Công nghệ ở các doanh nghiệp TPHCM

Cần thay “áo” để hội nhập

Cần thay “áo” để hội nhập

41 doanh nghiệp và 2 hiệp hội ngành nghề vừa tham gia buổi hội thảo “Phục vụ chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trên địa bàn thành phố”, do Sở Khoa học Công nghệ (KHCN) TPHCM, Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH) và Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn  tổ chức. Ở đây, các doanh nghiệp có dịp trao đổi kinh nghiệm, xúc tiến cơ hội hợp tác kinh doanh với 25 doanh nghiệp đi cùng KITECH.

  • Nỗi lo doanh nghiệp
Cần thay “áo” để hội nhập ảnh 1

Các doanh nghiệp Việt Nam-Hàn Quốc đang trao đổi kinh nghiệm về hoạt động công nghệ. Ảnh: MINH TÚ

Là kỹ sư cơ khí chế tạo máy, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Ngân, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh cho rằng năng lực cạnh tranh trên thương trường thế giới của doanh nghiệp Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực của tiêu chí “tiến bộ về công nghệ”.

Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới vào năm 2004, chỉ số cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam xếp hạng 77/104, chỉ số xếp hạng về công nghệ lại đứng thứ 92! Một kết quả đánh giá khác được thực hiện bởi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Unido cho biết công nghệ của các doanh nghiệp Việt Nam tụt hậu so với mức trung bình của thế giới từ 2 đến 3 thế hệ. 76% máy móc, dây chuyền công nghệ thuộc thế hệ thập niên 50-60, 75% đã hết khấu hao và 80%-90% là thiết bị ngoại nhập trong đó 50% là thiết bị đã qua sử dụng.

Các số liệu cũng cho thấy chỉ 10% doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, 38% ở mức trung bình và 52% thuộc loại lạc hậu và rất lạc hậu. Cũng theo ông Nguyễn Hoàng Ngân, một trong những yếu tố quan trọng trong quá trình chuẩn bị các hoạt động đầu tư là đòi hỏi chủ đầu tư phải có những thông tin tương đối đầy đủ và cập nhật về lĩnh vực dự kiến đầu tư. Nhưng hiện nay các dịch vụ tư vấn đầu tư và tư vấn lựa chọn công nghệ trong nước chưa thật sự mạnh, chưa tạo được tin cậy.

Cùng quan điểm về việc thiếu thông tin đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Tịnh Hiếu, Giám đốc Công ty Cơ khí tự động Định Hưng Phú cho rằng các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư máy móc công nghệ rất nhiều, nhưng hầu hết đều không am hiểu về công nghệ và thiết bị. Doanh nghiệp trong nước không nắm vững công nghệ nên thường khó quyết định mua công nghệ chế tạo trong nước, còn việc nhập khẩu thì giá thành cao và thời gian đổi mới công nghệ chậm.

Trong khi đó, việc xúc tiến thị trường công nghệ cho các doanh nghiệp trở nên ngày càng bức thiết hơn. Theo ông Lê Hoài Quốc, Phó Giám đốc Sở KHCN TPHCM, hiện nay Sở đang xây dựng đề án đổi mới công nghệ sản xuất phục vụ chuyển dịch cơ cấu công nghiệp trên địa bàn TP, triển khai các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường vai trò quản lý của sở trong việc thúc đẩy đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, hỗ trợ thị trường công nghệ, xây dựng một giải pháp tổng thể bao gồm cải cách cơ chế, chính sách hỗ trợ, phương án tài chính nhằm hỗ trợ đổi mới công nghệ.

  • Hợp tác, học hỏi

Trong các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, việc giúp các doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn đổi mới, chuyển giao và cung cấp công nghệ từ nước ngoài là một trong những giải pháp quan trọng đang được Sở KHCN TPHCM xúc tiến. Việc hợp tác với KITECH là một trong những nỗ lực đó.

Trong chương trình của cuộc hội thảo đổi mới công nghệ mới nói trên, 41 doanh nghiệp Việt Nam và đại diện của các hiệp hội ngành nghề đã có nhiều cuộc trao đổi trực tiếp với 25 doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc. Ông Lê Hoài Quốc cho biết: “KITECH sẽ tiếp tục phối hợp với chúng tôi, thành lập trung tâm ươm tạo công nghệ tại Việt Nam. Đây là một đơn vị đã có kinh nghiệm trong việc phát triển công nghệ, công nghiệp tại Hàn Quốc, tạo ra doanh nghiệp trên nền ươm tạo công nghệ. Chúng tôi đang tăng cường hợp tác với KITECH, để có thể đồng thời cung cấp thông tin công nghệ từ phía Hàn Quốc cho các doanh nghiệp trong nước, vừa chuẩn bị cho các bước xây dựng, phát triển vườn ươm công nghệ trong nước”.

Việc hợp tác với nước ngoài, theo ông Quốc, không chỉ dừng ở hợp tác với các doanh nghiệp Hàn Quốc. Hiện Sở KHCN đang có những xúc tiến hợp tác với Đức, Pháp và đặc biệt là hợp tác, chuyển giao công nghệ nguồn với nga trong việc mua các công nghệ nguồn ứng dụng pin mặt trời và công nghệ nano bạc.

Bài toán chuyển giao, thay đổi và phát triển công nghệ cho các doanh nghiệp TPHCM, theo ông Quốc, còn rất nhiều trăn trở. Thực tế việc phát triển công nghệ trong nước hiện nay ở rất nhiều doanh nghiệp, rất nhiều lĩnh vực của chúng ta là chưa đủ tầm.

Nhiều lĩnh vực còn thua sút về cơ sở vật chất, thua sút về kinh nghiệm và đặc biệt là thua sút vì thiếu một quá trình nghiên cứu, chuyển từ những đề tài, sản phẩm nghiên cứu ở dạng công nghệ sơ khai thành công nghệ ứng dụng. Trong khi đó, một thị trường tư vấn với các “đại lý” tại Việt Nam của các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài vẫn chưa được hình thành một cách bài bản…

MINH TÚ

Tin cùng chuyên mục