanh, bền vững và hiệu quả, nó liên quan rất nhiều đến khâu chuyển dịch cơ cấu kinh tế các ngành nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp..., từ đó mới tạo bước đột phá trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để các đề tài nghiên cứu khoa học không bị “mai một”, làm xong cất hộc tủ, lâu lâu lấy ra “cập nhật” lại như vấn đề diễn đàn đặt ra, tôi xin góp mấy ý:

Trước hết, phải đổi mới mạnh mẽ nhận thức về KHCN. Phải coi sản phẩm KHCN là hàng hóa - mà đã là hàng hóa thì phải tuân theo quy luật giá trị và quy luật cung cầu. Trên cơ sở tư duy đó, phải nhanh chóng hình thành thị trường KHCN; từng bước xóa bỏ sự bao cấp của Nhà nước đối với các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học. Có như vậy thì các đề tài, dự án nghiên cứu mới nhanh chóng đi vào cuộc sống, đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao.

Thứ hai, hằng năm xuất phát từ thực tiễn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, ngay từ giữa năm trước, bộ, ngành, địa phương phải công bố công khai định hướng các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học để các tổ chức và các cán bộ khoa học đăng ký nghiên cứu theo năng lực sở trường của mình. Không nên định hướng chung chung, nhất là đối với các đề tài nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn. Cũng không nên sa vào các đề tài mang tầm cấp cơ sở xã, phường. Đặc biệt, việc xem xét, chọn lựa và cho đăng ký đề tài cũng nên hướng mạnh hơn vào những vấn đề bức xúc trong sản xuất và đời sống nhân dân theo từng đặc thù địa phương.

Thứ ba, trong trường hợp những đề tài khoa học có tầm vóc quan trọng, khả năng tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế - xã hội của địa phương, của vùng, kể cả các đề tài khoa học xã hội và nhân văn, nếu cần, có thể tổ chức mời thầu, đấu thầu các đề tài này. Việc đấu thầu phải thật sự công khai minh bạch như đối với các dự án kinh tế.

Thứ tư, phải hết sức chặt chẽ trong việc ký kết hợp đồng; có chế tài thưởng, phạt nghiêm minh đối với các đề tài, dự án không đạt yêu cầu chất lượng, kéo dài thời gian thực hiện, ví dụ nếu cá nhân, đơn vị nghiên cứu để kéo dài bị “trượt giá”, gặp khó khăn thì phải tự chịu trách nhiệm.

Thứ năm, tổ chức nghiệm thu phải bảo đảm chất lượng, nhất là đối với các đề tài khoa học xã hội phức tạp và nhạy cảm. Cần có cơ chế bắt buộc chủ nhiệm đề tài phải gạt bỏ về cơ bản những cái thô như về câu chữ, cách hành văn, các số liệu, địa danh…Có như vậy thì khi tổ chức nghiệm thu, các thành viên trong Hội đồng nghiệm thu không mất thì giờ góp ý về các tiểu tiết mà tập trung vào những vấn đề cốt lõi về chất lượng, về sự chính xác của các sự kiện, các thông số kỹ thuật, về nội dung phân tích, đánh giá của tác giả…

Thứ sáu, ngân sách cần xóa dần sự bao cấp đối với các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học. Theo tôi, nghiên cứu khoa học chủ yếu nên là nghiên cứu ứng dụng. Để làm điều này, ngân sách sẽ có sự đầu tư ban đầu. Khi đề tài đã được nghiệm thu và ứng dụng thử nghiệm có hiệu quả, phải có cơ chế bắt buộc đối tượng sử dụng đề tài phải “mua lại bản quyền”, vì đây là một sản phẩm hàng hóa KHCN. Mặt khác, có cơ chế khen thưởng thích đáng đối với tác giả các đề tài đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao. Cơ chế nói trên có tác dụng vừa giảm bớt sự đầu tư bao cấp của ngân sách Nhà nước, đồng thời kích thích các tổ chức kinh tế, xã hội quan tâm đầu tư cho nghiên cứu khoa học. Ví dụ cụ thể như đề tài nghiên cứu các tuyến du lịch sinh thái kết hợp với văn hóa, lịch sử, hoặc du lịch cộng đồng chẳng hạn, nếu có các nhà khoa học nào nghiên cứu có chất lượng, khả thi, thì công ty du lịch hoặc Tổng cục Du lịch, Sở Thương mại-Du lịch tỉnh, thành phải mua lại đề tài này, tối thiểu cũng hoàn trả lại một phần đáng kể kinh phí đầu tư nghiên cứu đề tài trên.

Bảy là, cần tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ quản lý các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học, nhất là những cán bộ chuyên sâu về khoa học xã hội và nhân văn cũng như về KHCN, có đủ năng lực tư vấn thẩm định bước đầu các đề tài, dự án nghiên cứu. Đối với một số lĩnh vực mà cán bộ trẻ chưa có kinh nghiệm, nên thực hiện cơ chế hợp đồng sử dụng những nhà khoa học đã nghỉ hưu nhưng còn khả năng nghiên cứu, cống hiến.

Cuối cùng, tôi đề nghị các nguồn vốn dành cho nghiên cứu KHCN cao phải được ưu tiên và tập trung cho những đề tài thật sự có giá trị thay vì… nể nang cứ chia đều theo kiểu cứ đăng ký đề tài thì ngành anh cũng có một tí, ngành tôi cũng một tí!

Với các giải pháp trên hy vọng nền KHCN Việt Nam sẽ giữ đúng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, trong hội nhập kinh tế toàn cầu.

PHÙNG QUỐC ANH
(Văn phòng UBND tỉnh Tiền Giang)

Tin cùng chuyên mục