Dịch vụ thử nghiệm

Chìa khóa phát triển và hội nhập

Chìa khóa phát triển và hội nhập

Hội nhập là sân chơi bình đẳng giữa các quốc gia trên toàn cầu. Việt Nam gia nhập WTO với nhiều thuận lợi nhưng cũng có những thách thức phải vượt qua, đặc biệt đối với các nhà sản xuất các sản phẩm không chỉ phục vụ cho nhu cầu trong nước mà còn hướng tới định hướng xuất khẩu.

Để có thể tồn tại và phát triển, các nhà sản xuất cần phải giải quyết hợp lý bài toán giữa giá thành và chất lượng sản phẩm. Trước đây, chất lượng sản phẩm có thể do các nhà sản xuất tự công bố và tự chịu trách nhiệm về các công bố của mình. Tuy nhiên, khi đã hội nhập chất lượng sản phẩm phải được xác nhận thông qua các giấy chứng nhận chất lượng được công nhận trong và ngoài nước (nếu muốn xuất khẩu).

Chìa khóa phát triển và hội nhập ảnh 1

Sản xuất bánh ngọt xuất khẩu sang Mỹ, Nhật... tại Công ty cổ phần Kinh Đô. Ảnh: THÀNH TÂM

Các tổ chức cấp giấy chứng nhận chất lượng thường căn cứ vào các kết quả thử nghiệm của các tổ chức có chức năng và năng lực để xem xét. Nếu muốn xuất khẩu và cạnh tranh với hàng nhập khẩu ngay trên sân nhà, các sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước sản xuất phải có các tính năng và thông số không những phải phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mà còn phải phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy chuẩn kỹ thuật của các quốc gia mà sản phẩm dự tính sẽ xuất khẩu đến.

Các nhà sản xuất muốn khẳng định chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp, không còn con đường nào khác là phải thường xuyên thử nghiệm kiểm tra chất lượng sản phẩm. Thử nghiệm kiểm tra chất lượng sản phẩm đem lại nhiều lợi ích đồng thời như: kiểm soát được nguyên liệu đầu vào, tính ổn định trong quy trình sản xuất, cơ sở để cải tiến sản phẩm ngày một tốt hơn, tạo chỗ đứng vững vàng trên thị trường và luôn trong tư thế sẵn sàng xuất khẩu khi tìm kiếm được thị trường. Hiện nay, vấn đề an toàn đang được người tiêu dùng đặt lên hàng đầu. Các sản phẩm kém chất lượng, không an toàn sớm hay muộn cũng sẽ tự đào thải.

Việc thử nghiệm kiểm tra sản phẩm có thể thực hiện theo nhiều cách: tự trang bị thiết bị tại doanh nghiệp hoặc gửi sản phẩm tới các phòng thử nghiệm cấp tỉnh/thành phố như các Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng hay các phòng thử nghiệm đã được công nhận bởi một tổ chức công nhận có thẩm quyền...

Việc trang bị phòng Thử  nghiệm ngay tại doanh nghiệp chỉ thích hợp đối với các doanh nghiệp có quy mô lớn vì các thiết bị thử nghiệm là thiết bị đòi hỏi cấp chính xác cao, người thực hiện các phép thử cũng phải có chuyên môn và đặc biệt là việc duy trì một phòng Thử nghiệm theo chuẩn mực không đơn giản, nhiều tốn kém. Hơn nữa, việc tự trang bị thiết bị thử nghiệm tại các công đoạn quan trọng trong dây chuyền sản xuất cũng chỉ nhằm mục đích đảm bảo chất lượng thành phẩm đạt yêu cầu mong muốn của doanh nghiệp.

Tính khách quan và chất lượng của các thử nghiệm này hiếm khi được các nhà cấp giấy chứng nhận chất lượng công nhận. Ngoài ra, một số nhà tiêu dùng còn đòi hỏi kết quả thử nghiệm của tổ chức thử nghiệm độc lập nhằm đảm bảo kết quả thử nghiệm mang tính khách quan và có độ tín cậy cao.

Hiện nay, các phòng Thử nghiệm đã trang bị thiết bị ngày một hiện đại, được công nhận bởi các tổ chức công nhận trong và ngoài nước, đặc biệt là các phòng Thử nghiệm có chức năng quản lý nhà nước đang được Nhà nước quan tâm, đầu tư. Các phòng thử nghiệm này không những được trang bị đồng bộ và có tính hệ thống các thiết bị thử nghiệm mà đội ngũ nhân viên đo thử được đào tạo và huấn luyện bài bản có thể thực hiện các quy trình đo thử phức tạp quy định bởi các tiêu chuẩn trong và ngoài nước. Các phòng Thử nghiệm ngày nay còn có chức năng tư vấn cho nhà sản xuất các nguyên nhân khiến sản phẩm không đạt chất lượng theo yêu cầu mà còn tư vấn cho khách hàng giải pháp và biện pháp khắc phục hợp lý.

Tùy theo loại sản phẩm, các yêu cầu quy định của các tiêu chuẩn kỹ thuật và quy chuẩn kỹ thuật, các yêu cầu của tổ chức cấp giấy chứng nhận chất lượng mà các doanh nghiệp có thể liên hệ với các Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng hay các Trung tâm kỹ thuật đo lường để được hướng dẫn và giúp đỡ.

Việc thử nghiệm chất lượng sản phẩm tuy phải tốn phí nhưng lợi ích mang lại cho nhà sản xuất vô cùng to lớn như: nâng cao trình độ quản lý sản xuất, tính trách nhiệm của công nhân, giảm phế phẩm, được sự tín nhiệm của người tiêu dùng, đem lại lợi thế cạnh tranh ngay cả trên sân nhà và trong khu vực, nâng cao uy tín và sự tồn tại của doanh nghiệp.

Với các lợi ích như trên, các nhà sản xuất trong nước vốn chưa quen và coi trọng việc thử nghiệm chất lượng sản phẩm, việc nhận giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm của các tổ chức có uy tín, cần có đổi mới trong tư duy, có chính sách chất lượng phù hợp ngay từ hôm nay, trước khi quá muộn.

Lâm Ngọc Thủy

Tin cùng chuyên mục