Điện sạch cho Trường Sa

Điện sạch cho Trường Sa
Điện sạch cho Trường Sa ảnh 1

Các nhà khoa học đang nghiệm thu pin mặt trời và thử nghiệm tại Cam Ranh.Ảnh: H.M.T.

100 chiếc đèn LED nhập khẩu từ Đức, sử dụng năng lượng mặt trời để thắp sáng, đã lên đường đi Trường Sa vào chuyến hàng tết, để nắng trưa thắp sáng hàng đêm cho lính đảo. 100 chiếc đèn này là món quà đầu tiên trong dự án “điện sạch cho Trường Sa”, được Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM thực hiện, với mục tiêu cung cấp điện nắng, điện gió cho những người lính đảo.

Giữ nắng, ôm gió…

Binh nhất Bùi Ngọc Châu mở nắp nồi cơm điện. Mùi cơm chín tỏa ra, len vào từng góc nhỏ trong căn phòng chen chúc những bình ác quy, bộ biến tần, tivi, quạt điện… “Muốn nấu cơm bằng nồi cơm điện thì phải nấu ở đây,  vì trong phòng này tụi em có máy điện gió và máy điện mặt trời, xài hoài không hết. Còn điện ở các phòng khác thì phải sử dụng theo định mức, không được nấu cơm, nấu nước bằng điện”, cậu binh nhất trẻ vừa loay hoay cắm thêm một nồi cơm điện, vừa nói.

So với nhiều lính hải quân trẻ khác, Châu là một chàng trai may mắn. Vào hải quân vùng Bốn, chốt ở chốt đồi thông 6 tháng, thì hơn 2 tháng nay Châu được xài điện “thả phanh”. Nguồn điện “từ trên trời rơi xuống” đó, là các động cơ phát điện bằng sức gió và năng lượng mặt trời, do Trung tâm tiết kiệm năng lượng, thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM (ECC- HCM) lắp thử nghiệm tại chốt đồi thông. “Chúng tôi có một dự án triển khai quang điện và phong điện cho Trường Sa.

Tuy nhiên, do điều kiện tại Trường Sa khắc nghiệt, cán bộ kỹ thuật lại khó có thể ra bảo trì, hướng dẫn mỗi khi xảy ra sự cố, nên các thiết bị này phải được lắp đặt thử nghiệm tại Cam Ranh trước, để kiểm tra tính ổn định, độ ăn mòn…”, Thạc sĩ Huỳnh Kim Tước, Giám đốc ECC-HCM, chủ nhiệm dự án “Điện sạch cho Trường Sa” giải thích.

Tốt không? Nhiều giáo sư, tiến sĩ đầu ngành tại TPHCM đã lặn lội ra Cam Ranh để kiểm tra các hệ thống được lắp đặt thử nghiệm tại đây, săm soi từng con ốc, từng chiếc đinh vít. “Theo tôi, trong các tấm pin mặt trời, cần chống ăn mòn kỹ ở hệ thống giá đỡ và các thanh sắt. Tôi cũng thấy các tấm pin lớn này rất mong manh, cần nghiên cứu kỹ xem có thể chịu đựng được gió bão Trường Sa hay không”, PGS – TS Lê Chí Hiệp nhận định.

Cũng như PGS-TS Hiệp đã nói, chống ăn mòn là vấn đề mà nhóm thực hiện đề tài quan tâm nhất. Làm gì để các thiết bị điện này có thể chịu đựng được với độ mặn trong gió nắng Trường Sa? “Độ mặn tại Trường Sa là 3 phần nghìn. Độ ăn mòn rất đáng sợ, đặc biệt là đối với các vi mạch điện tử”, Đại tá Lưu Văn Tuân, Phó chỉ huy trưởng vùng Bốn cung cấp thêm thông tin cho các nhà khoa học.

Cuộc sống mới cho lính đảo

Từ trước đến nay các người lính đảo đều phải sử dụng điện từ các máy phát chạy bằng dầu diesel. “Chúng tôi có những bồn chứa rất lớn tại Trường Sa, để chứa dầu cho các máy phát điện. Tuy nhiên, vì việc vận chuyển khó khăn, nên lượng điện phục vụ cho sinh hoạt của lính đảo cũng hạn chế”, đại tá Lưu Văn Tuân cho biết.

Nếu thử nghiệm thành công hệ thống máy phát điện năng lượng gió hoặc năng lượng mặt trời tại Trường Sa, hải quân có thể đầu tư thêm tiền để xây dựng mới hệ thống điện sạch phục vụ cho sinh hoạt lính đảo và phục vụ cho việc hoạt động của các máy móc thiết bị quốc phòng tại Trường Sa.

Tuy nhiên, những khó khăn của thời tiết đang là thách thức đầu tiên với các nhà khoa học. “Đề nghị các nhà khoa học kéo dài thêm thời gian thử nghiệm tại đất liền đến tháng
3- 2008. Chúng tôi cũng muốn các bình acquy có thêm phần bánh xe ở giá đỡ, để tiện vận chuyển, và mong các đồng chí kiểm tra kỹ phần thiết bị điện tử. Theo kinh nghiệm, các máy móc càng có nhiều thiết bị điện tử càng dễ bị ăn mòn tại Trường Sa, nếu phần nào có thể làm bằng máy cơ, xin thay thế bằng cơ”, sĩ quan kỹ thuật Lê Gia Tự góp ý thêm với các nhà khoa học.

Một vấn đề lớn khiến các nhà khoa học băn khoăn là hệ thống điện mặt trời và điện gió phải thật “hoàn hảo” khi ra đến đảo, bởi vị trí địa lý xa xôi khó có thể cử cán bộ kỹ thuật đi bảo hành. Chuẩn bị trước cho việc vận hành các thiết bị này trên đảo, các nhà khoa học cũng lên kế hoạch tập huấn sâu cho các chiến sĩ trên đảo.

Trước mắt, dự kiến toàn bộ các máy phát điện này sẽ được tập trung ở 2 cụm đảo, phân bố phù hợp trên cả đảo nổi lẫn đảo chìm để nghiên cứu khả năng hoạt động. Và sẽ có hàng chục lính đảo được tập huấn sâu về kỹ năng sử dụng và vận hành các thiết bị điện này.

Khi chúng tôi rời khỏi Cam Ranh, nồi cơm thứ hai của binh nhất Bùi Ngọc Châu cũng đã bốc mùi thơm phức. Tháng 3 này, binh nhất Châu sẽ phải “chia tay” với phong điện, với quang điện, để các thiết bị này lên đường đến với Trường Sa. Theo các sĩ quan kinh nghiệm tại vùng Bốn hải quân, ở Trường Sa không phải lúc nào người lính cũng có điện để dùng, có lúc, điện hạn chế đến mức lính phải đi ngủ sớm, đêm không dám nghe đài…

Dự kiến rằng tháng 9 năm nay, đề tài nghiên cứu khoa học về điện sạch cho Trường Sa mới có kết quả cuối cùng. Hy vọng không? Theo ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ TPHCM, “chủ đầu tư” của đề tài, đề tài này đã được đầu tư các thiết bị tốt nhất, tập hợp nhiều chuyên gia hàng đầu để thực hiện. Cũng là cố hết sức rồi, phải chờ thôi!

MINH TÚ

Dự án cung cấp 20kW điện sạch cho Trường Sa đang thử nghiệm  tại Cam Ranh, được đầu tư từ TPHCM với tổng số vốn hơn 6 tỷ đồng. Việc nghiên cứu thành công các loại máy phát điện này có thể mở ra một thời kỳ mới cho những người lính đảo. 

Tin cùng chuyên mục