Đề tài phải giải quyết “bài toán” nhu cầu cuộc sống

1. Trong mấy năm gần đây, nhiều phát minh, phát kiến của không ít nông dân đã được đưa vào sử dụng trong thực tế sản xuất, sinh hoạt và được sự tín nhiệm cao của bà con. Có thể kể: nhiều giống lúa mới của các “nhà khoa học chân đất” ở An Giang, Long An…; máy cắt lúa được cải tiến từ máy cắt cỏ ở Lâm Đồng; máy lặt đậu phộng ở Phú Yên; máy bẫy côn trùng ở Bình Phước…

Những công cụ mới dù không qua những cuộc nghiên cứu lý thuyết bài bản, dù không có hội đồng thẩm định nghiêm khắc, dù không tiêu tốn tiền bạc của nhà nước, và tất nhiên không có tình trạng “chạy” dự án, “chạy” đề tài…, nhưng cuối cùng đều mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho xã hội. Và, người có sáng kiến, chủ nhân của những công cụ mới này, cũng không đòi hỏi nhà nước phải mua bản quyền, phải bỏ vốn đầu tư…; họ âm thầm làm việc và âm thầm chấp nhận mọi rủi ro. Bởi vì, họ thực hiện theo nhu cầu chứ không theo “đơn đặt hàng”, mà nhu cầu thì bao giờ cũng là động lực mọi sự sáng tạo.

Ngoài ra, những “vua cầu treo” ở An Giang hay “thần đèn” ở Đồng Tháp… cũng xuất phát từ nhu cầu thực tế của bản thân, gia đình, sau đó mới xét đến nhu cầu của cộng đồng.

2.
Nhìn lại, trong nhiều năm qua, mỗi năm nhà nước tiêu tốn không ít tiền của, phương tiện, thời gian, chất xám để đầu tư cho các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học. Xét cho cùng, tuyệt đại đa số các đề tài đều có mục đích tốt đẹp, có thể mang những lợi ích thiết thực cho xã hội. Tuy nhiên, từ mục đích tốt đẹp đến kết quả tốt đẹp (và cả hiệu quả tốt đẹp) là cả một quá trình.

Trong đó, nổi lên vấn đề “nhu cầu” của các đề tài. Không “vơ đũa cả nắm” nhưng rõ ràng có không ít đề tài hoàn toàn không nằm trong nhu cầu đúng nghĩa của các nhà nghiên cứu. Đó là việc các nhà nghiên cứu ở những cơ quan có trách nhiệm được giao thực hiện các đề tài nhưng bản thân họ không thích thú hoặc không có liên quan gì đến kết quả hay lợi ích của đề tài đó.

Ngoài ra, cũng có không ít trường hợp người ta thực hiện đề tài chẳng qua vì “nhu cầu” khác, chứ không phải nhu cầu từ lợi ích thiết thực do đề tài mang lại. Trong cả hai trường hợp, người nghiên cứu dường như khó có sự “toàn tâm toàn ý” để đảm bảo đề tài có thể đem ứng dụng trong thực tế và có hiệu quả tốt. Đã vậy, vẫn còn có những đề tài được nghiên cứu theo kiểu “chạy”, kiểu “mua bán”, “trao đổi”… nhằm vào những mục đích nào đó chứ không phải vì nhu cầu cấp thiết của cuộc sống.

3.
Như vậy, muốn ứng dụng nhanh và hiệu quả đề tài nghiên cứu khoa học, trước hết phải xác định nhu cầu thực tế của đề tài đó. Nhu cầu ở đây nên xác định:

Thứ nhất, đó là nhu cầu của thực tế cuộc sống. Không có nhu cầu này coi như đề tài đã thất bại vì “không có đầu ra”. Trong thực tế hiện nay, nhu cầu chính đáng này không được xem trọng, vì vậy ít thấy những công trình nghiên cứu giống cây trồng vật nuôi phù hợp và có hiệu quả kinh tế cho từng vùng miền, từng khu vực địa lý.

Nhu cầu thực tế cuộc sống có thể hiểu là những bức xúc đang diễn ra trong thực tế (chẳng hạn việc xử lý chất thải công nghiệp, việc tái chế và tận dụng các phế phẩm sản xuất…) nhưng cũng có thể là những định hướng về mặt khoa học công nghệ trong những năm tới (chẳng hạn xây dựng mô hình đô thị kiểu mẫu phù hợp với đặc thù của TPHCM, vấn đề cung cấp nước sạch sinh hoạt…).

Thứ hai, chính là nhu cầu của cơ quan, đơn vị cá nhân có trách nhiệm, có điều kiện nghiên cứu khoa học. Chẳng hạn, cơ quan về lâm nghiệp có thể nghiên cứu đề tài chống cháy rừng, bảo vệ rừng, trồng rừng, khai thác rừng (theo quy định)…; cơ quan về thủy sản có thể nghiên cứu về các giống thủy sản phù hợp với từng điều kiện thổ nhưỡng của các vùng miền, các giống lai năng suất cao, kháng bệnh tật…

Như vậy, việc nghiên cứu thành công và có hiệu quả các đề tài khoa học thuộc chức năng, nhiệm vụ và điều kiện của mình sẽ giúp các cơ quan hoàn thành được nhiệm vụ được giao, ngoài ra còn nâng cao uy tín của cơ quan, nhất là giúp nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và đời sống kinh tế của chính cán bộ nhân viên của đơn vị đó.

Tóm lại, mỗi đề tài nghiên cứu khoa học, trước hết bao giờ cũng phải giải quyết được các vấn đề: Nghiên cứu để làm gì? Nghiên cứu để cho ai? Nghiên cứu có ích lợi gì cho xã hội? Sau đó mới quan tâm đến các nội dung khác như Ai nghiên cứu? Nghiên cứu bao lâu? Kinh phí ra sao?... Đó chính là đã giải quyết được bài toán nhu cầu của đề tài. Có như vậy mới tránh được tình trạng nghiên cứu rồi “cất trong ngăn tủ” hoặc nghiên cứu rồi nhưng “không thể ứng dụng được” vì xa rời thực tế! 

Nguyễn Minh Hải (quận 4 – TPHCM)

Tin cùng chuyên mục